ALBUMIN TRONG TỐI ƯU SỬ DỤNG KHÁNG SINH
Những bệnh nhân già yếu, suy dinh dưỡng, bệnh nặng thường có tình trạng giảm albumin huyết thanh đi kèm với tỉ lệ có thể lên đến 50% [1]. Điều này trở thành vấn đề khi những bệnh nhân này bị nhiễm trùng và cần sử dụng kháng sinh.
1. Albumin và kháng sinh
Các kháng sinh ở trong máu có hai dạng: (1) gắn với albumin và (2) dạng tự do.
Về mặt dược lý, thuốc gắn với albumin có ba ý nghĩa chính sau: (1) Chỉ có thuốc dạng tự do mới có thể phát sinh tác dụng dược lý, (2) Chỉ có thuốc dạng tự do mới có thể được phân phối tới tận bên trong mô cơ quan và (3) Chỉ có dạng tự do mới có thể thoát khỏi khoang mạch máu.
Vì vậy, Albumin gắn với thuốc đóng vai trò giữ thuốc trong lòng mạch, tạo ra một bể chứa thuốc và phân phối từ từ về dạng tự do.
2. Ảnh hưởng của giảm albumin máu lên tác dụng của kháng sinh
- Giảm albumin làm tăng thể tích phân bố thuốc: Giảm albumin dẫn tới thoát dịch ra mô kẽ, tràn dịch đa màng; kéo theo thuốc cũng bị đưa ra các khoang thứ 3 nhiều hơn. Đây là tình trạng tăng thể tích phân bố của thuốc (Vd) làm nồng độ thuốc trong máu giảm xuống, dẫn tới nồng độ thuốc được đưa theo dòng máu tới cơ quan đích có thể không đạt. Liên quan tới Vd, những bệnh nhân nặng lại thường có Vd lớn hơn bình thường do bệnh nền ứ dịch như suy tim, suy thận, xơ gan hay do quá trình bồi phụ dịch lượng lớn.
- Giảm albumin tăng độ thanh thải thuốc: Do chỉ có dạng tự do mới có thể thoát khỏi lòng mạch, gan và thận cũng chỉ có thể thanh thải, chuyển hóa được dạng tự do của thuốc. Thuốc ở dạng tự do càng nhiều thì thuốc bị thanh thải càng nhanh. Quan trọng hơn, những bệnh nhân nặng còn có thể có tốc độ thanh thải nhanh hơn bình thường liên quan tới bù dịch lượng lớn, lợi tiểu,...
3. Những thuốc có tỉ lệ gắn với albumin cao là những thuốc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng giảm albumin, ví dụ một số kháng sinh phổ biến như: Ceftriaxone (85-95%), Cefoperazone (90%), Doxycyclin (93%), Ertapenem (85-95%),... hay ở mức độ trung bình là: Levofloxacin (50%), moxifloxacin (30-50%), Vancomycin (30-60%),.. [2].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Finfer S, Bellomo R, McEvoy S, et al. Effect of baseline serum albumin concentration on outcome of resuscitation with albumin or saline in patients in intensive care units: analysis of data from the Saline versus Albumin Fluid Evaluation (SAFE) study. BMJ 2006; 333 (7577): 1044
2. Ulldemolins, M., Roberts, J.A., Rello, J. et al. The Effects of Hypoalbuminaemia on Optimizing Antibacterial Dosing in Critically Ill Patients. Clin Pharmacokinet 50, 99–110 (2011).