Mở đầu
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cho các bệnh tim mạch. Kiểm soát huyết áp hợp lý có thể giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch chính, bao gồm đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ và tử vong do tim mạch. Các thử nghiệm lâm sàng ủng hộ lợi ích trên tim mạch của các biện pháp hạ áp đa số cho bệnh nhân thử nghiệm với chế độ dùng thuốc hạ áp vào buổi sáng. Kết quả theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ cho thấy nhịp điệu ngày (diurnal rhythm), thông thường huyết áp trong thời gian ngủ vào buổi tối hạ xuống thấp hơn và đi kèm sau đó là một đợt tăng huyết áp vào sáng sớm. Nguy cơ biến cố tim mạch có hại tăng lên ở người có huyết áp không có kiểu nhịp điệu huyết áp ngày điển hình, chẳng hạn như giảm, đảo nghịch hoặc hạ quá thấp và có tỷ lệ huyết áp ngày/đêm cao. Hơn nữa, biến cố tim mạch có liên quan tạm thời đến việc tăng huyết áp vào buổi sáng. Liều thuốc hạ áp buổi tối được gợi ý có thể mang lại nhiều hiệu quả hơn để bình thường hóa nhịp ban ngày, giảm huyết áp 24 giờ và phòng ngừa biến chứng tim mạch hơn so với liều buổi sáng1.
Kết quả của các nghiên cứu cũng chưa có được sự đồng thuận. Lợi ích và tác hại liên quan tới liều thuốc hạ áp trước khi ngủ vẫn đang được tranh luận. Nghiên cứu TIME đã được tiến hành để làm rõ liệu liều thuốc hạ áp trước khi ngủ có thể hỗ trợ cải thiện kết cục tim mạch chính tốt hơn so với liều buổi sáng ở bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị bằng thuốc hạ áp được kê đơn2– 5.
Nghiên cứu TIME cũng đã được báo cáo trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology – ESC) .
Tóm tắt kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành trên 21000 bệnh nhân tăng huyết áp, tuổi trung bình 65.1 tuổi, 57.5% người tham gia nghiên cứu là nam giới vào 12.9% bệnh nhân đã có tiền sử bệnh tim mạch. Thời gian theo dõi trung vị của nghiên cứu là 5.2 năm. Những bệnh nhân được bao gồm trong nghiên cứu được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm: nhóm dùng thuốc hạ áp vào buổi sáng và nhóm dùng thuốc hạ áp vào buổi tối1, 6.
Tiêu chí đánh giá chính là kết cục tim mạch gộp của tử vong do bệnh mạch máu hoặc nhập viện do nhồi máu cơ tim không dẫn đến tử vong hoặc đột quỵ không dẫn đến tử vong. Tiêu chí đánh giá phụ bao gồm nhập viện do nhồi máu cơ tim không dẫn đến tử vong, nhập viện do đột quỵ không dẫn đến tử vong, tử vong do bệnh mạch máu, tử vong do mọi nguyên nhân, nhập viện hoặc tử vong do suy tim sung huyết và nhâp viện do glaucoma. Nhập viện do glaucoma được bổ sung vào tiêu chí đánh giá phụ vì các bác sĩ nhãn khoa lo ngại rằng hạ huyết áp ban đêm có thể làm xấu đi kết cục của glaucoma.
Kết quả cho thấy tiêu chí chính xảy ra ở 362 bệnh nhân (3.4%) nhóm dùng thuốc buổi tối và 390 bệnh nhân (3.7%) nhóm dùng thuốc buổi sáng. Tương tự, tiêu chí đánh giá phụ và tiêu chí tử vong không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm buổi sáng và buổi tối.
Báo cáo không tuân thủ thời gian điều trị được báo cáo nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân dùng thuốc vào ban đêm so với nhóm bệnh nhân được dùng thuốc điều trị vào ban ngày (4091 bệnh nhân so với 2384 bệnh nhân, khác biệt có ý nghĩa thống kê).
Bệnh nhân dùng thuốc vào ban đêm ít báo cáo về biến cố té ngã hơn so với nhóm dùng thuốc buổi sáng (khác biệt có ý nghĩa thống kê). Còn lại đối với các phản ứng có hại khác của thuốc như gãy xương, nhập viện do glaucoma không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm dùng thuốc buổi sáng và ban đêm. Báo cáo về các biến cố có hại của thuốc ít được ghi nhận hơn ở nhóm dùng thuốc vào ban đêm so với nhóm dùng thuốc ban ngày. Các phản ứng có hại như chóng mặt, choáng váng, đau bụng hoặc khó tiêu, tiêu chảy, đau cơ đều được ghi nhận nhiều hơn ở nhóm dùng thuốc vào buổi sáng so với nhóm dùng thuốc vào buổi tối.
Kết quả theo dõi huyết áp lưu động cho thấy nhóm dùng thuốc vào buổi tối có huyết áp buổi sáng thấp hơn và huyết áp buổi tối cao hơn so với nhóm dùng thuốc buổi sáng.
Bàn luận
Như vậy huyết áp ban đêm là một dấu chỉ quan trọng để dự đoán các kết cục bất lợi ở bệnh nhân tăng huyết áp, từ đó dẫn đến giả thuyết dùng thuốc hạ áp vào ban đêm có thể cải thiện kết cục tim mạch. Kết quả nghiên cứu TIME nay có thể cho thấy rằng dùng thuốc hạ áp vào ban đêm không mang lại nhiều hơn lợi ích so với dùng thuốc vào ban ngày khi xét đến các kết cục trên tim mạch và tử vong. Nghiên cứu TIME đã cho thấy rõ ràng rằng đau tim, đột quỵ và tử vong do bệnh mạch máu xảy ra với tỷ lệ tương đương ở cả 2 nhóm dùng thuốc hạ áp ban ngày và ban đêm. Như vậy, bệnh nhân tăng huyết áp có thể dùng thuốc hạ áp vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà bệnh nhân cảm thấy thuận tiện và giảm thiểu được biến cố có hại bất kỳ của thuốc1, 6.
Tài liệu tham khảo
Mackenzie IS, Rogers A, Poulter NR et al. TIME Study Group. Cardiovascular outcomes in adults with hypertension with evening versus morning dosing of usual antihypertensives in the UK (TIME study): a prospective, randomised, open-label, blinded-endpoint clinical trial. Lancet. 2022 Oct 22;400(10361):1417-1425. doi: 10.1016/S0140-6736(22)01786-X.
Hermida RC, Calvo C, Ayala DE, Fernández JR, Covelo M, Mojón A, López JE. Treatment of non-dipper hypertension with bedtime administration of valsartan. J Hypertens. 2005 Oct;23(10):1913-22. doi: 10.1097/01.hjh.0000182522.21569.c5.
Poulter NR Savopoulos C Anjum A et al. Randomized crossover trial of the impact of morning or evening dosing of antihypertensive agents on 24-hour ambulatory blood pressure. Hypertension. 2018; 72: 870-873
Hermida RC Ayala DE Mojón A Fernández JR Influence of circadian time of hypertension treatment on cardiovascular risk: results of the MAPEC study. Chronobiol Int. 2010; 27: 1629-1651
Hermida RC Crespo JJ Domínguez-Sardiña M et al. Bedtime hypertension treatment improves cardiovascular risk reduction: the Hygia Chronotherapy Trial. Eur Heart J. 2020; 41: 4565-4576
Press releases. Evening dosing of blood pressure medication not better than morning dosing TIME trial presented in a Hot Line Session today at ESC Congress 2022. ESC 2022. Updated 26 aug 2022. Accessed date 10 Nov 2022. URL: https://www.escardio.org/The-ESC/Press-Office/Press-releases/Evening-dosing-of-blood-pressure-medication-not-better-than-morning-dosing?fbclid=IwAR2w8YYqPH8wgnyvka4F5gbpaydvSc8Gx8hDTP9P37zWbXZQGkgNBNHXZ_Q
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.
Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé