Mở đầu
Muối có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, muối góp mặt trong nhiều chức năng sinh lý, bao gồm duy trì cân bằng dịch và hấp thu chất dinh dưỡng1. Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều natri và tăng huyết áp đã được làm rõ qua nhiều nghiên cứu2. Nhưng mặt khác, tăng huyết áp lại có liên quan đến việc làm gia tăng nguy cơ của bệnh thận mạn 3, 4. Tăng huyết áp và bệnh thận mạn cũng có nhiều yếu tố nguy cơ chung, đặc biệt là lượng muối tiêu thụ5, 6.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ của bệnh thận mạn, đa số nghiên cứu này chỉ bao gồm các bệnh nhân vốn dĩ đã được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác7, 8. Chỉ có một số ít nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ của bệnh thận mạn ở nhóm dân số chung9.
Một nhóm nghiên cứu cho rằng việc thường xuyên bổ sung muối vào thức ăn có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tử vong sớm và đái tháo đường type 2. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng cho thấy việc bổ sung muối thường xuyên vào thức ăn cũng có liên quan đến nồng độ thanh thải natri trong nước tiểu 24 giờ 10 – 12.
Một nghiên cứu mới vừa được đăng trên tạp chí JAMA Network Open tháng 1 vừa qua đã đưa ra câu trả lời rõ ràng về tần suất bổ sung muối vào bữa ăn với nguy cơ của bệnh thận mạn ở người trưởng thành nói chung [9]. Bài viết nhằm mục đích tóm tắt nghiên cứu này.
Muối ăn và muối biển
Sự khác biệt chính giữa muối biển và muối ăn nằm ở vị, cấu trúc và quy trình chế biến. Muối ăn thường được kết hạt màu trắng. Muối ăn được chế biến với quy trình phân tách các loại khoáng khác và được bổ sung iod – một thành phần quan trọng cho sức khỏe tuyến giáp9.
Muối biển là thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến loại muối được sản xuất qua quá trình làm bốc hơi nước biển hoặc bốc hơi nước của hồ nước mặn. Quy trình sản xuất muối biển thường ít phức tạp hơn quy trình sản xuất muối ăn, muối biển thành phẩm thường vẫn có một lượng nhỏ khoáng trong thành phần.
Muối biển thường được biết đến rộng rãi là tốt cho sức khỏe hơn muối ăn. Nhưng muối biển và muối ăn lại có giá trị dinh dưỡng cơ bản tương tự. Khối lượng natri trong muối biển và muối ăn thường tương tự nhau. Hướng dẫn Chế độ ăn của Hoa Kỳ khuyến cáo tiêu thụ lượng muối < 2.300 mg/ngày9.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu UKB, một cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để cải thiện phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý. Cơ sở dữ liệu chứa dữ liệu của hơn 500,000 người tham gia trong độ tuổi 37 – 73 trong khoảng thời gian 2006 – 2010.
Thông tin về lượng muối tiêu thụ và chế độ ăn được thu thập qua bảng câu hỏi trên màn hình điện tử. Đánh giá tần suất bổ sung muối vào bữa ăn của người tham gia nghiên cứu dựa trên câu trả lời câu hỏi “Bạn có bổ sung muối vào thức ăn không (không bao gồm muối nêm món ăn khi nấu)?”. Đáp án được chia thành 5 mức độ: (i) không bao giờ/hiếm khi; (ii) thi thoảng; (iii) thường xuyên; (iv) luôn luôn và (vi) không muốn trả lời. Những người tham gia lựa chọn đáp án (vi) không muốn trả lời được xem là dữ liệu bị thiếu và người tham gia đó bị loại trừ khỏi nghiên cứu. Để đánh giá chế độ ăn, người tham gia nghiên cứu trả lời câu hỏi “Bạn có thay đổi gì về chế độ ăn trong suốt 5 năm qua?” bằng 1 trong 4 lựa chọn (i) không; (ii) có, vì tình trạng sức khỏe; (iii) có, vì lý do khác và (iv) không muốn trả lời. Người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn dựa trên mã chẩn đoán ICD – 109.
Sau khi xét tiêu chí chọn và tiêu chí loại trừ, nghiên cứu chỉ sử dụng dữ liệu của 465,288 người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Nhóm người tham gia nghiên cứu có tần suất bổ sung muối vào bữa ăn thường xuyên hơn có xu hướng có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn, có điểm số Townsend Deprivation Index cao hơn và độ lọc cầu thận (eGFR) giảm nhiều hơn so với nhóm người ít khi bổ sung muối vào bữa ăn.
- Những người thường xuyên bổ sung muối vào bữa ăn cũng có tỷ lệ hút thuốc, mắc đái tháo đường hoặc bệnh tim mạch cũng thường cao hơn.
- Những người thường xuyên bổ sung muối vào bữa ăn cũng có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa. Cụ thể, so sánh với nhóm người “không bao giờ/hiếm khi” thêm muối vào bữa ăn, những người “thi thoảng” thêm muối vào bữa ăn có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa (HR 1.04, 1.00 - 1.07), những người “thường xuyên” bổ sung muối vào bữa ăn có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa (HR 1.07, 1.02 – 1.11), những người “luôn luôn” bổ sung muối vào bữa ăn có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa (HR 1.11, 1.05 – 1.18)9.
Bàn luận
Như vậy, nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng khẳng định tần suất bổ sung muối vào thức ăn có liên quan đến nguy cơ tim mạch tăng ở nhóm dân số bình thường (không mắc tăng huyết áp hay đái tháo đường). Kết quả nghiên cứu này gợi ý rằng việc hạn chế bổ sung muối vào thức ăn có thể là chiến lược phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thận mạn hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Cook NR, He FJ, MacGregor GA, Graudal N. Sodium and health-concordance and controversy. BMJ. 2020; 369:m2440. Published correction appears in BMJ. 2020;369:m2608. doi:10.1136/bmj.m2440
- Aburto NJ, Ziolkovska A, Hooper L, Elliott P, Cappuccio FP, Meerpohl JJ. Effect of lower sodium intake on health: systematic review and meta-analyses. BMJ. 2013;346:f1326. doi:10.1136/bmj.f1326
- Ravera M, Re M, Deferrari L, Vettoretti S, Deferrari G. Importance of blood pressure control in chronic kidney disease.J Am Soc Nephrol. 2006;17(4)(suppl 2):S98-S103. doi:10.1681/ASN.2005121319
- Rao MV, Qiu Y, Wang C, Bakris G. Hypertension and CKD: kidney early evaluation program (KEEP) and national health and nutrition examination survey (NHANES), 1999-2004. Am J Kidney Dis. 2008;51(4)(suppl 2):S30-S37. doi:10.1053/j.ajkd.2007.12.012
- Townsend RR, Taler SJ. Management of hypertension in chronic kidney disease. Nat Rev Nephrol. 2015;11(9): 555-563. doi:10.1038/nrneph.2015.114
- Grillo A, Salvi L, Coruzzi P, Salvi P, Parati G. Sodium intake and hypertension. Nutrients. 2019;11(9):1970. doi:10. 3390/nu11091970
- Aaron KJ, Campbell RC, Judd SE, Sanders PW, Muntner P. Association of dietary sodium and potassium intakes with albuminuria in normal-weight, overweight, and obese participants in the Reasons for Geographic and Racial Differences in Stroke (REGARDS) Study. Am J Clin Nutr. 2011;94(4):1071-1078. doi:10.3945/ajcn.111.013094
- Thomas MC, Moran J, Forsblom C, et al; FinnDiane Study Group. The association between dietary sodium intake, ESRD, and all-cause mortality in patients with type 1 diabetes. Diabetes Care. 2011;34(4):861-866. doi:10. 2337/dc10-1722
- Tang R, Kou M, Wang X, Ma H, Li X, Heianza Y, Qi L. Self-Reported Frequency of Adding Salt to Food and Risk of Incident Chronic Kidney Disease. JAMA Netw Open. 2023 Dec 1;6(12):e2349930. doi: 10.1001/jamanetworkopen.2023.49930.
- Ma H, Wang X, Li X, Heianza Y, Qi L. Adding salt to foods and risk of cardiovascular disease.J Am Coll Cardiol. 2022;80(23):2157-2167. doi:10.1016/j.jacc.2022.09.039
- Ma H, Xue Q, Wang X, et al. Adding salt to foods and hazard of premature mortality. Eur Heart J. 2022;43(30): 2878-2888. doi:10.1093/eurheartj/ehac208
- Wang X, Ma H, Kou M, et al. Dietary sodium intake and risk of incident type 2 diabetes. Mayo Clin Proc. 2023; 98(11):1641-1652. doi:10.1016/j.mayocp.2023.02.029