ĐIỂM CHÍNH
- STOP – BANG là thang điểm dùng để tầm soát OSA, tuy nhiên 2 thông số trong STOP – BANG là BMI và chu vi vòng cổ bị ảnh hưởng bởi đặc tính vùng miền, do đó thang điểm STOP – BANG có thể có hiệu quả khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau.
- Có thể loại trừ OSA nặng ở bệnh nhân có điểm số STOP – BANG ≤ 2.
- Bệnh nhân có điểm số STOP – BANG ≥ 6 có thể được chẩn đoán mắc OSA mức độ nặng.
- STOP – BANG là công cụ tầm soát OSA hữu dụng trong việc phân tầng bệnh nhân nghi ngờ mắc OSA ở các vùng địa lý khác nhau.
MỞ ĐẦU
Xét nghiệm tiêu chuẩn trong chẩn đoán ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là đo đa ký giấc ngủ (PSG), tuy nhiên phương pháp này bất tiện và tiêu tốn nhiều chi phí. Thử nghiệm ngưng thở khi ngủ tại nhà (HSAT) là một lựa chọn thay thế, tuy nhiên thử nghiệm này cũng không sẵn có và còn bị hạn chế nhiều nguồn lực. Do đó, cần có một công cụ hiệu quả để phân tầng bệnh nhân.
STOP – BANG là thang điểm dùng để tầm soát OSA, bao gồm 4 câu hỏi tự đánh giá (ngáy, mệt mỏi, quan sát thấy ngừng thở khi ngủ và tình trạng tăng huyết áp) và 4 yếu tố nhân khẩu học (BMI, tuổi, chu vi vòng cổ và giới tính). Tuy nhiên 2 thông số của STOP – BANG là BMI và chu vi vòng cổ bị ảnh hưởng bởi đặc tính vùng miền, do đó thang điểm STOP – BANG có thể có hiệu quả khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau. Vì vậy, một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp đã được tiến hành để xác định tính hữu dụng của STOP – BANG trong tầm soát OSA ở những vùng địa lý khác nhau trên toàn cầu.
Bài viết tóm tắt nghiên cứu nói trên nhằm cung cấp cho độc giả bằng chứng khách quan trong việc áp dụng các công cụ tầm soát trong chẩn đoán OSA.
PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu đưa ra tiêu chí chọn và tiêu chí loại trừ và tiến hành lựa chọn các nghiên cứu để phân tích dựa trên các tiêu chí này.
Tiêu chí chọn:
- Thang điểm STOP – BANG được áp dụng để tầm soát OSA ở người trưởng thành (≥ 18 tuổi)
- Bệnh nhân được chuyển đến phòng khám giấc ngủ
- Chẩn đoán OSA được xác nhận bằng PSG hoặc HSAT
- AHI hoặc chỉ số rối loạn hô hấp (RDI) được dùng để chẩn đoán và phân độ mức nghiêm trọng của OSA
Tiêu chí loại trừ:
- Nghiên cứu tiến hành trên phụ nữ mang thi
- Áp dụng thang điểm STOP – BANG điều chỉnh
- Không phân tích dữ liệu từ điểm STOP – BANG ≥ 3
- Phương pháp nghiên cứu và phân tích dữ liệu không được mô tả đầy đủ
Ngưỡng giá trị thang điểm STOP – BANG và AHI được áp dụng để phân tích như sau
- STOP – BANG có giá trị ≥ 3
- OSA: AHI ≥ 5
- OSA trung bình – nặng: AHI ≥ 15
- OSA nặng: AHI ≥ 30
Một số đặc tính của thang điểm được tính toán với khoảng tin cậy 95% (CI) bao gồm tỷ lệ mắc, độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính (PPV), giá trị dự đoán âm tính (NPV) và tỷ suất chênh lệch chẩn đoán (DOR). Các đặc tính này được tính toán lại ở từng nhóm địa lý với từng mức độ nghiêm trọng của OSA. Để xác định mối liên hệ giữa điểm số STOP – BANG và xác suất mắc OSA trung bình – nặng và nặng, xác suất hậu nghiệm được tính toán và phối hợp từ các nghiên cứu được đánh giá theo điểm số STOP – BANG từ 3 – 8.
KẾT QUẢ
Sau khi áp dụng các tiêu chí chọn và tiêu chí loại trừ, tổng cộng có 47 nghiên cứu với 26547 nguời tham gia nghiên cứu được tiến hành phân tích (tuổi trung bình 50, BMI trung bình 32 và 65% là nam giới). Những nghiên cứu này được thực hiện ở nhiều nhóm vùng địa lý khác nhau: Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Đông Á, Nam Á hoặc Đông Nam Á.
