Chia sẻ kinh nghiệm làm khoá luận Y6 YDS

Tổng quát

Trước khi đi sâu vào chi tiết từng bước, mình nghĩ các bạn cần có cái nhìn tổng quát về hành trình làm khoá luận tốt nghiệp, có thể kể đến những dấu mốc quan trọng sau:

  1. Quyết tâm làm khoá luận.
  2. Tìm giảng viên hướng dẫn, chọn bộ môn và chọn đề tài: thường trước khi nhập học Y6 tầm 1 tháng.
  3. Giai đoạn xoay quanh đề cương: tầm T10-T11 phải nộp đề cương.
  4. Giai đoạn chuẩn bị và làm việc với số liệu: tầm tháng 3-4 khi đầy đủ y đức.
  5. Giai đoạn xoay quanh buổi trình chính thức: trình trong thời gian 2 tuần các bạn khác thi tốt nghiệp
  6. Giai đoạn sau khi trình khoá luận.

Đương nhiên, không thể thiếu các bước hành chánh bạn phải tiếp xúc và làm việc liên tục trong thời gian làm khoá luận.

Okay, giờ chúng ta bắt đầu.




Quyết tâm làm khoá luận

Việc quyết tâm làm khoá luận theo mình thấy là một quyết định dũng cảm, và cũng là một quyết định... an toàn. Theo mình, một khi đủ tiêu chuẩn để làm khoá luận thì nên làm khoá luận. Có những thứ phải trải nghiệm thì mới biết. So far I've no regrets.

Lý do thì mỗi người mỗi khác: có người làm để né kỳ thi tốt nghiệp ngày càng căng thẳng, có người làm vì muốn thử xem mình có hợp để theo đuổi trong tương lai hay không, cũng có người làm để lấy kinh nghiệm chuẩn bị cho việc trình luận án hay luận văn trong tương lai khi học thạc sĩ, tiến sĩ, cũng có người làm để lấy đó là cột mốc bắt đầu theo đuổi đam mê hay... vĩnh biệt nó. Đam mê thì còn mãi nhưng thứ mình đam mê thì sẽ thay đổi. Dù là lý do nào, thì cuối cùng tựu chung lại vẫn là làm khoá luận.

Tiêu chuẩn được làm khoá luận:

  1. Điểm trung bình 5 năm ≥ 7 điểm: dò lại điểm 5 năm và tính toán sớm.
  2. Tìm được giáo viên hướng dẫn.

Tiêu chuẩn được trình khoá luận:


Không rớt môn nào trong năm 6 (kể cả lý thuyết lẫn lâm sàng, tính luôn các môn như y đức hay thực tập cộng đồng.)

Các lý do khiến bạn không thể đi tới cuối với khoá luận:

  1. Rớt môn, obviously.
  2. Đề cương không được hội đồng thông qua: thế nên phải làm việc rất kỹ với giảng viên hướng dẫn xem đề tài có khả thi hay không với trình độ Y6.
  3. Lấy mẫu không kịp: lịch học = bóp nghẹt.
  4. Tuyệt vọng với hành chánh: bỏ 🙂
  5. Danh sách BN có thông tin sai không được bệnh viện xác nhận, phải viết lại khoá luận và viết không kịp.
  6. Gánh nặng kinh tế: tính tổng tiền tốn cho khoá luận tầm 2-4 triệu, chủ yếu là tiền in ấn, tiền bánh tiền hoa chuẩn bị cho buổi trình với tiền ra cà phê ngồi vừa viết vừa khóc =))))
  7. Không chịu nổi áp lực: làm nghiên cứu khoa học nói chung và làm khoá luận nói riêng không bao giờ nhàn hạ cả.
  8. Chọn đề tài quá khó: tìm không ra tài liệu tham khảo...

⇒ Năm 2020, mỗi bước đều có vài người rơi rụng. Tin tốt là, một khi lấy mẫu xong thì gần như không có ai rụng nữa cả.

Một số thứ cần xét đến khi quyết định làm khoá luận hay không:

  1. Nội trú: việc này thì tuỳ thuộc từng người.
    1. Thi tốt nghiệp thì ôn kiến thức thi nội trú luôn trong lúc học ôn tốt nghiệp, làm khoá luận thì được học kiến thức mới, và nếu may mắn thì xong sớm, bạn có thể ôn nội dung thi nội trú ngay trong lúc bạn bè còn đang vật vờ với những môn không biết học phác đồ nào, với những bài vừa dài vừa khó và vừa... không trong danh sách bài thi nội trú.
    2. Thi tốt nghiệp nguy cơ rớt ngày càng cao, mà đã rớt thì khỏi thi nội trú. Làm khoá luận thường 8-9 điểm, tuy nhiên nguy cơ tạch trong năm sẽ như thanh gươm Damocles treo đầu. Những năm gần đây các thầy cô cũng siết chặt hơn trong việc chấm điểm khoá luận nên 8 cũng nhiều hơn.
  2. Khả năng chịu áp lực:
    1. Thi tốt nghiệp là stress đường dài nhưng chia đều, làm khoá luận thì giai đoạn bình thường không stress lắm nhưng những khi tới deadline thì thường trùng với lịch thi, mà thi Y6 thì không bao giờ dễ.
    2. Sẽ có những giây phút bạn tủi thân ghê gớm vì xung quanh ai cũng xoắn và học ôn tốt nghiệp, đánh đề chung với nhau sáng tối, còn bạn thì một mình lấy mẫu mà không biết mình lấy đủ chưa, ôm đống số liệu không biết xử lý ra sao, đọc kiến thức mới toanh, ôm đống tài liệu không biết xài được không, ngồi nghĩ phép kiểm mình chọn không biết đúng chưa, sốc lên sốc xuống với tiêu chuẩn chọn mẫu và thiết kế nghiên cứu mà sai thì có trình ra cũng sợ tạch (tuy nhiên đó giờ chưa ai ra trình mà tạch cả.)

Cách mình và bạn bè xử trí những vấn đề trên:

  1. Trong năm mình học hết sức để không rớt bất kỳ môn nào, song song với việc làm khoá luận. Xem thời gian trong năm là thời gian mình ôn nội trú luôn, nó cũng là lưới an toàn để nhỡ có xui thì cũng vẫn có nền mà ôn thi tốt nghiệp.
  2. Phân bổ thời gian hợp lý, hoặc ít nhất là hợp lý với bản thân: bạn mình mỗi ngày đều thức đêm đọc tài liệu và viết khoá luận, mình thì chỉ khi nào yên tâm với lâm sàng và lý thuyết thì mới cày ngày cày đêm viết khoá luận =)))))
  3. Tìm đến giáo viên hướng dẫn và anh chị trình các năm trước: các anh chị thường rất dễ thương và ai cũng rộng lòng chia sẻ tips để san bằng những thứ nhấp nhô trên đường đi, đặc biệt là về hành chánh (shout-out to chị Tâm Đannnn và hai bạn nữ xinh đẹp là Thanh Trúc và Minh Hằng :((((( mọi người carried mình qua rất nhiều thủ tục hành chánh =))) )
  4. Tạo nhóm facebook giữa các bạn trình khoá luận trong năm, có thông báo hay biến cố gì đều có thể đăng lên trao đổi thông tin nhanh lẹ. (cảm ơn các bạn Hoài Thanh và Đức Tùng và �Trường Duy và Kim Hân và Nam Phan và rất nhiều bạn khác trong group :(( Rất mừng là đèn treo trước gió nhưng đều không tắt cái rup =))) )
  5. Tạo group chat sống chết có nhau, than thở khóc lóc và gặp vấn đề ít ra cũng biết mình không đau khổ một mình =)))) (I love youuuu Ngạnnnnn)
  6. Khóc lóc với bạn bè thi tốt nghiệp =)))) (cảm ơn bạn An và bạn Mẫn đã trả lời những tin nhắn lúc 3h sáng của mình để khók mà hông chửi =)))) )

Khi đã vượt qua được giai đoạn đầu tiên, vậy đương nhiên phải đến bước tiếp theo: tìm giáo viên hướng dẫn, chọn bộ môn và chọn đề tài.

Tìm giảng viên hướng dẫn, chọn bộ môn và chọn đề tài

Nói chung, không có công thức chung cho việc tìm kiếm giảng viên hướng dẫn (GVHD) và đề tài.

  • Bạn có thể có những ý tưởng về đề tài sơ khởi rồi tìm GVHD, hoặc cũng có thể tìm GVHD trước và nhờ thầy cô đề xuất một đề tài phù hợp với sinh viên Y6, hoặc cũng có thể bị cuốn theo đám đông chọn những bộ môn nghe có vẻ nhẹ nhàng và cởi mở, đợi được phân giáo viên hướng dẫn và đề tài sau. Tuỳ mục tiêu của mình mà các bạn có thể chọn đường nào, đa số mọi người hỏi GVHD và được gợi ý đề tài nên làm luôn.
  • Các anh chị có từng nhắc đến những bạn tuy đã có đề tài nhưng không tìm được giảng viên hướng dẫn, có thể được phòng đào tạo phân ngẫu nhiên tầm tháng 9 tháng 10, nhưng năm 2020 thì không thấy bạn nào rơi vào trường hợp như vậy cả.

Những năm gần đây UMC rất cởi mở với nghiên cứu khoa học, càng ngày càng có nhiều thầy cô trẻ rất tâm huyết với việc hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Việc chọn được một giáo viên hướng dẫn phù hợp với mình sẽ rất rất rất quan trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ hành trình sống chết với khoá luận của mình.

