Mở đầu
Vào cuối tháng 10 vừa qua, Hội nghị Thường niên năm 2023 của Hiệp hội Nội khoa Ung thư Châu Âu (European Society for Medical Oncology – ESMO) đã diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha. Hội nghị đã thu hút hơn 33,000 người tham gia đến từ 155 quốc gia trên thế giới. Hội nghị ESMO là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu về ung thư. Nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng đã được báo cáo trong hội nghị. Docquity xin giới thiệu bài viết “ĐIỂM TIN HỘI NGHỊ ESMO 2023: Nhịn ăn gián đoạn trong đợt hóa trị liệu cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư vú” – một trong những phiên báo cáo thu hút nhiều sự quan tâm, nhằm hỗ trợ quý vị đồng nghiệp cập nhật thông tin quan trọng này.
Tóm tắt phiên báo cáo
Nhiều bằng chứng tiền lâm sàng và lâm sàng đã cho thấy nhịn ăn gian đoạn (trong thời gian ngắn 48 – 72 giờ) mỗi khi hóa trị liệu có thể làm giảm độc tính và các tác động bất lợi của hóa trị liệu đối với bệnh nhân.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa trung tâm đã được tiến hành ở bệnh nhân ung thư vú đang trải qua hóa trị liệu để đánh giá tính khả thi và khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của phương pháp nhịn ăn gián đoạn trong vòng 60 – 72 giờ so với chế độ ăn thuần thực vật ít đường. Chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe được đánh giá qua các khảo sát đánh giá chức năng của các liệu pháp điều trị ung thư - chung (FACT-G) và đánh giá chức năng của các liệu pháp điều trị ung thư – mệt mỏi (FACIT-F) tại thời điểm đường nền (ngày 0) và sau mỗi đợt hóa trị liệu (chu kỳ 4 vào ngày 7) và sau 4 và 6 tháng (V1 và V2). Các xét nghiệm sinh hóa cũng được tiến hành vào cùng thời điểm.
FACT – G bao gồm 27 câu hỏi, nhằm đo lường 4 khía cạnh của chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe (thể chất, xã hội/gia đình, cảm xúc và chức năng).
FACIT – F bao gồm 40 câu hỏi, nhằm đo lường mức độ mệt mỏi và ảnh hưởng của điều trị đến hoạt động thường nhật và chức năng.
Chế độ hóa trị liệu trong thử nghiệm bao gồm 4 chu kỳ adriamycin và epirubicin, sau đó với taxane. Người tham gia nghiên cứu được nhịp ăn gián đoạn hoặc ăn thuần thực vật ít đường khoảng 2 ngày trước khi hóa trị liệu và 24 giờ sau khi kết thúc mỗi chu kỳ (tổng cộng khaonrg 60 – 72 giờ).
Chế độ ăn đối với nhóm nhịn ăn gián đoạn cung cấp khoảng 200 kcal/ngày từ nước ép rau củ và nước luộc rau củ.
Nghiên cứu bao gồm 106 bệnh nhân. Những bệnh nhân này được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm: (i) nhịn ăn gián đoán và (ii) có chế độ ăn thuần thực vật ít đường. Kết quả cho thấy điểm FACT – G tại thời điểm đường nền (ngày 0) không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, vào ngày thứ 7 của đợt hóa trị liệu, điểm FACT -G của nhóm bệnh nhân nhịn ăn gián đoạn được cải thiện có ý nghĩa so với nhóm ăn thuần thực vật ít đường (78.3 so với 69.3). Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với thang điểm FACIT – F. Tuy nhiên, thang điểm đánh giá lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân ở nhóm nhịn ăn gián đoạn và ăn thuần thực vật ít đường vào thời điểm đường nền và ngày 7 của đợt hóa trị liệu đều không có sự khác biệt có ý nghĩa.
Đối với các chỉ số sinh hóa, tại thời điểm V0, số lượng tiểu cầu của 2 nhóm nhịn ăn gián đoạn và ăn thuần thực vật ít đường lần lượt là 256.6 và 266.2. Tại thời điểm ngày 7 của đợt hóa trị liệu, số lượng tiểu cầu của 2 nhóm thay đổi, với giá trị 209.5 đối với nhóm nhịn ăn gián đoạn và 177.7 đối với nhóm ăn thuần thực vật ít đường.
Như vậy, cả 2 chế độ nhịn ăn gián đoạn và ăn thuần thực vật ít đường đều không gây ra những tác động bất lợi nghiêm trọng trong suốt quá trình theo dõi. Chế độ nhịn ăn gián đoạn được dung nạp tốt và hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống, mức độ mệt mỏi của bệnh nhân trong đợt hóa trị liệu so với chế độ ăn thuần thực vật ít đường.
Bàn luận
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối quá trình điều trị ung thư. Chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể hỗ trợ giảm nhẹ các tác động bất lợi của hóa trị liệu chẳng hạn như chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi hay tiêu chảy. Nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ tính an toàn và lợi ích cải thiện chất lượng cuộc sống và mức độ mệt mỏi của chế độ nhịn ăn gián đoạn trong thời gian ngắn (60 – 72 giờ) ở bệnh nhân ung thư vú đang trải qua hóa trị liệu. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu này vẫn chưa thể được ngoại suy cho nhóm bệnh nhân mắc ung thư khác. Hơn nữa, cảm nhận của bệnh nhân trong suốt 60 – 72 giờ tuân thủ chế độ nhịn ăn gián đoạn (nạp 200 kcal/ngày bằng nước ép/luộc rau củ) cũng cần phải đánh giá thêm. Ngoài ra, trạng thái dinh dưỡng của bệnh nhân cũng cần được cân nhắc trước khi áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn. Nếu bệnh nhân mất cảm giác thèm ăn hay bị sụt cân giữa các đợt điều trị, thì chế độ nhịn ăn gián đoạn không nên được áp dụng cho bệnh nhân trước đợt trị liệu tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
ESMO 2023. LBA94 - Effects of short-term fasting on quality of life as an add-on option during chemotherapy. Annals of Oncology (2023) 34 (suppl_2): S1254-S1335. 10.1016/annonc/annonc1358
Fasting During Breast Cancer Chemo Improves Quality of Life - Medscape - Oct 20, 2023.
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.