Đặc tính phối hợp của thang điểm STOP – BANG có giá trị ≥ 3 được trình bày trong bảng 1.
Bảng 1. Đặc tính phối hợp của thang điểm STOP – BANG có giá trị ≥ 3
Đặc tính thang điểm STOP – BANG ở tất cả các nghiên cứu
Tỷ lệ mắc OSA, OSA trung bình – nặng và OSA nặng lần lượt là 80%, 58% và 39%. Điểm số STOP – BANG ≥ 3 có độ nhạy kết hợp rất tốt 91.4 (86.4 – 95.6). Tỷ lệ âm tính giả là 8%. Hơn nữa, thang điểm STOP – BANG cho thấy khả năng phân tầng tốt (biểu thị qua NPV) khi có thể loại trừ OSA mức độ trung bình – nặng và OSA mức độ nặng. Ở cả OSA, OSA trung bình – nặng và OSA nặng đều có độ đặc hiệu trung bình thấp.
Đặc tính thang điểm STOP – BANG cho OSA ở các nhóm vùng địa lý khác nhau
OSA nói chung
Tỷ lệ mắc kết hợp ở các vùng địa lý có giá trị như trong bảng 1. Độ nhạy của thang điểm cao ở tất cả các khu vực địa lý (> 90%) và giá trị độ đặc hiệu phối hợp trung bình thấp, ngoại trừ ở Nam Á hoặc Đông Nam Á. PPV cao đều nhau ở tất cả các nhóm khu vực địa lý.
OSA trung bình – nặng
Thang điểm STOP – BANG cho thấy độ nhạy phối hợp rất cao và độ đặc hiệu thấp ở tất cả các nhóm khu vực địa lý. STOP – BANG (≥ 3) có thể phân tầng tốt để loại trừ OSA trung bình – nặng. Độ chính xác cao của thang điểm STOP – BANG (≥ 3) ở khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông trong việc phát hiện OSA trung bình – nặng được thể hiện qua giá trị AUC, thấp hơn ở Đông Á và Nam Á hoặc Đông Nam Á.
OSA nặng
STOP – BANG có thể phân tầng tốt để loại trừ OSA nặng ở tất cả các nhóm khu vực địa lý.
Hiệu quả và xác suất dự đoán của STOP – BANG
Ở phân tích OSA nói chung, khi điểm số STOP – BANG tăng từ 3 – 8, độ đặc hiệu tăng từ 40.6% đến 99.7%, độ nhạy giảm từ 89.2% đến 3.6%. PPV và NPV cũng có xu hướng tương tự. Xu hướng này cũng tương tự ở phân tích OSA trung bình – nặng và OSA nặng.
Ở tất cả các nghuến cứu, khi giá trị STOP – BANG tăng từ 3 – 6, xác suất OSA trung bình – nặng tăng từ 65% đến 75%, tương tự với OSA nặng (xác suất tăng từ 45% đến 57%). Mối liên hệ giữa điểm số STOP – BANG và xác suất mắc OSA được thể hiện trong hình 1.
Hình 1. Mối liên hệ giữa điểm số STOP – BANG và xác suất mắc OSA
BÀN LUẬN
Kết quả nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này đã cho thấy thang điểm STOP – BANG là công cụ tầm soát OSA hữu dụng trong việc phân tầng bệnh nhân nghi ngờ mắc OSA ở các vùng địa lý khác nhau. Với độ nhạy cao, STOP – BANG có thể hỗ trợ xác định nguy cơ của OSA, OSA trung bình – nặng và OSA nặng. Giá trị NPV cao cho thấy STOP – BANG có thể loại trừ OSA nặng ở bệnh nhân có điểm số STOP – BANG ≤ 2. Giá trị AUC tăng có ý nghĩa ở từng ngưỡng AHI, cho thấy tính hữu dụng của thang điểm trên toàn cầu.
STOP – BANG có thể sàng lọc và hỗ trợ đưa ra chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp cho bệnh nhân theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Bệnh nhân có điểm STOP – BANG ≥ 6 có xác suất hậu kiểm được chẩn đoán mắc OSA mức độ nặng và nên được đánh giá ngay.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu này cho thấy thang điểm STOP – BANG có độ nhạy và NPV cao ở tất cả các ngưỡng AHI. Điều này cho thấy OSA là công cụ tầm soát hữu ích để phân tầng bệnh nhân ở nhiều vùng địa lý khác nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Pivetta B, Chen L, Nagappa M, et al. Use and Performance of the STOP-Bang Questionnaire for Obstructive Sleep Apnea Screening Across Geographic Regions: A Systematic Review and Meta-Analysis. JAMA Netw Open. 2021;4(3):e211009. doi:10.1001/jamanetworkopen.2021.1009