Mở đầu
Vào ngày 06 – 08 tháng Tư tại Atlanta, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị Thường niên lần thứ 73 của của Viện Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology – ACC), thu hút sự chú ý của nhiều nhân viên y tế và giới nghiên cứu. Hội nghị ACC 2024 mang đến những cập nhật mới có tính thay đổi trong thực hành.
Trong khuôn khổ hội nghị, kết quả thử nghiệm EMPACT-MI đã được báo cáo và đồng thời công bố trên các tạp chí New England Journal of Medicine và Circulation (cho kết quả phân tích thứ cấp). Bài viết nhằm tóm tắt kết quả của thử nghiệm EMPACT-MI [1, 2].
Mở đầu
Vào ngày 06 – 08 tháng Tư tại Atlanta, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị Thường niên lần thứ 73 của của Viện Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology – ACC), thu hút sự chú ý của nhiều nhân viên y tế và giới nghiên cứu. Hội nghị ACC 2024 mang đến những cập nhật mới có tính thay đổi trong thực hành.
Trong khuôn khổ hội nghị, kết quả thử nghiệm EMPACT-MI đã được báo cáo và đồng thời công bố trên các tạp chí New England Journal of Medicine và Circulation (cho kết quả phân tích thứ cấp). Bài viết nhằm tóm tắt kết quả của thử nghiệm EMPACT-MI [1, 2].
Thử nghiệm EMPACT-MI
Chất ức chế kênh đồng vận chuyển glucose – natri 2 (sodium–glucose cotransporter 2 inhibitor – SGLT2i) hỗ trợ cải thiện kết cục tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, bệnh nhân mắc bệnh thận mạn và bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm hoặc bảo tồn có nguy cơ cao [3]. Kết quả thử nghiệm EMMY đã cho thấy nồng độ natriuretic peptide giảm và phân suất tống máu thất trái tăng ở nhóm bệnh nhân được điều trị với empagloflozin sau biến cố nhồi máu cơ tim cấp [4]. Tuy nhiên, thử nghiệm EMMY lại không đánh giá các tiêu chí lâm sàng [4]. Thử nghiệm DAPA-MI đánh giá lợi ích của dapagliflozin trên tim mạch – chuyển hóa ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũng đã được tiến hành và xuất bản vào năm 2022, tuy nhiên hạn chế về số lượng biến cố lâm sàng khiến lợi ích của dapagliflozin không thể được đánh giá đầy đủ [5]. Do vậy, Butler và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm EMPACT-MI để tiến hành đánh giá lợi ích của empagliflozin trong việc làm giảm nguy cơ nhập viện do suy tim hoặc tử vong ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp [1, 2].
EMPACT-MI là thử nghiệm đa trung tâm (451 bệnh viện tại 22 quốc gia), mù đôi, ngẫu nhiên và có đối chứng giả dược. Nghiên cứu được tiến hành trên 6522 bệnh nhân ≥ 18 tuổi phải nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 14 ngày trước khi được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm (i) điều trị với empagliflozin liều 10 mg/ngày và (ii) điều trị với giả dược. Thời gian theo dõi trung vị của nghiên cứu là 17.9 tháng. Tiêu chí đánh giá chính của thử nghiệm là biến cố gộp nhập viện do suy tim hoặc tử vong do mọi nguyên nhân. Tiêu chí đánh giá phụ là biến cố nhập viện do suy tim.
Bệnh nhân tham gia thử nghiệm EMPACT-MI không có tiền sử suy tim nhưng có tối thiểu 1 nguy cơ suy tim kèm theo các dấu hiệu cho thấy rối loạn chức năng tim tiềm tàng chẳng hạn như phân suất tống máu thất trái giảm < 35% và/hoặc dấu hiệu của sung huyết cần được điều trị. Tuổi trung bình của 6522 bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 64 tuổi, nữ giới chiếm 25% và có khoảng 84% bệnh nhân là người da trắng. Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 32%.
Tiêu chí đánh giá chính – biến cố gộp nhập viện do suy tim và tử vong do mọi nguyên nhân
Kết quả ghi nhận có 8.2% bệnh nhân nhập viện do suy tim hoặc tử vong do mọi nguyên nhân ở nhóm được điều trị với empagliflozin. Tỷ lệ này ở nhóm được điều trị với giả dược là 9.1%. Sự khác biệt giữa 2 nhóm empagliflozin và giả dược là không có ý nghĩa. Khi xét từng biến cố riêng biệt trong biến cố gộp, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở nhóm empagliflozin và giả dược lần lượt là 5.2% và 5.5% (hazard ratio, 0.96; 95% CI, 0.78 – 1.19) [1].
Như vậy, EMPACT-MI cho thấy empagliflozin không làm giảm có ý nghĩa nguy cơ của biến cố gộp nhập viện do suy tim và tử vong do mọi nguyên nhân so với giả dược ở bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, phân tích thứ cấp cho thấy empagliflozin có thể có lợi ích làm giảm nguy cơ cập viện do suy tim.
Tiêu chí đánh giá phụ - biến cố nhập viện do suy tim
Tỷ lệ nhập viện do suy tim lần đầu tiên và nhập viện do suy tim tổng cộng để giảm có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân được điều trị với empagliflozin so với giả dược. Cụ thể, tỷ lệ nhập viện do suy tim lần đầu tiên ở ở nhóm empagliflozin và giả dược lần lượt là 3.6% và 4.7% (hazard ratio, 0.77; 95% CI, 0.60 – 0.98, p = 0.031). Tỷ lệ nhập viện do suy tim lần đầu tiên ở nhóm empagliflozin và giả dược lần lượt là 4.5% và 6.3% (relative risk = 0.67, 95% CI 0.51 – 0.89, p = 0.006). Hơn nữ, tỷ lệ bệnh nhân cần được kê đơn mới với lợi tiểu, thuốc ức chế hệ renin-angiotensin và chất đối vận thụ thể mineralocorticoid cũng thấp hơn ở bệnh nhân được điều trị với empagliflozin so với giả dược (p < 0.05) [2].
Như vậy, empagliflozin làm giảm nguy cơ suy tim ở bệnh nhân có biến cố nhồi máu cơ tim.
Bàn luận
Mặc dù empagliflozin đã thất bại khi đối với tiêu chí đánh giá chính, nhưng tiêu chí đánh giá phụ đã cho thấy lợi ích của empagliflozin trong việc làm giảm nguy cơ của biến cố nhập viện do suy tim. Bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim được điều trị với empagliflozin có nguy cơ nhập viện do suy tim lần đầu giảm 23% và nguy cơ nhập viện do suy tim tổng cộng giảm 33%.
Kết quả nghiên cứu EMPACT-MI thống nhất với các kết quả nghiên cứu khác của các thuốc nhóm SGLT2i ở bệnh nhân đái tháo đường và mắc bệnh thận mạn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng tiêu chí đánh giá tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, tức bao gồm cả những bệnh nhân tử vong không liên quan đến suy tim là một trong những hạn chế của nghiên cứu. Thử nghiệm EMPACT-MI cũng có thời gian theo dõi không đủ lâu để quan sát được tác động giảm nguy cơ suy tim của empagliflozin đến tỷ lệ tử vong.
Tài liệu tham khảo
- Butler J, Jones WS, Udell JA et al. Empagliflozin after Acute Myocardial Infarction. N Engl J Med. 2024 Apr 6. doi: 10.1056/NEJMoa2314051.
- Hernandez AF, Udell JA, Jones WS, et al. Effect of Empagliflozin on Heart Failure Outcomes After Acute Myocardial Infarction: Insights from the EMPACT-MI Trial. Circulation. 2024 Apr 6. doi: 10.1161/CIRCULATIONAHA.124.069217.
- Usman MS, Siddiqi TJ, Anker SD, et al. Effect of SGLT2 inhibitors on cardiovascular outcomes across various patient populations. J Am Coll Cardiol 2023;81:2377-2387.
- von Lewinski D, Kolesnik E, Tripolt NJ, et al. Empagliflozin in acute myocardial infarction: the EMMY trial. Eur Heart J 2022;43:4421-4432.
- James S, Erlinge D, Storey RF, et al. Dapagliflozin in myocardial infarction without diabetes or heart failure. NEJM Evid 2024;3(2).