Nhặt nhạnh kinh nghiệm ôn thi nội trú ( Chia sẻ từ một em BSNT khóa 41 Y Hà Nội – Đăng trên HMU Cfs )

 KINH NGHIỆM ÔN THI BSNT

Từ 1 người trải qua kỳ thi nội trú trắc nghiệm năm đầu tiên và đạt kết quả cao (khoe khoang)

Dành cho những bạn đang ôn thi nội trú và có ý định sau này thi nội trú!

Tháng 1 năm ngoái tớ cũng đang hoang mang giữa rừng tài liệu chính, phụ, đồn đại, sát đề… của anh chị cho, bạn bè chia sẻ. Hoang mang hơn khi thấy từng nhóm bạn truyền nhau các tập bí ẩn nhất trong ngành mà ai học y cũng từng nghe tên “tài liệu nội trú” và tháng 6 các bạn thủ thỉ với nhau rằng ôn tập này trúng tập kia trúng. Thậm trí không ít (nhiều thì sát nghĩa hơn) bạn phao tin sai để các bạn khác ôn lệch @@ và rồi các bạn ấy lại là người không đỗ.

Các bạn năm nay và năm sau nữa, trước khi các bạn cày đến tài liệu “riêng” của mình, tài liệu xin cũng được, mua cũng được tùy quan điểm từng người, hãy N-H-Ớ là phải kinh qua (nắm vững ấy) các giáo trình chuẩn sau đã nhé, đừng nghĩ ăn xổi hớt phía trên mà quên cái gốc, cây chắc rễ mới đâm nhiều trái, chớ như giống cây ngắn ngày. Bởi hướng ra đề của thầy cô là chi tiết trong sách và suy luận dựa trên kiến thức cơ bản.

Học theo các bài có trong mục tiêu giảng dậy mà bộ môn gửi cho đầu mỗi kỳ học nhé, nội dung dưới đây đã bao gồm thứ tự ưu tiên đọc cho mỗi môn, ngoại lệ tớ sẽ lưu ý ở dưới.



1. Nội: 2 quyển bệnh học, slide bài giảng thầy cô, vở ghi với sổ lâm sàng của các bạn, trang bệnh học của Bạch Mai (với 1 số bài không có trong sách), lượng giá bằng test hết môn của các năm từ y3-y6.

Tớ thấy có bạn đề cao 1 số tài liệu không chính thống bảo sách các thầy dày quá, cao siêu quá khó học hơn sách kia. Các thầy là người ra đề ơ kìa. Nếu không học được sách các thầy viết thì đừng nói chuyện thi nội trú nữa nhé!

2. Nhi: 2 quyển Nhi xanh hồng, slide bài giảng thầy cô, quyển nhỏ nhỏ bỏ túi lúc đi lâm sàng các giá trị bình thường của Nhi và sổ lâm sàng của các bạn, vở ghi, test từ y4-y6.

3. Ngoại: (đề ngoại sản khó hơn nội nhi năm tớ thi) sgk, slide, vở ghi, sách cấp cứu với sách sau đại học (học những bài trong mục tiêu vì khá nhiều), quyển đề cương của anh Hiếu (không phải chính thống nhưng anh tổng hợp lại từ các nguồn chính thống, có các nội dung trong mục tiêu nhưng lại nằm trong sách cấp cứu với sau đại học, dành cho các bạn không có thời gian đọc 2 quyển này), test từ y3-y6.

4. Sản: (cái này tài liệu chắc nhiều bạn băn khoăn nhất) sgk (cũ nhưng không được bỏ qua), sách thủ thuật, slide, vở ghi, sổ lâm sàng, đề cương anh Hiếu, 2 quyển sản Huế sản Hà Lan (đọc những nội dung có trong mục tiêu nhưng không có trong sgk, bao giờ cũng ưu tiên sgk trước vì 2 quyển này không phải tài liệu chính thống nhé), lưu ý nội dung đái tháo đường thai nghén không có trong mục tiêu nhưng có trong nội dung thi, lượng giá test 3000 câu.


5. Sinh lý: sgk, test y học trực tuyến, test guyton (có bản tiếng Việt thì tốt, theo cá nhân tớ test này làm với những bạn đã ổn ổn các môn khác rồi vì test này dài, khó thuộc, ít trong nội dung thi và nếu vững sgk có thể suy luận được 1 số câu)

6. Giải phẫu: tớ học thầy Huy để nhanh hiểu và tiết kiệm thời gian tự đọc, nếu bạn nào không học có thể học theo tài liệu anh Hiếu, còn nội dung thi năm tớ có 1 số câu (ít thôi) thầy Huy chưa dậy trong tài liệu anh Hiếu chưa viết mà có trong sgk thôi (ít thôi không cần hoang mang) chuẩn ra có thời gian thì học trong sgk, các bạn nên cân đối vì mức độ đóng góp điểm của các môn, lượng giá bằng test sau sgk và trên y học trực tuyến.

7. Hóa sinh: sgk, test 6 đề ngoài quán photo.

8. Sinh học: sgk, test quán photo (dễ tìm thôi ra hỏi là có mà)

9. Tiếng Anh: đợi gần thi mua test 10 đề để học thuộc nhé.

Kết lại:

1. Nhấn mạnh sgk, slide, những điều bạn tích cóp ghi chép của thầy cô.

2. Trong giai đoạn 2 tháng nước rút, thời gian tổng hợp lại 8 môn, chia bài theo ngày và ghép cặp hợp lý. Tớ ôn nội nhi sinh lý cũng nhau (ví dụ cả 3 môn đều ôn chương tiêu hóa 1 ngày chẳng hạn), ngoại sản giải phẫu cùng nhau, còn hóa sinh sinh học xen kẽ vào cho không quên.

3. Hy vọng các bạn không học thuộc đáp án (trước đây tớ cũng từng có suy nghĩ ấy), mà có thuộc thì trúng cũng ít, thời gian ấy đã lĩnh hội được nhiều kiến thức khác. Ngân hàng đề nhiều thì cũng nhiều nhưng mỗi năm lộ ra thì sẽ thành ít và các thầy vài năm lại phải tìm phương án đối phó lại vấn đề này. Tớ và không ít người vẫn luôn mong muốn kỳ thi này là thiêng liêng là đáng nhớ, có ganh đua nhưng đừng đố kỵ, ích kỷ, cơ hội, và đừng vì nội trú mà mất đi nhiều thứ quý giá. Bác sĩ nội trú là người có óc tư duy, nếu bạn không đủ khả năng hãy nhường cơ hội cho người khác, nhé.

4. Tuy là quan điểm cá nhân thôi nhưng tớ cũng biết nhiều bạn đứng top cũng bám lấy tài liệu chính thống để vượt qua kỳ thi này chứ không hề có cái “tài liệu nội trú” thần thánh nào khác cả.

5. Lời cuối rồi (dài quá và làm mất nhiều thời gian của người đọc quá phải không) tớ chúc các bạn luôn tỉnh táo nhìn nhận mọi vấn đề của kỳ thi này, ôn tập thật tốt, để được chào đón 1 thế hệ tiếp theo cùng tớ (vừa được mấy tháng) vào với thế giới bác sĩ nội trú, mong rằng sẽ là thế hệ bác sĩ nội trú vừa có tài có tâm như đàn anh đàn chị, thế hệ các thầy nhà mình các bạn nhé!

P/s: Chia sẻ từ một em BSNT khóa 41 Y Hà Nội – Đăng trên HMU Cfs



Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.

Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé

Center Icons

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét