Điểm chính
- Hiệu quả của 2 chiến lược truyền máu gây nhiều tranh cãi ở bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu đã được so sánh qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng, đa quốc gia.
- Mặc dù không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng truyền máu ở bệnh nhân thiếu máu phải nhập viện do cơn nhồi máu cơ tim có thể có lợi cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu.
- Đây là thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá ngưỡng truyền máu ở bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim có quy mô lớn nhất. Thử nghiệm có thể hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định trong thực hành kiểm soát bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu.
Mở đầu
Vào ngày 11 – 13 tháng 11 vừa qua, Hội nghị Thường niên năm 2023 của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) đã diễn ra tại Philadelphia. Hội nghị đã thu hút sự chú ý của các nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tim mạch. Hội nghị cũng là nơi công bố kết quả của những thử nghiệm lâm sàng có tầm quan trọng trong thực hành. Nhằm hỗ trợ quý nhân viên y tế hòa mình vào chuyển động của y khoa quốc tế, Đội ngũ Docquity xin giới thiệu chuỗi bài viết tóm tắt những điểm tin nghiên cứu quan trọng trong hội nghị AHA 2023. Docquity mở đầu chuỗi bài viết tóm tắt hội nghị bằng bài viết bàn luận về thử nghiệm so sánh hiệu quả giữa các ngưỡng truyền máu ở bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu (MINT).
Vấn đề truyền máu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Nồng độ hồng cầu thấp là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về chiến lược truyền máu ở bệnh nhân nhập viện do cơn nhồi máu cơ tim có kết quả mâu thuẫn. Bác sĩ thực hành cho rằng truyền máu có thể làm tăng lượng oxy đến tim, từ đó cải thiện kết cục của bệnh nhân. Tuy nhiên, gia tăng truyền máu có thể làm tăng nguy cơ quá tải thể tích tuần hoàn và nhiễm khuẩn hiếm gặp. Do vậy, lựa chọn chiến lược truyền máu tự do hay giới hạn cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu không phải là quyết định dễ dàng đối với các bác sĩ. Chính vì vậy, thử nghiệm MINT đã được tiến hành để làm rõ vấn đề truyền máu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu.
Tóm tắt nghiên cứu
Nghiên cứu bao gồm 3506 bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu (nồng độ hemoglobin < 10 g/dL). Trong thử nghiệm MINT, tình trạng thiếu máu được xác nhận với ngưỡng hemoglobin < 10 g/dL. Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm: (i) truyền máu giới hạn và (ii) truyền máu tự do. Đối với bệnh nhân nhóm truyền máu tự do, tế bào hồng cầu được truyền cho bệnh nhân nhằm duy trì nồng độ hemoglobin ≥ 10 g/dL cho tới khi xuất viện hoặc trong 30 ngày. Đối với bệnh nhân nhóm truyền máu giới hạn, chỉ được truyền máu khi nồng độ hemoglobin < 8 g/dL, truyền máu được khuyến cáo mạnh khi nồng độ hemoglobin < 7 g/dL hoặc biểu hiện tim mạch của bệnh nhân không thể được kiểm soát chỉ với thuốc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 16.9% bệnh nhân trong nhóm truyền máu giới hạn có cơn nhồi máu cơ tim tái lặp hoặc tử vong. Tỷ lệ này ở nhóm truyền máu tự do chỉ là 14.5%. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nguyên nhân tim mạch ở nhóm truyền máu giới hạn cũng cao hơn nhóm bệnh nhân truyền máu tự do (5.5% so với 3.2%). Tỷ lệ suy tim và các biến cố lâm sàng khác sau 30 ngày là tương đương ở cả 2 nhóm điều trị.
Tuy sự khác biệt giữa 2 nhóm nghiên cứu trong thử nghiệm MINT không khác biệt có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên, điều này cho thấy chế độ truyền máu tự do không gây bất lợi cho bệnh nhân. Chế độ truyền máu tự do có thể là chế độ truyền máu phù hợp với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu. Cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để làm rõ những mâu thuẫn về chiến lược truyền máu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu.
Bàn luận
Vấn đề chiến lược truyền máu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu vẫn còn gây nhiêu tranh cãi. Thử nghiệm MINT là thử nghiệm lâm sàng, ngẫu nhiên có quy mô lớn nhất về vấn đề truyền máu ở nhóm đối tượng bệnh nhân này. Tuy kết quả so sánh giữa 2 nhóm thử nghiệm không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên, thử nghiệm MINT cũng bổ sung bằng chứng cho thấy chế độ truyền máu tự do không gây bất lợi cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim kèm thiếu máu.
Tài liệu tham khảo
American Heart Association Scientific Sessions 2023, Late-Breaking Science Abstract in LBS.02. Red blood cell transfusions may improve outcomes in heart attack patients with anemia. Updated 11 nov 2023. Accessed date 14 Nov 2023. URL: https://newsroom.heart.org/news/red-blood-cell-transfusions-may-improve-outcomes-in-heart-attack-patients-with-anemia