Vì sao tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim tăng cao trong các dịp lễ?

 Mở đầu

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh và không thể điều chỉnh liên quan đến bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể góp phần gây khởi phát cơn nhồi máu cơ tim. Một số yếu tố nguy cơ ngắn hạn bao gồm căng thẳng về mặt cảm xúc, hoạt động thể chất quá mức, thời tiết lạnh giá và ô nhiễm không khí1 – 3. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim đạt đỉnh trong những ngày lễ như Giáng sinh và Năm mới ở những quốc gia có truyền thống 4 – 6.

Bằng chứng hiện có

Phillips và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tìm hiểu tỷ lệ tử vong do tim mạch trong dịp lễ vào tháng 12 và tháng 01. Nghiên cứu đã được cống bố trên tạp chí Circulation vào năm 2004. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy để dự đoán số trường hợp tử vong do tim mạch trong kỳ nghỉ lễ. Số trường hợp tử vong dự đoán này được so sánh với số trường hợp tử vong ghi nhận được trên thực tế. Kỳ nghỉ lễ được xác định là 2 tuần lễ, từ ngày 25 tháng 12 đến ngày 07 tháng 01 năm tiếp theo. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong giai đoạn đầu năm 1973 – cuối năm 2001. Ngoài tử vong do tim mạch, nghiên cứu cũng đo lường các trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy số trường hợp tử vong do tim mạch và không do tim mạch ghi nhận được trên thực tế cao hơn lần lượt 4.65% và 4.99% so với dự đoán. Số trường tử vong trên đường đến bệnh viện, tại khoa cấp cứu hay ngoại trú do nguyên nhân tim mạch được ghi nhận cao nhất lần lượt vào ngày 25 tháng 12, 26 tháng 12 và 01 tháng 01. Kết quả nghiên cứu cho thấy Giáng sinh và Năm mới là thời điểm có tỷ lệ tử vong cao bất thường trong năm. Có nhiều lý giải cho tình trạng này, bao gồm cả khả năng bệnh nhân chậm trễ trong việc đến bệnh viện4.



Hình 1. Số trường hợp tử vong do tim mạch tăng cao nhất vào đêm Giáng sinh và Năm mới


Nghiên cứu của Mohammad và cộng sự được tiến hành vào năm 2018 cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu SWEDHEART của Thụy Điển, ghi nhận những trường hợp nhồi máu cơ tim từ năm 1998 – 2013. Kết quả cho thấy Giáng sinh và lễ hội Trung Hạ có liên quan đến tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng (p< 0.001). Tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim được ghi nhận cao nhất vào đêm Giáng sinh5.

Nghiên cứu của Knight và cộng sự trên dữ liệu của New Zealand trong giai đoạn 25 năm (1988 – 2013), so sánh tỷ lệ tử vong ước tính và tỷ lệ tử vong ghi nhận thực tế trong những kỳ nghỉ lễ. Kết quả cho thấy Giáng sinh có liên quan đến tỷ lệ tử vong do tim mạch tăng cao. Điều đáng ngạc nhiên là tuy mùa Đông đã được ghi nhận như một yếu tố khởi phát của cơn nhồi máu cơ tim do lưu lượng máu hạn chế do mạch máu co bóp khi nhiệt độ xuống thấp. Nghiên cứu ở New Zealand này cho thấy thậm chí khi Giáng sinh xảy ra vào mùa hè, thì tỷ lệ tử vong do tim mạch ghi nhận được trong Giáng sinh vẫn cao hơn bình thường6.

Các bằng chứng cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do tim mạch, tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng nhiều nhất ở những bệnh nhân không nằm viện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nhận diện triệu chứng để được chăm sóc y khoa sớm7.


Bàn luận

Hiện chưa có lời giải thích cụ thể cho tỷ lệ mắc biến cố tim mạch tăng cao vào các dịp lễ. Vào dịp lễ, chúng ta thường bận rộn, có cảm giác căng thẳng và hứng khởi. Trong dịp lễ, những thói quen hằng ngày cũng thường bị gián đoạn. Chúng ta cũng thường uống nhiều rượu hơn, ít thư giãn hơn, ngủ ít hơn bình thường. Bận rộng tận hưởng trong kỳ nghỉ lễ khiến những triệu chứng của cơ thể không được chú ý và lắng nghe kịp thời.



Tài liệu tham khảo

  1. Yusuf S, Hawken S, Ounpuu S, et al., INTERHEART Study Investigators. Effect of potentially modifiable risk factors associated with myocardial infarction in 52 countries (the INTERHEART study): case-control study. Lancet2004;364:937-52. doi:10.1016/S0140-6736(04)17018-9
  2. Culić V, Eterović D, Mirić D. Meta-analysis of possible external triggers of acute myocardial infarction. Int J Cardiol2005;99:1-8. doi:10.1016/j.ijcard.2004.01.008
  3. Kwong JC, Schwartz KL, Campitelli MA, et al. Acute myocardial infarction after laboratory confirmed influenza infection. N Engl J Med2018;378:345-53. doi:10.1056/NEJMoa1702090. pmid:29365305
  4. Phillips DP, Jarvinen JR, Abramson IS, Phillips RR. Cardiac mortality is higher around Christmas and New Year's than at any other time: the holidays as a risk factor for death. Circulation. 2004 Dec 21;110(25):3781-8. doi: 10.1161/01.CIR.0000151424.02045.F7.
  5. Mohammad M A, Karlsson S, Haddad J, Cederberg B, Jernberg T, Lindahl B et al. Christmas, national holidays, sport events, and time factors as triggers of acute myocardial infarction: SWEDEHEART observational study 1998-2013 BMJ 2018; 363 :k4811 doi:10.1136/bmj.k4811
  6. Knight J, Schilling C, Barnett A, Jackson R, Clarke P. Revisiting the "Christmas Holiday Effect" in the Southern Hemisphere. J Am Heart Assoc. 2016 Dec 22;5(12):e005098. doi: 10.1161/JAHA.116.005098.
  7. Winter holidays bring more heart attack deaths than any other time of year. The American Heart Association. Updated 30 Nov 2022. Accessed date 20 Dec 2023. URL: https://newsroom.heart.org/news/winter-holidays-bring-more-heart-attack-deaths-than-any-other-time-of-year

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét