Các chuyên gia tim mạch sử dụng rất tinh tế xét nghiệm chẩn đoán này, và có vẻ như dân ngoại đạo (bác sĩ hô hấp, bác sĩ cấp cứu, bác sĩ hồi sức) chưa ứng dụng mượt mà lắm trị số NT-ProBNP.
Nghiên cứu kinh điển về NT-ProBNP để phân biệt khó thở do tim hay nguyên nhân khác là một phân tích dữ liệu gộp của 3 nghiên cứu có thiết kế tương đồng với 1256 bệnh nhân khó thở nhập khoa cấp cứu.
https://academic.oup.com/eurheartj/article/27/3/330/2888121
-Tiêu chí chọn bệnh:
Người lớn > 21 tuổi vào cấp cứu vì khó thở.
-Tiêu chí loại trừ:
+ Suy thận với creatinine máu > 2.5 mg/dL
+ Khó thở sau chấn thương ngực
+ Khó thở thứ phát do thiếu máu cơ tim nặng (ST chênh lên hoặc chênh xuống)
+ Sau 2 giờ tiêm mạch lợi tiểu quai
Kết quả nghiên cứu chỉ cần đọc 1 bảng bên dưới là được.
-Điều quan trọng nhất và dễ áp dụng nhất trong cấp cứu hồi sức là ở điểm cắt 300 pg/mL có giá trị tiên đoán âm 98% (tức NT-ProBNP <300 pg/mL cho phép loại trừ suy tim cấp với xác suất đúng 98%).
-Với các điểm cắt chẩn đoán suy tim cấp thay đổi theo độ tuổi, tuổi càng trẻ thì xác suất chẩn đoán đúng càng cao hơn.
+ <50 tuổi: NT-ProBNP 450 pg/mL, chẩn đoán suy tim cấp với độ nhạy 97% (100 trường hợp suy tim cấp có 97 trường hợp NT-ProBNP >450 pg/mL - tỷ lệ dương tính thật) và độ đặc hiệu 93% (100 người không suy tim cấp có 93 người NT-ProBNP <450 pg/mL - tỷ lệ âm tính thật; hay nói cách khác, 7 người NT-ProBNP >450 pg/mL - tỷ lệ dương tính giả), giá trị tiên đoán âm 99%.
+ 50-75 tuổi: NT-ProBNP 900 pg/mL, chẩn đoán suy tim cấp với độ nhạy 90% và độ đặc hiệu 82%, giá trị tiên đoán âm 88%.
+ >75 tuổi: NT-ProBNP 1800 pg/mL, chẩn đoán suy tim cấp với độ nhạy 85% và độ đặc hiệu 73%, giá trị tiên đoán âm 55%.
Nhận xét: NT-ProBNP trở nên khó áp dụng cho nhóm bệnh nhân 50-75 tuổi với xác suất chẩn đoán sai suy tim cấp 18% (dương tính giả) và gần như không thể loại trừ suy tim cấp (đúng 55% với NT-ProBNP <1800 pg/mL) ở nhóm bệnh nhân >75 tuổi.
-Dĩ nhiên, với một xét nghiệm chẩn đoán thì điểm cắt càng cao sẽ cho độ nhạy càng thấp và độ đặc hiệu càng cao. Tuy nhiên, NT-proBNP tăng phóng thích vào máu khi có tăng sức nén huyết động học tại tim (tức thành tim bị giãn, phì đại hoặc tăng áp lực tác động lên thành tim), trong cấp cứu hồi sức thì khá nhiều nguyên nhân có sinh lý bệnh dẫn đến tăng áp lực tác động lên thành tim trái/phải, do bản thân bệnh lý hoặc do điều trị. Ví dụ:
+ Bệnh nhân COPD với tâm phế mạn, hở trung bình - nặng van ba lá, tăng áp động mạch phổi thì rất khó chẩn đoán và xử trí suy tim cấp bằng kết quả NT-ProBNP đơn độc.
+ Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn được bolus vài lít dịch trước khi xét nghiệm NT-ProBNP thì rõ ràng, NT-ProBNP tăng cũng không định hướng nguy nhân và xử trí.
-Với cá nhân mình, trước một bệnh nhân khó thở cấp:
1.Tiền sử và bệnh sử
2.Khám dấu hiệu suy tim trái - phải
3.Siêu âm POCUS + Xquang ngực
4.NT-ProBNP chỉ ĐÓNG GÓP MỘT CHÚT vào quyết định chẩn đoán.
5.Hướng xử trí suy tim cấp/mất bù cấp hoàn toàn không dựa vào NT-proBNP, mà phụ thuộc vào yếu tố 1, 2, và 3.