Kháng Sinh Trong Điều Trị Viêm Họng

 MỞ ĐẦU

Có hơn khoảng 600 triệu trường hợp viêm hầu - họng được chẩn đoán hàng năm [1]. Đau họng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải đến phòng khám [2]. Triệu chứng thường gặp của viêm hầu - họng bao gồm đau họng, đỏ và sưng amidan, xuất hiện mảng trắng/vàng ở khu vực amidan và sốt [2]. Viêm hầu - họng có thể được phân loại thành cấp hoặc mạn tính tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân [1]. Các triệu chứng tiến triển sau thời gian ủ bệnh ngắn từ 24 đến 72 giờ [1]. Sự lây nhiễm bệnh viêm họng do virus và vi khuẩn tan huyết Streptococci nhóm A (GABHS) xảy ra chủ yếu qua đường tiếp xúc bằng tay với dịch tiết ở mũi [2].



CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN VIÊM HỌNG

Viêm họng do GABHS chỉ chiếm khoảng 15 - 30% trường hợp ở trẻ em và 5 - 15% trường hợp ở người lớn [2]. Triệu chứng thường gặp của viêm hầu - họng bao gồm đau họng, đỏ và sưng amidan, xuất hiện mảng trắng/vàng ở khu vực amidan và sốt [2].  Khởi phát đột ngột, sốt cao, sưng amidan là những đặc điểm đặc trưng ở bệnh nhân viêm họng liên cầu khuẩn (xem bảng 1) [2]. Ngoài những đặc điểm lâm sàng, bệnh sử thì còn phải cân nhắc đến các yếu tố môi trường và dịch tễ khi đưa ra chẩn đoán phân biệt các trường hợp viêm họng [3].

Bảng 1: Đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của viêm hầu - họng do GABHS và viêm hầu - họng do virus


QUẢN LÝ ĐAU HỌNG

Kiểm soát viêm họng bao gồm (i) kiểm soát triệu chứng, (ii) trị liệu bằng kháng sinh đối với trường hợp nhiễm GABHS và (iii) phẫu thuật, bao gồm cả phẫu thuật amidan nếu được chỉ định [4]. Điều trị triệu chứng bao gồm tổng hợp nhiều quy trình kiểm soát đau họng, bao gồm kiểm soát thông thường, giảm đau đơn giản, điều trị bằng thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID), viên ngậm/súc họng và các biện pháp khác [4]. Paracetamol là biện pháp hiệu quả và an toàn để điều trị đau họng [4]. NSAID cũng là biện pháp hiệu quả để điều trị đau họng, tuy nhiên NSAID có liên quan đến các biến cố xuất huyết trên dạ dày [4]. Do đó, việc sử dụng NSAID thường quy để điều trị đau họng không được khuyến cáo [4]. Viên ngậm và súc họng là các biện pháp thường được bệnh nhân áp dụng ngay cả trước khi đi đến phòng khám [4]. Đây cũng là các biện pháp hữu hiệu, đặc biệt là ở bệnh nhân đau họng mức độ nặng. Benzydamine là dẫn xuất indazole, là thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) có tác động gây tê tại chỗ và giảm đau [5]. Benzydamine là thuốc không cần kê đơn được lưu hành ở Châu Âu. Mặc dù có nhiều đặc tính tương tự NSAID, tuy nhiên vẫn chưa có những báo cáo về tác động bất lợi trên đường tiêu hóa liên quan đến benzydamine. Viên ngậm phối hợp benzydamine hydrochloride và cetylpyridinium còn bổ sung thêm tác động kháng khuẩn, nhờ vào hoạt tính của cetylpyridinium [6]. Cetylpyridinium biểu hiện độc tính đối với tế bào vi khuẩn trong các thử nghiệm in vitro. Cetylpyridinium có thể kích hoạt intracellular latent ribonucleases, dẫn đến quá trình tiêu hủy của tế bào vi khuẩn [6].

SỬ DỤNG KHÁNG SINH Ở BỆNH NHÂN VIÊM HỌNG

Tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức cao báo động. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 bệnh nhân được kê đơn kháng sinh không đúng chỉ định [7]. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp là bệnh lý thường gặp nhất ở các trung tâm chăm sóc ban đầu ở Việt Nam [8]. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh của nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp đa số là virus, nhưng việc kê đơn kháng sinh để điều trị bệnh lý này vẫn rất phổ biến ở cả trẻ em và người lớn ở Việt Nam [8]. Cụ thể có tới 97% bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp được kê đơn tối thiểu 1 kháng sinh [8]. Trong đó, có 97.2% bệnh nhân với triệu chứng đau họng được kê đơn kháng sinh [8].

Penicillin là được lựa chọn điều trị đầu tay cho bệnh nhân viêm họng do GABHS ở nhiều quốc gia. Đối với bệnh nhân nhạy cảm với amoxicillin hoặc đề kháng với amoxicillin cần được điều trị bằng kháng sinh, nên lựa chọn cephalexin, clindamycin hay clarithromycin với thời gian điều trị là 10 ngày [9]. Bệnh nhân nhiễm khuẩn khó trị với lựa chọn đầu tay nên được điều trị bằng amoxicillin-acid clavulanic hoặc clindamycin trong vòng 72 giờ [10]. Trên lâm sàng, thang điểm Centor hiệu chỉnh và FeverPAIN được sử dụng để đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân đau họng như hình bên dưới [10].


BÀN LUẬN

Viêm họng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến người bệnh phải đến gặp bác sĩ. Phần lớn viêm họng cấp là do virus nên không cần điều trị bằng kháng sinh. Benzydamine có thể được lựa chọn điều trị triệu chứng với tác dụng giảm đau, kháng viêm và gây tê (tại chỗ), cũng như không có những tác hại lên đường tiêu hóa như các NSAID khác. Việc kê đơn thuốc kháng sinh quá mức có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Điều trị bằng kháng sinh chỉ nên được xem xét cho viêm họng do vi khuẩn. Penicillin vẫn là lựa chọn đầu tay khi điều trị bằng kháng sinh cho bệnh nhân viêm họng do GABHS.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Muthanna, A. et al. Clinical screening tools to diagnose group A streptococcal pharyngotonsillitis in primary care clinics to improve prescribing habits. Malays J Med Sci. 2018; 25 (6): 6 - 21.
  2. Vincent, MT. et al. Pharyngitis. Am Fam Physician. 2004; 69 (6): 1465 - 1470.
  3. Coutinho G, Duerden M, Sessa A, Caretta-Barradas S, Altiner A. Worldwide comparison of treatment guidelines for sore throat. Int J Clin Pract. 2021 May;75(5):e13879. doi:10.1111/ijcp.13879. Epub 2021 Jan 7. PMCID: PMC7883223.
  4. MOH Malaysia CPG Guideline: Management of Sore Throat. Published April 2003.
  5. Quane PA, Graham GG, Ziegler JB. Pharmacology of benzydamine. Inflammopharmacology. 1998;6(2):95-107. doi: 10.1007/s10787-998-0026-0.
  6. Mao X, Auer DL, Buchalla W, et al. Cetylpyridinium Chloride: Mechanism of Action, Antimicrobial Efficacy in Biofilms, and Potential Risks of Resistance. Antimicrob Agents Chemother. 2020; 64: e00576- 20.
  7. T. A. Thu, M. Rahman, S. Coffin, M. Harun-Or-Rashid, J. Sakamoto, and N. V. Hung, “Antibiotic use in vietnamese hospitals: a multicenter point-prevalence study,” American Journal of Infection Control. 2012;40(9):840-844.
  8. Didem Torumkuney, Subhashri Kundu, Giap Van et al. Country data on AMR in Vietnam in the context of community-acquired respiratory tract infections: links between antibiotic susceptibility, local and international antibiotic prescribing guidelines, access to medicines and clinical outcome, Journal of Antimicrobial Chemotherapy. 2022;77(S1):i26-i34.
  9. Ab Rahman N, Teng CL, Sivasampu S. Antibiotic prescribing in public and private practice: a cross sectional study in primary care clinics in Malaysia. BMC Infect Dis. 2016 May 17;16:208. doi: 10.1186/s12879-016-1530-2. PMID: 27188538; PMCID: PMC4869350.
  10. Sykes EA, Wu V, Beyea MM, Simpson MTW, Beyea JA. Pharyngitis: Approach to diagnosis and treatment. Can Fam Physician. 2020 Apr;66(4):251-257. PMID: 32273409; PMCID: PMC7145142.

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét