So sánh cefepime-taniborbactam và meropenem trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niêu phức tạp

 Mở đầu

Có khoảng 600.000 người phải nhập viện hàng năm ở Hoa Kỳ do viêm bể thận cấp do nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp [1]. Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi và tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh beta-lactam tăng khiến việc kiểm soát nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp gặp nhiều cản trở [2].

Cefepime là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 4, phổ rộng, được sử dụng để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Đề kháng với cefepime ngày càng tăng do vi khuẩn sinh beta-lactamase phổ rộng (extended-spectrum β-lactamase – ESBL) và vi khuẩn sinh enzyme carbapenemase [3, 4]. Taniborbactam là chất ức chế beta-lactamase chọn lọc. Phối hợp cefepime – taniborbactam có hiệu lực in vitro chống lại nhiều vi khuẩn Enterobacterales đề kháng carbapenem, Pseudomonas aeruginosa đa kháng thuốc, Enterobacterales và P. aeruginosa đề kháng cả ceftolozane – tazobactam và cefrazidime – avibactam [5, 6].



Cefepime – taniborbactam đang trong giai đoạn phát triển cho chỉ định điều trị nhiễm khuẩn gram âm mức độ nghiêm trọng, bao gồm cả nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp. Wagenlehner và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng pha 3 đánh giá tính an toàn và hiệu lực của cefepime so với meropenem trong điều trị nhiễm khuẩn gram âm sinh ESBL ở bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp [2]. Bài viết nhằm mục đích tóm tắt nghiên cứu này đến bạn đọc.



Tóm tắt nghiên cứu

Tóm tắt nghiên cứu

Đây là thử nghiệm mù đôi, giả đôi (double-dummy), ngẫu nhiên, đối chứng thuốc có hiệu quả tại hơn 15 quốc gia. Mục tiêu chính của nghiên cứu là để đánh giá hiệu lực của cefepime – taniborbactam so với meropenem trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp, bao gồm viêm bể thận cấp.

Bệnh nhân tham gia thử nghiệm phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chọn:

  • ≥ 18 tuổi
  • Được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp hoặc viêm bể thận cấp
  • Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu có đái mủ, có tối thiểu 1 triệu chứng tại chỗ và có tối thiểu 1 yếu tố gây phức tạp nhiễm khuẩn đường tiết niệu (bất thường chức năng hoặc cấu trúc đường tiết niệu)
  • Bệnh nhân được chẩn đoán viêm bể thận cấp có đái mủ, có tối thiểu 1 triệu chứng và bị đau sườn hoặc đau ở góc sườn – cột sống.

cộng có 436 bệnh nhân được bao gồm trong nghiên cứu. Những bệnh nhân này đươc phân ngẫu nhiên theo tỷ lệ 2:1, để điều trị trong vòng 7 – 14 ngày:

  1. 293 bệnh nhân được điều trị với cefepime – taniborbactam đường tiêm tĩnh mạch liều cefepime 2 – 2.5 g và taniborbactam 0.5 g mỗi 8 giờ hoặc
  2. 143 bệnh nhân được điều trị với meropenem đường tiêm tĩnh mạch liều 1 g mỗi 8 giờ

Tiêu chí đánh giá của nghiên cứu bao gồm điều trị thành công cả 2 tiêu chí lâm sàng và vi sinh vào ngày 19 – 23.

Trong số các bệnh nhân được bao gồm trong nghiên cứu, có 57,8% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp và 42,2% bệnh nhân bị viêm bể thận cấp. Đối với sinh vật gây bệnh, Escherichia coli chiếm 69,0%, Klebsiella pneumoniae chiếm 13,8%, Proteus mirabilis chiếm 4,6%, Enterobacter cloacae chiếm 3,9% và P. aeruginosa chiếm 4.1% [2]. Đối với khía cạnh đề kháng kháng sinh, 22,0% vi sinh vật đề kháng cefepime, 26,6% sản sinh ESBL và 35,6% đa kháng thuốc [2].

Tiêu chí hiệu lực

Kết quả cho thấy số bệnh nhân được điều trị thành công cả 2 tiêu chí lâm sàng và vi sinh vào ngày 19 – 23 ở 2 nhóm cefepime – taniborbactam và meropenem lần lượt là 70,6% và 58,0%. Phân tích hơn kém cho thấy cefepime – taniborbactam vượt trội hơn meropenem trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp, với khác biệt điều trị là 12,6 (CI 95% 3,1 – 22,2, p = 0,009). Sự khác biệt về hiệu quả điều trị này tiếp tục được duy trì cho đến hết thời gian theo dõi (ngày 28 – 35). Đối với nhóm bệnh nhân được điều trị kéo dài (> 7 ngày), hiệu lực của cefepime – taniborbactam cũng cao hơn có ý nghĩa so với meropenem. Đối với tiêu chí vi sinh, thu được kết quả cấy máu âm tính với vi sinh vật gây bệnh ở 81,6% bệnh nhân nhóm cefepime – taniborbactam và 68,5% bệnh nhân nhóm meropenem [2].

Tiêu chí an toàn

Đối với tiêu chí an toàn, tác động bất lợi xảy ra ở 35,5% bệnh nhân nhóm cefepime – taniborbactam và 29,0% bệnh nhân nhóm meropenem. Đa số các tác động bất lợi ở cả 2 nhóm điều trị đều ở mức độ nhẹ - trung bình và không dẫn đến ngừng điều trị [2]. Ngưng điều trị sớm xảy ra ở 3,0% bệnh nhân nhóm cefepime – taniborbactam và 0,9% bệnh nhân nhóm meropenem [2].

Tác động bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở nhóm cefepime – taniborbactam là đau đầu, ảnh hưởng trên đường tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, táo bón và buồn nôn, tăng huyết áp. Nhiễm Clostridium difficile chỉ xảy ra ở 3/293 bệnh nhân nhóm cefepime – taniborbactam [2].

Các biến cố bất lợi nghiêm trọng xảy ra với tỷ lệ tương tự ở cả 2 nhóm điều trị (2,0% ở nhóm cefepime – taniborbactam và 2,0% ở nhóm meropenem). Tác động bất lợi nghiêm trọng được báo cáo nhiều nhất là nhiễm virus corona và viêm bể thận [2].

Kết luận

Cefepime – taniborbactam vượt trội hơn meropenem về hiệu lực điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng (bao gồm cả bệnh nhân bị viêm thận cấp). Cefepime – taniborbactam cũng an toàn ở bệnh nhân tương tự meropenem [2].


Tài liệu tham khảo

  1. Zilberberg MD, Nathanson BH, Sul- ham K, Shorr AF. Descriptive epidemiol- ogy and outcomes of hospitalizations with complicated urinary tract infections in the United States, 2018. Open Forum Infect Dis 2022;9(1):ofab591.
  2. Wagenlehner FM, Gasink LB, McGovern PC, Moeck G, McLeroth P, Dorr M, Dane A, Henkel T; CERTAIN-1 Study Team. Cefepime-Taniborbactam in Complicated Urinary Tract Infection. N Engl J Med. 2024 Feb 15;390(7):611-622. doi: 10.1056/NEJMoa2304748.
  3. https://drive.google.Isler B, Harris P, Stewart AG, Paterson DL. An update on cefepime and its future role in combination with novel β-lactamase inhibitors for MDR Entero- bacterales and Pseudomonas aeruginosa. J Antimicrob Chemother 2021;76:550-60.
  4. European Centre for Disease Preven- tion and Control. Antimicrobial resistance surveillance in Europe 2022 — 2020 data. Copenhagen: WHO Regional Office for Europe, 2022.com/file/d/1JfgtQ9l4145S8vpnps9SHpZw_5FTJaRs/view?fbclid=IwAR3GgYAiUk96SUZzqr2nZGMHThfTuAUNwmx075gBgOFtgL_mhCWVljyUvxI
  5. Golden AR, Baxter MR, Karlowsky JA, et al. Activity of cefepime/taniborbactam and comparators against whole genome sequenced ertapenem-non-susceptible En- terobacterales clinical isolates: CANWARD2007-19. JAC Antimicrob Resist 2022;4(1): dlab197.
  6. Hernández-García M, García-Castillo M, Ruiz-Garbajosa P, et al. In vitro activity of cefepime–taniborbactam against car- bapenemase-producing and Pseudomonas aeruginosa isolates recovered in Spain. Anti- microb Agents Chemother 2022;66(3): e0216121.

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét