Đau mạn tính ở người bệnh suy tim cao tuổi tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa

 TÓM TẮT

Mở đầu: Tình trạng đau mạn tính ở người bệnh cao tuổi suy tim rất thường gặp và là vấn đề sức khỏe cần quan tâm.

Mục tiêu: Khảo sát tình trạng đau mạn tính ở người bệnh suy tim cao tuổi

Đối tượng – phương pháp nghiên cứu: Mô tả loạt trường hợp gồm 98 người bệnh cao tuổi có suy tim (ST) và đau mạn tính điều trị tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ 01/02/2022 đến 31/08/2022. Đau mạn tính được khảo sát bằng bảng kiểm BPI dạng ngắn được Việt hóa ngôn ngữ (BPIsfvn). Suy tim được đánh giá theo NYHA và ESC 2021, và đồng thuận của Hội tim mạch Việt Nam 2022.


Kết quả: Tuổi trung bình 69,9 ± 8,5 tuổi, (60-91 tuổi); nữ chiếm 46,9 %, tỉ lệ nam/nữ:1,1; BMI phân loại theo WHO dành cho người Châu Á: gầy (12,2%); bình thường (60,2%), tiền béo phì (13,3%), béo phì (14,3%). Bệnh lý mắc kèm: Rối loạn lipid máu 54%; THA (48%); BMV mạn (54%); ĐTĐ (11%). Đặc điểm suy tim theo NYHA: Suy tim NYHA 2 (59,2%); Suy tim NYHA 3 (40,8%). Đặc điểm suy tim theo phân xuất tống máu (EF): EF giảm (43,9%), EF khoảng giữa (31,6%); EF bảo tồn (24,5%). Đau ảnh gây nhiều trở ngại cho NB lên một số chức năng sinh hoạt, tinh thần, sự di chuyển, mối quan hệ xung quanh, giấc ngủ. Thời gian đau trung bình:  27,1 ± 15,6 tháng; Điểm đau trung bình: 5,3 ±1 ,8. Số lượng vị trí đau trung bình:  1,6 ± 0,6 (N = 91 NB); Đặc điểm vị trí đau: Gối 61 NB (62,0%); CSTL  43 NB (43%); Đầu 17 NB (17,3%); vai 8 NB (8,2%); cột sống cổ 7 NB (7,1%); đau toàn thân 7 NB (7,1%);  tiêu hóa 1 (1%). Thuốc giảm đau thường sử dụng gồm paracetamol 61,2%; NSAID 24,5%; Giảm đau thần kinh 17,3%; Tramadol 10,2 %. Có sự liên quan giữa tình trạng đau, sự ảnh hưởng của đau lên chức năng cơ bản, sự di chuyển, công việc, mối quan hệ với người xung quanh, giấc ngủ và tình trạng suy tim theo NYHA và suy tim theo EF. Tình trạng đau nhiều hơn xảy ra ở người bệnh suy tim nặng hơn.

Kết luận: Điểm đau phản ánh tình trạng đau của nhóm nghiên cứu ở mức độ trung bình. Tình trạng đau nhiều hơn xảy ra ở người bệnh suy tim nặng hơn, ảnh hưởng tới chức năng cơ bản của chất lượng cuộc sống, nên cần quan tâm đến tình trạng đau mạn tính ở người bệnh suy tim.

Từ khóa:  Đau mạn tính, suy tim, thang điểm BPI sfvn

 ĐẶT VẤN ĐỀ:

Đau là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người bệnh khi tới khám chữa bệnh, tỉ lệ có thể tới 80% ở những người được điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh. Suy tim là bệnh lý thường gặp và gia tăng theo tuổi, 6% ở nhóm tuổi 60-70 tuổi và trên 11% ở nhóm tuổi trên 80 tuổi [4]. Đau mạn tính còn là một triệu chứng quan trọng và đã được xác định là một yếu tố nguy cơ khiến người bệnh suy tim phải tái nhập viện [9].  Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu được báo cáo cơn đau mạn tính trong bệnh suy tim nhiều năm là một triệu chứng đáng lo ngại mà nguyên nhân và cơ chế chưa rõ.  Tính chất tiến triển của cơn đau thầm lặng nên cả bác sĩ và người bệnh đều khó nhận thấy cho đến khi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe chung [6]. Để khảo sát mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng của đau mạn tính ở người bệnh suy tim cao tuổi tại phòng khám ngoại trú, chúng tôi tiến hành nghiên cứu tình trạng đau mạn tính ở bệnh nhân suy tim cao tuổi với mục tiêu chuyên biệt:

       Khảo sát đặc điểm đau mạn tính (vị trí, mức độ, trở ngại do đau) ở người bệnh suy tim cao tuổi

       Khảo sát mối liên quan giữa tình trạng đau mạn tính và mức độ suy tim ở người bệnh suy tim cao tuổi

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Thiết kế nghên cứu: Nghiên cứu loạt ca bệnh

Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng là tất cả bệnh nhân được chẩn đoán suy tim cao tuổi (≥ 60 tuổi) có tình trạng đau mạn tính tại phòng khám Nội khoa- Khoa Khám Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/08/2022.

Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân suy tim cao tuổi ((≥ 60 tuổi), đồng ý tham gia nghiên cứu

Tiêu chuẩn loại trừ:  Những người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu, sa sút trí tuệ, suy tim cấp, người bệnh trong tình trạng cấp cứu.

Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện

Phương pháp thu thập số liệu: Mẫu thu thập số liệu đã soạn sẵn

Suy tim được phân loại theo Hội tim mạch New York (NYHA) và Phân loại suy tim theo ESC 2021, và đồng thuận của Hội tim mạch Việt Nam 2022. Đau mạn tính được định nghĩa theo Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế – IASP và cùng sự đồng thuận của Hội thần kinh Việt Nam 2021. Khảo sát đau bằng bảng kiểm đau BPI rút gọn đã được BYT Việt Nam ban hành năm 2022 sử dụng cho đánh giá đau, theo dõi cơn đau, tác động của cơn đau với chất lượng cuộc sống.

Chúng tôi tiến hành hỏi bệnh sử, thu thập thông tin tiền sử bệnh, thời gian được chẩn đoán đau, khám lâm sàng, và xem đơn thuốc, hồ sơ bệnh án ghi nhận bệnh kèm và thuốc điều trị bệnh kèm. Ghi nhận phân loại suy tim cùng thời điểm khảo sát tình trạng đau theo NYHA (I,II,III,IV) và phân loại suy tim theo ESC 2021, Hội tim mạch Việt Nam 2022 với phân xuất tống máu EF (EF giảm, EF khoảng giữa, EF bảo tồn).

Khảo sát tình trạng đau mạn tính bằng bảng kiểm BPI rút gọn. Giá trị trung bình số học của bốn mục mức độ nghiêm trọng có thể được sử dụng làm thước đo mức độ nghiêm trọng của cơn đau (từ 0 đến 10).

Phương pháp xử lý số liệu:

Các biến liên tục được biểu diễn dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn. Các biến nhị giá, biến thứ tự và biến danh định sẽ được trình bày dưới dạng tần suất và tỷ lệ. So sánh giá trị của biến trong nhóm tuổi khi phân phối chuẩn bằng phép kiểm t, khi phân phối không chuẩn bằng phép kiểm Mann-Whitney với khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức p < 0,05. Uớc lượng mối liên hệ giữa các biến số với kết quả cần quan tâm (tình trạng đau, tình trạng suy tim) bằng phép kiểm χ2, với khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức p < 0,05. Xử lý thống kê được thực hiện với phần mềm SPSS 20.0. Tuân thủ đạo đức nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:

Có 98 người bệnh là NCT được đưa vào nghiên cứu. Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu và của từng nhóm người bệnh được nêu trong bảng 1, tỉ lệ bệnh nhân nữ thấp hơn nam, BMI của nhóm người bệnh trên 80 tuổi là thấp nhất, nhóm nghiên cứu chủ yếu là suy tim NYHA 2, và EF bảo tồn.

Bảng  1 : Đặc điểm chung mẫu nghiên cứu

 Bệnh nhân (n = 98)Tỉ lệ %
Tuổi (năm)

Trung bình ± độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất – lớn nhất

 

69,9 ± 8,5

60 – 91

 
Giới nữ4646,9
Phân loại BMI  
Gầy1212,2
Bình thường5960,2
Tiền béo phì1313,3
Béo phì1414,3
Phân loại suy tim NYHA98 
NYHA 25859,2
NYHA 34040,8
Phân loại suy tim theo EF

EF giảm

EF khoảng giữa

EF bảo tồn

98

43

31

24

 

24,5

31,6

43,9

Người bệnh trong nhóm nghiên cứu có nhiều bệnh kèm, chủ yếu là bệnh lý tim mạch trong đó bệnh mạch vành và rối loạn lipid máu chiếm tỉ lệ cao nhất (Bảng 2). Thuốc điều trị đau paracetamol chiếm tỉ lệ cao nhất, Tramadol ít được sử dụng nhất (bảng 3).

Bảng  2 : Tỉ lệ bệnh mắc kèm

 Loại bệnh kèmBệnh nhân (n = 98)Tỉ lệ %
Bệnh mạch vành mạn5354
Rối loạn lipid máu5354
Tăng huyết áp4748
Rung nhĩ3535,7
Đái tháo đường1112
COPD55,1
Bệnh thận mạn44,1
Đột quỵ33,1
Basedow11

Bảng  3: Thuốc điều trị đau

 Loại thuốc (TB ± ĐLC: 3,5 ± 1,6)Bệnh nhân (n = 98)Tỉ lệ %
Paracetamol6061,2
NSAID2424,5
Giảm đau thần kinh1717,3
Tramadol1010,2

Bảng 4, 5: Người bệnh có thời gian đau kéo dài nhiều tháng. Điểm đau trung bình không thấp nhưng không quá cao, không khác biệt tình trạng đau trung bình theo giới. Vị trí đau xảy ra tại các khớp gối và cột sống thắt lưng chiếm tỉ lệ cao nhất. Xảy ra tình trạng đau không xác định, nghĩa là không đau ở một vị trí nhất định và không có sự khác biệt giữa nam và nữ.

Bảng  4: Đặc điểm đau  

ChungNam (n = 52)Nữ (n = 46)p
Thời gian đau (tháng)27,1 ± 15,627,3 ±14,227,1 ± 15,60,6
Điểm đau trung bình5,3 ±1 ,85,2 ± 1,85,4 ± 1,80,7
Số lượng vị trí đau     
Đau khu trú (n=91)2,6 ± 0,6 2,7 ± 0,6
1,6 ± 0,6
0,7
Đau không xác định vị trí (n =7) 7 (7%) 4 (4%)3 (3%) 

Bảng  5Đặc điểm vị trí đau

Vị trí đauSố bệnh nhânTỉ lệ %
Gối6162
CSTL4343
Đau đầu1717,3
Đau vai88,2
Đau cổ77,1
Đau không xác định vị trí77,1
Đau khác22

Tình trạng đau ảnh hưởng nhiều đến sự đi lại, sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống (bảng 6). Nhóm bệnh nhân có tình trạng đau nhiều hơn ở nhóm suy tim nặng hơn (bảng 6,7).

 Bảng  6  : Mối liên quan giữa tình trạng đau và tình trạng suy tim theo NYHA

Đặc điểm (TB ± ĐLC)NYHA 2 (n = 58)NYHA 3 (n = 40)p
Điểm đau4,8 ± 1,85,9 ± 1,60,000
Hạn chế đi lại4,8 ± 1,65,8 ± 1,70,008
Ảnh hưởng tinh thần4,6 ± 1,55,3 ± 1,70,03
Ảnh hưởng công việc4,9 ± 1,75,8 ± 1,60,02
Ảnh hưởng sinh hoạt4,7 ± 1,65,6 ± 1,50,02
Mất ngủ2,0 ± 1,85,5 ± 2,50,000
Tận hưởng cuộc sống2,2 ± 1,75,7 ± 2,50,03

Bảng  7:  Mối liên quan giữa tình trạng đau và tình trạng suy tim theo EF

EF giảm (n = 43)EF không giảm (n = 55)p
Điểm đau (TB ± ĐLC)5,8 ± 1,54,8 ± 1,90,06
Hạn chế đi lại5,7 ± 1,74,9 ± 1,60,02
Ảnh hưởng tinh thần5,3 ± 2,72,5 ± 1,90,03
Ảnh hưởng công việc 5,5 ± 1,74,8 ± 1,70,04
Ảnh hưởng sinh hoạt 5,7 ± 1,74,9 ± 1,60,02
Mất ngủ5,1 ± 2,72,1 ± 2,90,000
Tận hưởng cuộc sống 5,6 ± 1,74,8 ± 1,60,03

 BÀN LUẬN

Về đặc điểm chung:

Tỉ lệ nữ giới thấp hơn nam giới trong nghiên cứu của chúng tôi, nhưng kết quả này khá tương đồng với một số nghiên cứu của tác giả khác.  Theo thống kê năm 2019, ở nhóm bệnh nhân suy tim trong đó khoảng 80% là người cao tuổi thì tỉ lệ nữ chiếm cao hơn [11]. Nhiều nguồn gốc đau như thể chất, tâm lý và thần kinh đã được mô tả ở người cao tuổi và chúng có thể là nguồn gốc gây đau ở bệnh nhân suy tim.  Mức độ đau ở bệnh nhân suy tim gia tăng theo tuổi [15].  Tác giả Pablo Diez-Villanueva  (2021) nghiên cứu trên 499 bệnh nhân ngoại trú HF ≥75 tuổi, trong đó 193 (38%) là phụ nữ, tuổi trung bình là 81,4 ± 4,3. Samantha Conley và Cs (2015) khảo sát trên 173 người bệnh ngoại trú suy tim, 65% nam giới, tuổi trung bình 60 ± 16,1, và 57% người bệnh có đau [7].

Về đặc điểm lâm sàng:

Đa bệnh và đa thuốc là đặc điểm phổ biến ở NCT và tương tự kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Suy tim là bệnh lý nền thường gặp ở người cao tuổi. Đặc điểm bệnh kèm ở người bệnh suy tim cao tuổi khá đa dạng với tỉ lệ bệnh lý tim mạch chiếm tỉ lệ cao nhất là bệnh mạch vành, THA, rối loạn lipid máu, rung nhĩ. Đặc điểm này có thể giải thích được vì bệnh lý tim mạch có kết cục thường là suy tim.  Gaborit F S và Cs (2019) Đan Mạch khảo sát 400 người bệnh trên 60 tuổi, có > 1 yếu tố nguy cơ tim mạch. Các bệnh mắc kèm phổ biến nhất là tăng huyết áp (n = 38, 61%), tăng lipid máu (n = 29, 47%), bệnh thận giai đoạn cuối (n = 20, 32%) và bệnh tiểu đường (n= 17, 27%). Các tình trạng bệnh lý phổ biến khác là rung nhĩ (28%), trầm cảm (18%), béo phì (16%), viêm xương khớp (15%), COPD (8%), bệnh gút (8%), bệnh tuyến giáp (7%), thiếu máu (7%) và bệnh động mạch ngoại vi (PAD, 3%). Người bệnh mắc bệnh thoái hóa khớp mô tả nhiều điểm hơn tuổi, có trên 01 yếu tố nguy cơ HF. Tỉ lệ người bệnh HF giai đoạn nặng hơn gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi (p<0,001) và thường gặp ở người bệnh rung nhĩ (p= 0,006)[10].

Trong nghiên cứu của chúng tôi trên đối tượng suy tim ở người cao tuổi có đau mạn tính, tình trạng có nhiều bệnh kèm tương tự kết quả nghiên cứu về tình trạng đa bệnh của Samantha Coley và Cs (2015), khảo sát trên 173 người bệnh ngoại trú suy tim có đau mạn tính. Nghiên cứu này ở độ tuổi trung bình 60 ± 16,6, tỉ lệ đau mạn tính là 57% (100 NB). Một số bệnh đi kèm ở nhóm có đau mạn tính là ĐTĐ 54,9%; viêm xương khớp 29,1%; Bệnh mạch vành 55,6%; rối loạn chuyển hóa 27%, THA 59,2% [14].

Udeoji D. U và Cs (2012) tại Hoa Kỳ khảo sát tình trạng đau mạn tính trên 62 người bệnh suy tim (HF) ổn định. Kết quả cho thấy bệnh mắc kèm phổ biến nhất là tăng huyết áp (n = 38, 61%), tăng lipid máu (n = 29, 47%), bệnh thận giai đoạn cuối (n = 20, 32%) và bệnh tiểu đường (n= 17, 27%). Các tình trạng bệnh lý phổ biến khác là rung nhĩ (28%), trầm cảm (18%), béo phì (16%), viêm xương khớp (15%), COPD (8%), bệnh gút (8%), bệnh tuyến giáp (7%), thiếu máu (7%) và bệnh động mạch ngoại vi (PAD, 3%). Người bệnh mắc bệnh thoái hóa khớp mô tả nhiều điểm hơn [40].

Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện tại phòng khám ngoại trú, nên người bệnh suy tim thường ở trong tình trạng ổn định, có thể kê đơn để người bệnh về nhà điều trị ngoại trú. Một số người bệnh suy tim chưa ổn định, còn triệu chứng bệnh lý suy tim chưa kiểm soát được có thể cho nhập viện nội trú điều trị hoặc chuyển người bệnh xuống khoa cấp cứu để xử lý tiếp, vì vậy không đưa vào nhóm nghiên cứu của chúng tôi.  Do vậy, so sánh với một số nghiên cứu trên nhóm người bệnh suy tim ổn định điều trị ngoại trú, có đau mạn tính cũng là nhóm đối tượng nghiên cứu khá tương đồng.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tình trạng đa bệnh cũng tương tự như kết quả của nghiên cứu khác, mặc dù có khác nhau về tỉ lệ bệnh đồng mắc.

Về đặc điểm suy tim

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Tuổi là một trong những yếu tố làm gia tăng bệnh lý tim mạch, trong đó có suy tim. Đã có nhiều nghiên cứu về mức độ suy tim theo NYHA cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhiều tác giả.

Gaborit F S và Cs (2019) Đan Mạch khảo sát 400 người bệnh trên 60 tuổi, có > 1 yếu tố nguy cơ tim mạch, kết quả cho thấy tỉ lệ người bệnh HF giai đoạn nặng hơn gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi (p<0,001) và thường gặp ở người bệnh rung nhĩ (p= 0,006). Tỉ lệ suy tim theo NYHA I, II, III tương ứng 58,8% (235 NB); 36,3% (145 NB) và 5% (20 NB). Tỉ lệ suy tim theo phân xuất tống máu (EF) bao gồm EF giảm (3%; 12 NB), EF trung gian (7%; 28 NB) và EF bảo tồn (90%; 360 NB) [10].

Tác giả Nguyễn Thị Thúy Minh và Châu Ngọc Hoa nghiên cứu trên 285 bệnh nhân ngoại trú trong đó NB > 60 tuổi chiếm 55,8%, kết quả cho thấy tỉ lệ suy tim NYHA I, II, III tương ứng 9,5%; 64,9%, 25,6% và tỉ lệ suy tim theo phân EF với EF ≤ 40% là 53% tương ứng EF > 40% là 47% [2].

 Nguyễn Ngọc Như Khuê, Phạm Thái Sơn, Lê Tự Hoàng (2023) nghiên cứu trên 197 người bệnh trên 18 tuổi trong đó có 138 NB trên 60 tuổi (71%). Kết quả cho thấy tình trạng suy tim theo NYHA I (9NB, 4,6%); NYHA II (87 NB, 44,8%); NYHA III (89 NB, 45,9%); NYHA IV (9NB, 4,6%). Tình trạng suy tim theo phân xuất tống máu thất trái (LVEF) (%) > 40 là (173NB, 89,2%) tương ứng với EF (%) ≤ 40 là (21 NB, 10,8%) [1].

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người cao tuổi chiếm đa số, có thể tới 80% ở người bệnh suy tim. Mặt khác, hiện chưa có nhiều nghiên cứu tình trạng suy tim trên nhóm người bệnh cao tuổi có đau mạn tính, nên chúng tôi tạm dùng ngoại suy để so sánh với nghiên cứu của tác giả Udeoji D. U và Cs (2012) để có thể thấy một số đặc điểm tương đồng ở nhóm đối tượng nghiên cứu suy tim có đau mạn tính[14].

Udeoji D. U và Cs (2012) tại Hoa Kỳ khảo sát 62 người bệnh suy tim mạn tính có đau mạn tính, gồm 51 nam, 11 nữ, tuổi 56 ± 13 (từ 28-77 tuổi), EF là 33% ± 17% (10% -76%), trong đó 17 NB có EF > 40%, 45 NB có EF ≤ 40% (nhóm 2) [14].

Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu khảo sát tình trạng suy tim ở nhóm người bệnh cao tuổi, có đau mạn tính.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tình trạng suy tim đánh giá theo NYHA hay EF khác kết quả nghiên cứu của các tác giả khác, do nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên người cao tuổi có đau mạn tính. Hơn nữa, do sự khác nhau về điều kiện kinh tế của người dân tỉnh Khánh Hòa và điều kiện kinh tế một số vùng trong nước cũng như các nước Châu Âu, nên sự tiếp cận với điều kiện chăm sóc y tế khác nhau, dẫn đến sự kiểm soát tình trạng bệnh lý suy tim cho người bệnh khác nhau.

Về đặc điểm đau

Tình trạng đau ở người bệnh suy tim đã được nghiên cứu rất nhiều và nhiều thang điểm đau được sử dụng làm công cụ đánh giá đau khác nhau. Vì vậy, đánhg gía đau ở các nghiên cứu có nhiều kết quả khác nhau, với nhiều vị trí đau khác nhau. Đã có nhiều nghiên cứu đau mạn tính trên nhóm đối tượng là người cao tuổi.

Tác giả Kirubakaran S, Dongre A R (2019) nghiên cứu cho thấy rằng cả tuổi cao và sự hiện diện của ít nhất một bệnh đi kèm, đều là những yếu tố dự đoán gây đau cơ xương khớp mãn tính ở người lớn tuổi [13]. Hơn nữa, yếu tố dự báo quan trọng nhất về mức độ đau cao hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi được chăm sóc ban đầu là các vấn đề về thắt lưng mãn tính, đặc biệt nếu kết hợp với viêm dạ dày mãn tính, tăng axit uric máu/bệnh gút, suy tim, bệnh thần kinh và trầm cảm.

Tác giả Thân Hà Ngọc Thể và Cs (2018) khảo sát trên 349 người bệnh cao tuổi, trong đó có 169 người bệnh có đau, sử dụng thang điểm BPI sfvn đánh giá đau. Một số nguyên nhân đau thường gặp do bệnh lý đường tiêu hóa 61,5% 68,8, chấn thương 68,8%, cơ xương khớp 61,7%, bệnh thần kinh ngoại biên 50% [3].

Ở nhóm người bệnh có suy tim có đau mạn tính, cũng có nhiều nghiên cứu được báo cáo.

Udeoji D. U và Cs (2012) tại Hoa Kỳ khảo sát 62 người bệnh suy tim ổn định có đau mạn tính, người bệnh được đánh giá đau trên hệ thống đánh giá triệu chứng Edmonton (ESAS). Thang điểm ESAS dao động từ 0 đến 10, trong đó 0 thể hiện không có triệu chứng và 10 thể hiện các triệu chứng tồi tệ nhất có thể xảy ra , kết quả cho thấy tổng điểm đau là 2,5% ± 3,1. Đau xảy ra ở nhiều vị trí giải phẫu, 15% đau ở ngực, lưng, cổ, bụng hoặc tứ chi, 04 người bệnh (7%) không chỉ ra vị trí đau nhưng mô tả đau toàn thân [14] .

Tác giả Sarah J Goodlin (2012) đã xác định mức độ phổ biến của cơn đau, vị trí, tính chất, mức độ nghiêm trọng, tần suất và mối tương quan ở 347 bệnh nhân ngoại trú mắc suy tim, đau được đánh giá thang đau BPI.  Kết quả cho thấy vị trí đau thường gặp nhất là cẳng chân dưới đầu gối (32,3% đối tượng). Đau cản trở hoạt động cho 70% bệnh nhân. Đau ở mức độ “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” đối với 28,6% đối tượng bị đau ngực và 38,9% đối với những người bị đau ở các vị trí khác [12].

Mặc dù nghiên cứu tình trạng đau ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng cùng trên đối tượng là suy tim, cho thấy kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Kết quả này có thể giải thích được, do người cao tuổi thường có tình trạng đa bệnh lý. Bệnh lý tim mạch đặc biệt là suy tim thường gặp ở người cao tuổi.

Mối liên quan về tình trạng đau ở người bệnh suy tim theo NYHA

Phân loại suy tim theo NYHA là cách phân loại suy tim đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo cách phân loại này, tình trạng suy tim của bệnh nhân được đánh giá dựa trên khả năng hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đánh giá tình trạng đau trên bệnh nhân suy tim cao tuổi theo NYHA cho thấy tình trạng đau nhiều hơn xảy ra trên nhóm bệnh nhân có tình trạng suy tim nặng hơn. Tình trạng đau làm ảnh hưởng đến tinh thần, giấc ngủ, mối quan hệ với người xung quanh, hoạt động cơ bản của người bệnh, mức độ ảnh hưởng ngày ở nhóm bệnh nhân suy tim nặng hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% người bệnh suy tim thường xảy ra ở người cao tuổi. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khảo sát tình trạng đau ở người bệnh suy tim cao tuổi, nên sự so sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi so với nghiên cứu của các tác giả khác vẫn còn dè dặt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn so sánh ngoại suy với một số nghiên cứu khác để có thể hình dung sự tương đồng về kết quả trong nghiên cứu.

Tác giả Sarah J Goodlin (2012) đã xác định mức độ phổ biến của cơn đau, vị trí, tính chất, mức độ nghiêm trọng, tần suất và mối tương quan ở 347 bệnh nhân ngoại trú mắc suy tim. Tác giả đã đánh giá mối tương quan của cơn đau với chất lượng cuộc sống, tỷ lệ tử vong, các triệu chứng và vấn đề sức khỏe liên quan đến HF, và các phương pháp điều trị cơn đau hiện tại.  Đau cản trở hoạt động cho 70% bệnh nhân. Đau ở mức độ “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” đối với 28,6% đối tượng bị đau ngực và 38,9% đối với những người bị đau ở các vị trí khác [12].

Evangelista, L.S và Cs (2009) khảo sát 300 người bệnh suy tim, trong đó có 202 NB có đau, kết quả cho thấy tình trạng đau tương ứng với tình trạng suy tim theo NYHA là NYHA I là (12 NB, 5,9%); NYHA II (66 NB, 32,7%); NYHA III (92NB; 45,5%), NYHA IV (32NB, 15,8%) [19]. Tỉ lệ đau tăng lên khi phân loại chức năng xấu đi, tương ứng tình trạng suy tim nặng lên (p<0,009) [8] .

Samantha Conley và Cs (2015) khảo sát trên 173 người bệnh ngoại trú suy tim, và 57% người bệnh có đau, kết quả cho thấy NYHA I (5 NB, 2,9%); NYHA II (95 NB, 54,9%); NYHA III (61NB; 35,3%), NYHA IV (12NB, 6,9%) [5]. Đau được đánh giá trên thang đau cơ thể SF-36. Kết quả cho thấy đau, mệt mỏi và trầm cảm có liên quan đến giảm hoạt động chức năng ở bệnh nhân HF ổn định [5].

Mối liên hệ về tình trạng đau và suy tim theo phân xuất tống máu EF

Suy tim có phân xuất tống máu giảm thường chiếm dưới 50% các trường hợp suy tim. Tình trạng đau ở người bệnh suy tim được nhiều tác giả quan tâm, nhưng các tác giả khác nhau sử dụng thang điểm để khảo sát sự ảnh hưởng của đau lên chất lượng cuộc sống ở người bệnh suy tim khác nhau. Vì vậy, so sánh giữa các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới với kết quả nghiên cứu của chúng tôi có nhiều điểm chưa tương đồng. Tuy nhiên, kết quả chung của nhiều nghiên cứu là có sự ảnh hưởng của mức độ đau lên một số yếu tố chất lượng cuộc sống như sự đi lại, hoạt động chức năng cơ bản, giấc ngủ ở người bệnh suy tim. Sự ảnh hưởng này tăng lên khi tình trạng suy tim nặng hơn.

Udeoji D. U và Cs (2012) tại Hoa Kỳ khảo sát 62 người bệnh suy tim có đau mạn tính, số người bệnh có EF giảm chiếm tỉ lệ cao hơn (72,5%;45 NB). Điểm đau ở nhóm EF > 40% là 1,2 ± 1,9, điểm đau ở nhóm EF ≤ 40% là 3,1 ± 3,3. Đau có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn ở nhóm EF ≤ 40% so với nhóm có có EF > 40% [14] .

KẾT LUẬN

Có sự liên quan giữa tình trạng đau và sự ảnh hưởng của đau lên chức năng cơ bản, sự di chuyển, công việc, mối quan hệ với người xung quanh, giấc ngủ và tình trạng suy tim theo NYHA và suy tim theo phân xuất tống máu EF. Mức độ đau nhiều hơn xảy ra ở người bệnh có tình trạng suy tim nặng hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ngọc Như Khuê, Phạm Thái Sơn, Lê Tự Hoàng (2023). ” Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn tính tại bệnh viện đa Khoa Vùng Tây Nguyên năm 2021  “. Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển, Số 01-2023  (Tập 07), tr: 126-136.
  2. Nguyễn Thị Thúy Minh, Châu Ngọc Hoa (2014). “Khảo sát chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân suy tim”. Y Hoc TP. Ho Chi Minh, 18, tr: 140 ‐ 144.
  3. Lê Thị Thuỳ Phương, Thân Hà Ngọc Thể, Nguyễn Văn Trí (2017). ” Khảo sát tình trạng kiểm soát đau trên bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú tại khoa Lão- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định  “.  Y Học TP Hồ Chí Minh Phụ Bản Tập 21  tr: 5.
  4. Administration for Community Living A o A U S D o H a H S (2018). ” 2017 Profile of Older Americans”.
  5. Conley S, Feder S, Redeker N S (2015). “The relationship between pain, fatigue, depression and functional performance in stable heart failure”. Heart Lung,  44  (2), pp. 107-12.
  6. Cravello L, Di Santo S, Varrassi G, et al. (2019). “Chronic Pain in the Elderly with Cognitive Decline: A Narrative Review”. Pain Ther, 8  (1), pp. 53-65.
  7. Díez-Villanueva P, Jiménez-Méndez C, Alfonso F (2021). “Heart failure in the elderly”. J Geriatr Cardiol,  18  (3), pp. 219-232.
  8. Evangelista LS, Sackett E, Dracup K (2009). “Pain and heart failure: Unrecognized and untreated”. European Journal of Cardiovascular Nursing,  Aug 8  (3), pp. 169-173.
  9. Evangelista L S, Sackett E, Dracup K (2009). “Pain and heart failure: unrecognized and untreated”. Eur J Cardiovasc Nurs,  8  (3), pp. 169-73.
  10. Gaborit F S, Kistorp C, Kümler T, et al. (2019). “Prevalence of early stages of heart failure in an elderly risk population: the Copenhagen Heart Failure Risk Study”. Open Heart, 6  (1), pp. e000840.
  11. Goodlin S J (2004). “Care of the older patient with pain”. Curr Pain Headache Rep, 8  (4), pp. 277-80.
  12. Goodlin S J, Wingate S, Albert N M, et al. (2012). “Investigating pain in heart failure patients: the pain assessment, incidence, and nature in heart failure (PAIN-HF) study”. J Card Fail, 18  (10), pp. 776-83.
  13. Kirubakaran S, Dongre A R (2019). “Chronic musculoskeletal pain among elderly in rural Tamil Nadu: Mixed-method study”. J Family Med Prim Care, 8  (1), pp. 77-85.
  14. Udeoji D U, Shah A B, Bharadwaj P, et al. (2012). “Evaluation of the prevalence and severity of pain in patients with stable chronic heart failure”. World J Cardiol, 4  (8), pp. 250-5.
  15. Gureje O, Von Korff M, Simon G E, et al. (1998). “Persistent pain and well-being: a World Health Organization study in primary care”. Jama, 280  (2), pp. 147-151.


About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét