Điểm chính
- Một số bằng chứng hiện có đã ủng hộ hiệu quả của kháng sinh trong điều trị bệnh nhân có đợt kịch phát COPD.
- Việc lựa chọn kháng sinh, đường dùng của kháng sinh phải phù hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, đồng thời kháng sinh được lựa chọn phải có chế độ liều phù hợp. Kháng sinh đường uống là lựa chọn được ưu tiên hơn kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.
- Nếu bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch, nên tái đánh giá bệnh nhân sau 48 giờ và cân nhắc xuống thang bằng kháng sinh đường uống nếu có thể.
Mở đầu
Tác nhân gây nhiễm khuẩn trong đợt kịch phát ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD) có thể là vi khuẩn hoặc virus. Việc kê đơn kháng sinh để điều trị đợt kịch phát COPD vẫn còn là một vấn đề mang đến nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, cho tới nay đã có một số bằng chứng ủng hộ việc lựa chọn kháng sinh để điều trị bệnh nhân COPD có dấu hiệu nhiễm khuẩn [1].
Bài viết xin giới thiệu một số bằng chứng hiện có về việc kê đơn kháng sinh trong điều trị đợt kịch phát COPD.
Một số bằng chứng cho việc kê đơn kháng sinh trong điều trị cơn kịch phát COPD
Báo cáo của Chiến lược Toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – GOLD) 2021
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống cho thấy kháng sinh làm giảm 77% tỷ lệ tử vong ngắn hạn đến, giảm 53% tỷ lệ điều trị thất bại và giảm 44% tỷ lệ xuất hiện đàm mủ ở bệnh nhân COPD [2]. Nghiên cứu này đã ủng hộ việc điều trị bệnh nhân trong đợt kịch phát COPD mức độ trung bình – nặng ho nhiều và có đờm mủ bằng kháng sinh [1, 2].
Báo cáo của Chiến lược Toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – GOLD) cho rằng bệnh nhân đang trong đợt kịch phát COPD có một trong các tiêu chí như sau nên được điều trị bằng kháng sinh trong 5 – 7 ngày [1]:
- Bệnh nhân có 3 dấu hiệu chính: tăng khó thở, tăng đàm và tăng đàm mủ
- Bệnh nhân có 2 trong 3 dấu hiệu trên (có tăng đàm mủ)
- Bệnh nhân cần được thở máy (xâm lấn hoặc không xâm lấn)
Việc lựa chọn kháng sinh điều trị dựa trên mô hình đề kháng kháng sinh ở địa phương. Kháng sinh kinh nghiệm thường là aminopenicillin/acid clavulanic, macrolide hoặc tetracycline. Nên làm kháng sinh đồ ở bệnh nhân thường xảy ra đợt cấp, bị hạn chế luồng khí nghiêm trọng và/hoặc phải thở máy khi có đợt kịch phát. Việc lựa chọn kháng sinh đường uống và kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và đặc tính dược động học của kháng sinh, tuy nhiên kháng sinh đường uống vẫn là lựa chọn được khuyến nghị hơn. Giảm khó thở và giảm lượng đàm mủ ở bệnh nhân gợi ý điều trị thành công.
Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (National Institute of Health and Care Excellence – NICE)
NICE cho rằng nên cân nhắc lựa chọn kháng sinh ở bệnh nhân có đợt kịch phát COPD chỉ khi bệnh nhân có một số biểu hiện như sau [3]:
- Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, đặc biệt là sự thay đổi màu sắc của đàm, tăng lượng đàm hay đàm trở nên đặc hơn bình thường
- Bệnh nhân có cần phải nhập viện điều trị hay không
- Đợt cấp trước đó và tiền sử nhập viện và nguy cơ xuất hiện các biến chứng ở bệnh nhân
- Kết quả cấy đàm và kháng sinh đồ trước đó
- Nguy có đề kháng kháng sinh khi điều trị bằng kháng sinh nhiều lần
Tái đánh giá bệnh nhân trong đợt kịch phát COPD nếu triệu chứng của bệnh nhân trở nặng nhanh chóng tại bất kỳ thời điểm, lưu ý:
- Những chẩn đoán có khả năng khác, chẳng hạn như viêm phổi
- Những triệu chứng và dấu hiệu gợi ý bệnh nhân mắc bệnh lý nghiêm trọng khác như suy tim phổi hoặc nhiễm khuẩn hệ thống
- Kháng sinh đã sử dụng trước đây có thể dẫn đến đề kháng kháng sinh
Nên cân nhắc lựa chọn kháng sinh đường uống như lựa chọn đầu tay nếu tình trạng của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của đợt kịch phát không cần thiết phải dùng kháng sinh đường tiêm. Bảng 1 đề cập đến một số kháng sinh để lựa chọn cho bệnh nhân có đợt COPD kịch phát [3].
Bảng 1. Lựa chọn kháng sinh cho bệnh nhân COPD kịch phát
Nếu bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch, nên tái đánh giá bệnh nhân sau 48 giờ và cân nhắc xuống thang bằng kháng sinh đường uống nếu có thể [3].
Kết luận
Vấn đề sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân có đợt kịch phát COPD vẫn là một vấn đề mang đến nhiều ý kiến trái chiều. Việc đưa ra quyết định điều trị trong thực hành là kết quả sau khi cân nhắc nhiều yếu tố như tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của đợt kịch phát, tiền sử bệnh, tiền sử dùng kháng sinh và mô hình đề kháng kháng sinh ở địa phương… Với tình trạng đề kháng kháng sinh đáng lo ngại như hiện nay, việc cập nhật kiến thức để sử dụng kháng sinh trong điều trị đúng cách là rất cần thiết. Hơn nữa, để sử dụng thuốc nói chung và sử dụng kháng sinh hiệu quả nói riêng cần có sự phối hợp liên ngành hiệu quả, nhịp nhàng trong bệnh viện.
Tài liệu tham khảo
- 2021 GOLD report. 2021 GLOBAL STRATEGY FOR PREVENTION, DIAGNOSIS AND MANAGEMENT OF COPD. Accessed date: 24 July 2021. URL: https://goldcopd.org/wp-content/uploads/2020/11/GOLD-REPORT-2021-v1.1-25Nov20_WMV.pdf
- Ram FS, Rodriguez-Roisin R., Granados-Navarrte A. et al. Antibiotics for excerbation of chronic obstructive pulmonary disease. Cochrane Database Syst Rev. 2006;(2):CD004403.
- NICE pathways. Antibiotics for treating exacerbations of COPD. National Institute for Health and Care Excellence. NICE Pathway last updated: 26 May 2021. Accessed date: 24 July 2021. URL: https://pathways.nice.org.uk/pathways/chronic-obstructive-pulmonary-disease/antibiotics-for-treating-exacerbations-of-copd.pdf