  • Các thầy cô lớn: các thầy cô lớn nhiều kinh nghiệm, giúp chọn các đề tài phù hợp với các bạn. Tuy nhiên, các thầy cô lớn sẽ có rất ít thời gian, và tận dụng hiệu quả được phần thời gian của họ cho các bạn tới đâu là tuỳ vào bản lĩnh từng người.
  • Các giảng viên trẻ: các anh chị giảng viên rất năng động, dành nhiều thời gian để giúp và sửa cho các bạn, kiến thức về nghiên cứu khoa học có tính hệ thống và chi tiết, đồng thời cũng gần gũi với sinh viên theo một cách khác với các thầy cô lớn.
  • Một người giảng viên hướng dẫn phù hợp thì cần nhất là bạn có mối quan hệ tốt với người đó, người sẵn sàng giúp bạn khi cần, và sẵn sàng... để mặc bạn khi bạn cần :))))) ví dụ như lúc thi nội lâm sàng thì không bạn nào còn hơi để viết khoá luận nữa đâu, lúc đó mà giảng viên đặt deadline thì bạn cũng bó tay đấy.

Về cách liên lạc với GVHD, bạn có thể xin email hoặc đến gặp trực tiếp. Đây cũng là cơ hội cho các bạn học cách làm việc chuyên nghiệp như thế nào, email cần viết ra sao cho đúng. Các GVHD trẻ thì có lẽ ưa thích dùng email hơn, các thầy cô lớn thì tuỳ người mà nên gặp trực tiếp hay liên hệ qua điện thoại (đương nhiên qua email cũng được nữa.)

Về thời gian nên tìm giảng viên hướng dẫn: tựu lại là, càng sớm càng tốt. Mình hỏi giảng viên hướng dẫn của mình từ Y4 khi đi phụ mổ, có những bạn vào Y6 rồi mới tìm (nhưng thường cũng trong tháng đầu tiên thôi). Đa số mọi người tìm xong giảng viên hướng dẫn trước khi vào học Y6 1 tháng. Nói thế để các bạn không phải quá áp lực về thời gian tìm kiếm. Quan trọng nhất vẫn là tìm người hợp với mình.

Về đề tài, có 2 thứ bạn cần nắm chắc khi làm.

  • Khả thi: nghiên cứu này có khả thi hay không thì thường bạn không đánh giá được đâu, mà thầy cô sẽ là người giúp các bạn. Những thứ cần nghĩ tới ví dụ như: nếu là nghiên cứu dính đến xét nghiệm thì tiền này ai trả, giá bao nhiêu, có làm ở VN hay không? Thời gian lấy mẫu từ 2-6 tháng thì có lấy hết được mẫu không? Trước giờ có ai làm kiểu này mà thành công chưa nhỉ?
  • Tính sáng tạo: đừng nghĩ gì sâu xa. Chỉ cần nó có gì đó mới mẻ dù nhỏ tới đâu thì cũng đã có tính sáng tạo rồi: khác dịch tễ (NC ở nước ngoài vs NC ở VN), BN nội trú vs BN ngoại trú, kết quả sớm vs kết quả trung hạn,...

Việc chọn tên đề tài rất quan trọng, vì sẽ là hải đăng cho gần như cả hành trình ôm khoá luận của các bạn. Nếu chọn tên dấm dớ, các bạn sẽ không viết nổi cả tổng quan vì chẳng biết chính xác mình viết về cái gì. Nếu tên quá dài dòng, khi trình đề cương hay thậm chí là trình khoá luận sẽ bị... trừ điểm.

Sau khi chốt được đề tài với GVHD, các bạn xuống tầng 2 gặp người phụ trách khối mình để đăng ký đề tài và GVHD.


Giai đoạn xoay quanh đề cương

Tầm tháng 10-11 là đến giai đoạn nộp đề cương. Có những người viết xong đề cương trước khi vào Y6, cũng có người trước deadline nộp đề cương 1 tuần mới viết đề cương. Nói như vậy có nghĩa là mỗi người chạy theo một cái đồng hồ riêng, người ta xong hay xoắn đều nên kệ người ta :)))))) nhưng cũng đừng có YOLO quá...

Đề cương có 3 phần chính, đặt vấn đề, chương 1 (tổng quan) và chương 2 (đối tượng và phương pháp nghiên cứu), chốt cuối là phần tài liệu tham khảo (TLTK). Nếu cần các bạn có thể lên thư viện để tham khảo.

Thứ tự viết là tuỳ vào mỗi người. Kinh nghiệm cá nhân, mình viết như sau: đặt vấn đề (câu hỏi nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu cụ thể) ⇒ đối tượng và phương pháp nghiên cứu ⇒ tổng quan y văn ⇒ chau chuốt lại đặt vấn đề.

  • Đặt vấn đề: đòi hỏi nêu bật được vấn đề cần nghiên cứu và tại sao cần làm nghiên cứu này. Không được lan man. Khi bạn còn lan man tức là chính bạn cũng còn chưa rõ mình đang viết về cái gì. Câu hỏi nghiên cứu là gì và mục tiêu cần càng cụ thể càng tốt.
  • Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: thường các bạn sẽ gặp khó khăn ở phần lấy những biến số gì. Có 2 cách, hoặc các bạn hỏi GVHD luôn em cần lấy những biến số gì, hoặc các bạn đọc thật nhiều nghiên cứu đi trước để xem người ta đã lấy những biến số gì và tại sao lại lấy những biến số đó. Thực sự phần biến số và định nghĩa biến số này quan trọng lắm, các biến số lấy cần phải phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của các bạn. Các bạn cũng cần trình bày bảng biến số sao cho đẹp và phù hợp. Nếu được, hãy tham khảo thêm đề tài của các bạn bên YHDP vì họ trình bày rất đầy đủ, có cả bảng câm. Bên khoa y mình không đòi hỏi có bảng câm nhưng nếu có là rất rất tốt. Vấn đề y đức cũng trong phần này luôn.
  • Tổng quan y văn: thể hiện bạn đã tìm hiểu về đề tài của mình tới đâu, tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước là thế nào. Lưu ý, phải tìm cho được TLTK ở nước ngoài trong nước nhé. Bạn mình sau khi chọn đề tài xong thì phải bỏ vì tìm không ra TLTK, nên việc thống nhất với GVHD đề tìm đề tài phù hợp là rất rất quan trọng nha.
  • TLTK: các nghiên cứu trong vòng 5 năm gần đây cần chiếm >50% tổng số TLTK. Nguồn tìm kiếm mình sử dụng là Pubmed, Cochrane library, Google Scholar. Pubmed có nguyên 1 bài hướng dẫn cách sử dụng từ khoá sao cho việc tìm kiếm tối ưu nhất, các bạn có thể tham khảo.

Đương nhiên, để làm được những điều trên, và để viết khoá luận, các bạn cần phải làm được 1 điều: chọn đúng tài liệu tham khảo, bằng cách đọc NCKH đúng cách. Có rất nhiều sách nói về việc này, mình sẽ làm một bài review riêng các tài liệu hướng dẫn việc này mình đã sử dụng và gom góp được trong năm vừa qua. Nói một cách vắn tắt, thứ mình cần xem không phải là phần thảo luận, mà là xem method của bài báo đó. Cần đặt câu hỏi, với câu hỏi người ta đưa ra, chọn đối tượng nghiên cứu và dân số mục tiêu thế đã hợp lý chưa, thiết kế nghiên cứu đó đã phù hợp hay chưa, có thống kê hợp lý đúng cách hay không, nếu rồi thì mức độ mạnh của kết luận là tới đâu, điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu này là gì. Đây cũng là phần chính yếu mình học được sau khi làm khoá luận Y6.

Trong lúc viết đề cương, các bạn cũng nên chỉnh sửa theo đúng format khoá luận của trường, kể cả về trình bày chữ, bảng biểu lẫn tài liệu tham khảo. Viết xong nội dung rồi ngồi sửa format chứ đừng vừa làm vừa sửa nhé, mất khoảng 2-3 tiếng, riêng TLTK thì nên sửa style endnote từ đầu.

Các khó khăn mà mình và bạn bè đã gặp phải trong thời gian viết đề cương:

  • Không biết format đúng, làm sai tè le.
  • Tiếng Anh kém: quá khổ, đã đọc mà còn phải viết lại theo ý mình hiểu mà phải bảo đảm mình không hiểu sai. Đọc riết thì quen các bạn ơi, nên hãy coi đây là cơ hội để sử dụng tiếng Anh của mình.
  • Dở tiếng Việt: thật sự, việc dùng tiếng Anh quá nhiều có thể khiến mình mất khả năng diễn đạt trôi chảy và chính xác bằng tiếng Việt. Khi viết cần ưu tiên viết sao cho dễ hiểu, viết hết câu mới chấm và viết câu mới. Những chuyện tưởng như đơn giản như vậy nhưng thật sự khi bắt tay vào làm lại không hề dễ dàng.
  • Sử dụng phần mềm mới: endnote/Mendeley/Zoro... Mỗi phần mềm có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Cá nhân mình đầu tiên dùng Mendeley vì free và xài tốt, dễ dùng, tuy nhiên do format khoá luận đòi hỏi để TLTK tiếng Việt lên trước tiếng Anh mà Mendeley lại không làm được chuyện đó, nên cuối cùng phải mượn máy người khác cài crack endnote. Ngoài ra, format trình bày TLTK của trường mình có style riêng trên endnote luôn, nên mình khuyên các bạn nên dùng endnote ngay từ đầu. Và việc dùng endnote nên làm ngay từ khi viết đề cương chứ đừng có dùng tay mà gõ TLTK nhe các bạn =))))) Huhu cực lắm. Tầm 2-3 ngày là các bạn quen với Endnote ngay.
  • Không nắm chính xác thời gian nộp đề cương: để rồi khi biết cần nộp thì thi tới mông và còn đúng 1 tuần rưỡi. Để khắc phục chuyện này các bạn nên liên hệ với người phụ trách khối qua khối trưởng khối phó thường xuyên, hoặc tốt nhất là tầm tháng 10-11 tự xuống hỏi cho an tâm.

Sau khi nộp đề cương cho người phụ trách khối xong, các bạn tạm thở được tầm 1 tuần, sau đó phải lo chuẩn bị slide để trình đề cương. Các bạn cần hỏi người phụ trách khối cho kỹ khi nào có giấy báo tiểu ban trình đề cương để lên nhận, nếu không sẽ trở tay không kịp. Thường sẽ trình đề cương tầm T1-T2.

Sau khi nhận được giấy thông báo trình với ai, các bạn in ra 4 cuốn, có chữ ký của GVHD để gửi thầy cô trong hội đồng và cho GVHD. Có thể gửi qua thư ký bộ môn hoặc tự tay gửi, tuỳ vào các bạn làm khoá luận thuộc bộ môn nào. Mốc lý thuyết là gửi đề cương và giấy mời trước ngày trình 1 tuần cho các thầy cô.

Ngày trình đề cương, các bạn mặc áo quần gọn gàng, áo sơ mi quần tay hay váy qua đầu gối là được. Không bắt buộc nữ phải mặc váy hay nam phải mang cravat gì cả, miễn là gọn gàng sạch sẽ, tôn trọng người nhìn và tôn trọng bản thân. Không cần mua hoa, hoặc chưa cần. Các bạn nhớ chuẩn bị nước cho thầy cô uống, và bánh nếu có thể.

Tờ biên bản họp xét duyệt đề cương khoá luận tốt nghiệp của sinh viên Y6 in ra 1 bản, cuối buổi 3 thầy cô trong hội đồng sẽ ký vào.

Chủ yếu trong buổi trình đề cương, các thầy cô sẽ xét nghiên cứu của bạn có khả thi không, góp ý về việc thêm bớt biến số cần lấy và góp ý về format viết luận. Thường thì không ai bị đánh rớt, mà có đánh rớt thì cũng được góp ý làm lại chứ không bắt bỏ luôn. Các câu hỏi có thể bị hỏi:

  • Câu hỏi liên quan nội dung nghiên cứu của bạn.
  • Tại sao lấy biến số này mà không lấy biến số khác?
  • Sao lại thiết kế nghiên cứu thế này?

Sau khi trình xong, các bạn cần sửa lại đề cương theo góp ý của hội đồng, quan trọng là cũng phải được GVHD thông qua.

Các bạn photo tờ biên bản họp ra ít nhất 3 bản nhé, vì cần dùng để nộp y đức cho trường.

Tờ biên bản họp gốc cần được gửi lại ban đào tạo khoa y sau khi trình xong. Các bạn phải đăng ký lại tên mới (nếu có chỉnh sửa theo ý hội đồng) cho người phụ trách khối để anh/chị ấy làm giấy giới thiệu các bạn qua BV nữa, chỉ cần sai chính tả thôi là làm lại từ đầu nên cần rất cẩn thận với tên đề tài. Các bạn lưu ý là có deadline cuối cùng buộc phải nộp, vì người phụ trách khối sẽ gom hết tất cả các biên bản họp đi nộp 1 lần duy nhất xuống phòng NCKH lầu 1 của trường.

Sau khi giấy tờ nộp xong, các bạn lên phòng NCKH để nộp hồ sơ y đức cho trường (https://ump.edu.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/de-tai-nghien-cuu/cap-co-so phần hướng dẫn và biểu mẫu thông qua HDYĐ) vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, sáng từ 8g-11g và chiều từ 13g-16g. Các tài liệu trong link cần nộp thành 3 bộ giống nhau kèm với 3 cuốn khoá luận đã chỉnh sửa với đầy đủ chữ ký (của GVHD và trưởng bộ môn.)

Các lỗi hay sai trong hồ sơ y đức nộp cho trường:

  1. Phải dùng chữ giới tính chứ không phải giới.
  2. Thiếu chữ ký.
  3. Thời gian lấy mẫu không phù hợp: trong PL6 là thời gian sẽ đi thu thập số liệu, nên nếu nộp hồ sơ tháng 2 thì phải ghi là tháng 3. Đừng ghi ngày, ghi tháng và năm thôi.
  4. Tờ thông tin cho BN hiểu về nghiên cứu ghi là ông/bà chứ đừng ghi là BN.

Các bạn nên mang theo máy tính để được cô góp ý gì thì sửa ngay in lại ngay và nộp ngay. Các bạn nộp thêm 1 bản khoá luận qua mail thì sau nộp tầm 1 tháng thì các bạn sẽ có mail báo lên nhận giấy. Tờ giấy này có mộc đỏ, bạn giữ bằng cả sinh mạng nhé, cần nộp thì cứ photo ra đã, vì cuối năm có thể bạn cần nộp lại bản gốc cho trường.

Tiếp theo là y đức của nơi lấy mẫu. Nếu lấy trên sinh viên, khoa y sẽ chứng cho bạn. Nếu lấy ở bệnh viện thì cần tuân theo quy định của bệnh viện. Do mình lấy ở ĐHYD nên chỉ nói về phần ở ĐHYD. Các bạn lên tầng 4 khu vực hành chánh phòng kế hoạch đào tạo gặp chị Như để nộp các tài liệu như sau: https://www.dropbox.com/sh/8cbn6tlfxp1pqa4/AABAFYyQABt1FIl0R1PWAKrua?dl=0. Sau tầm 10-14 ngày thì chị sẽ liên hệ các bạn lên để lấy giấy giới thiệu lấy mẫu ở BV. Lúc này các bạn có thể chính thức lấy số liệu. Các bạn lưu ý là những thời gian chết này cần xảy ra càng sớm càng tốt, vì nếu BV không chấp nhận ⇒ các bạn hết làm, hay giấy giới thiệu chậm trễ ⇒ số liệu lấy không kịp ⇒ tạch.

Giai đoạn chuẩn bị và làm việc với số liệu

Nếu số mẫu nhỏ ~ 30-60 mẫu, các bạn có thể làm một mình. Nếu mẫu lớn hơn, các bạn nên liên hệ với các em y nhỏ để tạo team làm việc (cảm ơnnnnn bé Kim Anh và chị Hà và Ngạn đẹp giaiii). Lưu ý quan trọng nhất không được phép lấy sai tên, năm sinh và số hồ sơ của BN, vì BV sẽ xét lại từng BN một trong danh sách BN của các bạn nộp lên. Không có danh sách xác nhận pháp lý này thì các bạn sẽ không được công nhận kết quả, khỏi tốt nghiệp.

Giai đoạn lấy mẫu là cực nhất, nhập mẫu cũng cực không kém. Các bạn lấy mẫu dựa vào phiếu/bệnh án thu thập số liệu, sau đó phải nhập lại vào excel nên có thể xảy ra lỗi, cần soát kỹ.

Khi có trong tay số liệu rồi thì đây là lúc vui vẻ nhất nhất trong cả quá trình làm khoá luận của các bạn :)))) Các bạn cần phân tích số liệu và bàn luận về các số liệu đó.

  • Phân tích số liệu: có rất nhiều phần mềm thống kê. Thường gặp nhất vẫn là SPSS, STATA (bên YHDP có sách hướng dẫn sử dụng), excel, hiếm gặp hơn là MedCal, Python và R. Bản thân mình dùng R, mình sẽ lên bài review riêng. Vấn đề lớn nhất khiến mình không muốn dùng SPSS hay STATA là vì đều phải cài crack dùng phần mềm lậu, trong khi R đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình hiện tại và tương lai, lại miễn phí. Các bạn cũng sẽ phải đọc rất nhiều về các phép toán thống kê như Chi bình phương, Student t-test, paired t-test, Mann-Whitney u-test... Bản thân mình thường hay plot trước xem cách phân bố của biến số này như thế nào, tưởng tượng trong đầu mình muốn thể hiện biến số qua biểu đồ nào, mình muốn sử dụng con số cụ thể hay muốn thể hiện qua hình... rồi vẽ.
  • Bàn luận: đọc và bàn luận tại sao nghiên cứu của mình lại có sự khác biệt với nghiên cứu trước đó. Cần nêu bật được điểm khác biệt của mình so với các nghiên cứu khác, trong nước và ngoài nước, cả một nghệ thuật đòi hỏi phải thực hành rất rất nhiều. Việc này đòi hỏi các bạn phải hiểu rất rõ về nghiên cứu của mình và những nghiên cứu mình sử dụng để so sánh. Thế là lại quay lại vấn đề lớn gần như bậc nhất trong việc làm khoá luận: làm sao để biết TLTK của mình đang đọc có giá trị tới đâu.

Về phần nội dung khoá luận, các bạn chú ý:

  • Cố gắng phân bố khoá luận sao cho phù hợp, phần tổng quan dài bao nhiêu thì kết quả - bàn luận ít nhất cũng phải được chừng đó, tốt nhất là ≥50% nội dung khoá luận.
  • Cố gắng không có lỗi chính tả: in ra đọc sẽ dễ phát hiện lỗi hơn là đọc trên máy.
  • Dùng đúng thuật ngữ chuyên ngành (vd hiện tại trung bì ⇒ bì bên BM Da liễu)
  • Dùng thống nhất 1 thuật ngữ (vd glucose huyết rồi thì không dùng đường huyết, tạo hình van rồi thì không dùng sửa van, protein niệu chứ không dùng đạm niệu...)
  • Khi đã viết tắt rồi thì phía sau không cần ghi dài ra mà dùng từ viết tắt luôn, văn phong cần trôi chảy và đọc ra tiếng Việt.
  • Đúng format của trường.
  • Mục tiêu và kết luận - kiến nghị phải xác hợp với nhau: kết luận và kiến nghị của mình phải rút ra từ nghiên cứu của mình.

Cá nhân mình khi viết thường mở 1 file excel tạo sẵn để lưu TLTK. Trong lúc đọc mình note lại các câu TA trong tài liệu gốc, dịch sơ tiếng Việt ở ô kế bên, ghi lại tên nghiên cứu, năm và tác giả, cỡ mẫu và thiết kế nghiên cứu, nhận xét của bản thân. Sau đó khi đọc được kha khá rồi mình mới bắt tay vào viết phần bàn luận của mình.

Chuyện quan trọng nhất lúc này là tuyệt đối không được rớt môn nào cả. Các bạn cần tự thân trải nghiệm và phân bổ thời gian sao cho hợp lý.

Từ lúc thi môn lâm sàng cuối cùng cho tới khi trình chính thức, các bạn chỉ có tầm 2-3 tuần để viết khoá luận thôi, trong thời gian đó các bạn phải sửa xong hết với GVHD, làm slide, tập thuyết trình cho nhuần nhuyễn và lo hành chính. Người phụ trách khối sẽ có thông báo thành lập tiểu ban chấm khoá luận của bạn, và các bạn phải in 3 cuốn luận văn có chữ ký của GVHD kèm giấy mời (gặp người phụ trách khối) để gửi cho các thành viên hội đồng trước khi trình 10-14 ngày.

Các bạn cần nộp lại danh sách BN cho BV để họ xác nhận cho các bạn, về đường đi nước bước thì có trong 2 tờ giấy chị Như sẽ đưa khi bạn lên nộp y đức cho BV, các bạn làm theo là được. Trong vòng 10 ngày chị sẽ báo lại qua mail hay viber hay zalo cho các bạn lên nhận. Tờ giấy này để ở phần phụ lục của cuốn khoá luận, nếu không lấy kịp các bạn có thể tạm gửi cuốn khoá luận trước cho thầy cô và xin bổ sung giấy tờ sau, nhưng đến hôm trình chính thức là phải có nhé, nếu không sẽ bị trừ điểm. Tờ giấy xác nhận danh sách BN này cũng có mộc đỏ, đương nhiên cũng cần bảo vệ bằng cả sinh mạng =))

Giai đoạn xoay quanh buổi trình chính thức

Về ngày giờ trình, tuỳ theo bộ môn mà các bạn hay thư ký bộ môn sẽ là người liên hệ với thầy cô. Cần tìm một thời gian mà các thầy cô hội đồng và GVHD của các bạn cùng rảnh. Buổi trình sẽ kéo dài từ 45' - 1h30'

Về địa điểm, nếu bộ môn có thể sắp xếp thì các bạn trình ở giảng đường bộ môn phân cho, nếu không thể thì lên gặp người phụ trách khối để được phân giảng đường trong trường.

Các thứ chuẩn bị cho buổi trình:

  • Giấy tờ: các bạn cần in 1 tờ quyết định thành lập tiểu ban chấm khoá luận, 1 tờ trình tự buổi trình khoá luận, 3 tờ phiếu chấm và 1 tờ biên bản chấm khoá luận.
  • Hoa hiện tại tầm 150-200k/bó, các bạn trình cùng ngày khác giờ có thể mua chung và sử dụng. Thực sự thì hoa không bắt buộc, nhưng có thì khi chụp hình vẫn tốt hơn là không có.
  • Bánh: tuỳ người chuẩn bị, dễ nhất là bánh quy, bánh quế.
  • Nước: nước lọc hay cà phê lon. Nếu được phân cho trình trong hội trường lầu 2 thì có sẵn ly giấy và nước, các bạn có thể tận dụng.
  • Máy móc: luôn luôn thủ sẵn một máy tính phòng trường hợp giảng đường hay hội trường không có máy tính, ít nhất 1 USB chứa slide, mình còn up sẵn slide lên drive và mail phòng trường hợp USB của mình hư và gửi slide nhờ 1 bạn chắc chắn đi cho bảo đảm. Máy tính nhớ có cổng HDMI hoặc VGA, nhớ mua 1 sợi dây chuyển đổi.
  • Laser pointer: có thể mua chung với bạn. Không có cũng không sao, có thì tốt. (shout-out to Kim Hân dễ thương xinh đẹppppp)
  • Quần áo: nam chỉ cần áo sơ mi trắng + quần tây, không bắt buộc thắt cravat; nữ có thể mặc áo dài hay áo sơ mi + váy hay quần tây. Tóc tai cần gọn gàng sạch sẽ.
  • Tập thuyết trình: tầm 5-7 lần trước trình là được, càng nhuần nhuyễn càng tốt. Với trình độ Y6 các thầy cô chủ yếu là chấm các bạn có thuyết trình nhuần nhuyễn hay không, có nắm rõ nghiên cứu của mình hay không, chứ chưa đi sâu vào hỏi nội dung đâu, nếu có thì thường điểm bạn đã cao rồi và thầy cô hỏi để cộng điểm.

Các câu hỏi có thể bị hỏi:

  • Câu hỏi liên quan nội dung nghiên cứu của bạn: hằng hà sa số, các bạn soạn được bao nhiêu thì soạn...
  • Hướng phát triển nghiên cứu của em trong tương lai?
  • Các câu hỏi về thiết kế nghiên cứu: tại sao chọn thiết kế nghiên cứu này, dân số chọn mẫu này, công thức cỡ mẫu này? Tại sao loại ra hay nhận vào nhóm BN này?
  • Chi phí thực hiện CLS này là bao nhiêu? Ai trả?

Giai đoạn sau khi trình khoá luận

Sau khi trình xong, các bạn mang biên bản chấm có chữ ký đầy đủ của các thầy cô xuống lầu 2 để nộp. Lưu ý cần trao tận tay người phụ trách khối, vì biên bản này tương đương với bài thi tốt nghiệp của bạn.

Cần in 1 cuốn khoá luận mạ vàng nộp lại cho người phụ trách, trong đó 2 tờ giấy có mộc đỏ gồm bản duyệt y đức của trường và danh sách BN được nơi lấy mẫu xác nhận thì có thể nộp bản photo (năm nay mình là thế, năm trước thì trường nói nộp bản gốc, các bạn hỏi kỹ lại người phụ trách khối.) Deadline của việc nộp này là... không có, nên các bạn được thì nộp sớm, không thì đợi thi nội trú xong rảnh rồi làm. Cuốn khoá luận nộp lại này cần sửa lại nội dung theo lời hội đồng nhận xét, từ cấp độ thạc sĩ trở lên thì cần có chữ ký của hội đồng chấm thi, còn cấp độ Y6 thì không bắt buộc, nếu lo thì các bạn lấy chữ ký của trưởng hội đồng chấm là được.

Sau khi nộp xong, GVHD có thể yêu cầu bạn viết lại để gửi tạp chí, hay đi thuyết trình, việc này tuỳ vào đề tài và GVHD của bạn.

Một số thứ khác

Slide: nói chung các yêu cầu cơ bản là slide sạch đẹp, bỏ mấy cái effect hay phông nền hoa hoè đi, xài font chữ không chân (Arial, Verdana...), có ghi TLTK với cỡ mẫu của nghiên cứu đó và nguồn gốc hình ảnh sử dụng rõ ràng, tập viết tắt, 7 dòng 7 chữ mỗi slide, size chữ lớn nhất nên xài là 28, các dòng cách 1,5 dòng, tên bảng ngắn thôi để bên trên canh lề trái, tên biểu đồ ngắn gọn bên dưới canh giữa, đánh số trang của slide, từ 25-30 slides là đẹp. Các bạn có thể chuẩn bị thêm slide phụ các câu hỏi mình nghĩ có thể bị hỏi, các slide biến số hay tổng quan khi trình chính thức có thể hide và để bên dưới, khi thầy cô hỏi có thể đưa ra.

Format: chủ yếu là về trình bày phần text và TLTK.

Thuyết trình:

  • Nghiên cứu này là nghiên cứu của bạn dưới sự hướng dẫn của GVHD nên khi nói về nghiên cứu dùng từ "chúng tôi".
  • Bình tĩnh tự tin đừng có khóc, thầy cô nhận xét 15’ tai mình ù ù luôn ấy :((((
  • Khi trình nếu sử dụng laser pointer nhớ không nên múa quá nhiều kẻo thầy cô nhìn theo rối luôn.
  • Các thầy cô hỏi hết một lượt, các bạn note lại rồi trả lời chứ không phải trả lời ngay sau khi được hỏi nhé. Nhớ mang giấy bút để note.
  • Nói vừa đủ không nhanh không chậm, nhấn nhá những chỗ hay của nghiên cứu của mình, tối đa 20'

Các đường link download

Chúc các bạn thành công với việc trình khoá luận và tốt nghiệp thật suôn sẻ. Do viết vào cuối năm nên khó tránh khỏi sai sót, nên ếu có lỗi nào mong các bạn góp ý để mình update liền cho đàn em của tụi mình nha! :))))))) 



Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.

Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé

Center Icons

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét