Sốt
Bạn phải đánh giá triệu chứng sốt khi bà mẹ cho biết trẻ có sốt trong lần khám này mặc dù hiện tại sờ không nóng và thân nhiệt dưới 37,5 độ C do:
- Trẻ mới dùng hạ nhiệt
- Sốt không liên tục
- Hoặc bệnh nặng nhưng sốt giảm như sốc Dengue
Dấu hiệu cổ cứng
- Tìm khám dấu hiệu cổ cứng
- Nói chuyện với trẻ khi khám: xem trẻ có cử động, tự gập cổ hay nhìn xung quanh dễ dàng? Nếu có tức là trẻ không có cổ cứng.
- Hoặc tìm cách hướng trẻ nhìn xuống đầu ngón chân xem trẻ có tự gập cổ khi nhìn đầu ngón chân?
- Nếu không thấy trẻ gập cổ hãy để trẻ nằm ngửa trên giường lấy một tay đỡ nhẹ lưng và vai, tay kia đỡ đầu trẻ. Sau đó gập nhẹ nhàng đầu trẻ về phía ngực. Nếu cảm thấy cổ cứng hay cổ gượng lại khi gập là có dấu hiệu cổ cứng.
Dấu hiệu thóp phồng
- Tìm khám dấu hiệu thóp phồng
Bảo mẹ của trẻ bế trẻ tư thế ngồi, dỗ trẻ không khóc. Bạn dùng lòng bàn tay vuốt nhẹ trên đường giữa đầu từ sau ra trước. Nếu thóp trước phồng sẽ cảm nhận thấy thóp trước gồ lên
Khám mất nước
Khi trẻ bị mất nước, đầu tiên trẻ sẽ vật vã kích thích. Nếu vẫn tiếp tục mất nước trẻ trở nên li bì hoặc khó đánh thức.
Vì cơ thể trẻ bị mất nước, mắt có thể trũng. Khi véo da, nếp véo da mất chậm hoặc rất
Tìm và khám các dấu hiệu sau:
Quan sát toàn trạng của trẻ: Trẻ có thể bị li bì hoặc khó đánh thức không? Có vật vã kích thích không?
Khi bạn kiểm tra các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân, bạn phải xem trẻ có li bì hoặc khó đánh thức không. Nếu trẻ li bì hoặc khó đánh thức nghĩa là có dấu hiệu nguy hiểm. Hãy nhớ dùng dấu hiệu nguy hiểm này để phân loại bệnh tiêu chảy của trẻ.
Nếu trẻ có dấu hiệu vật vã kích thích, xem trẻ có vật vã và quấy khóc cả lúc được mẹ âu yếm và được bế không. Nếu trẻ nằm yên khi cho chúng bú nhưng lại vật vã và quấy khóc khi dừng cho bú, nghĩa là có dấu hiệu “vật vã kích thích”. Nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi khi đến phòng khám. Nhưng thông thường những trẻ này có thể giỗ nín và giữ yên được. Chúng không có dấu hiệu “vật vã kích thích”.
Tìm dấu hiệu mắt trũng.
Khi bị mất nước thì mắt trẻ có thể trũng. Hãy xác định trẻ có mắt trũng hay không. Nếu bạn không chắc chắn thì hãy hỏi bà mẹ xem mắt trẻ có khác thường không. ý kiến của bà mẹ sẽ giúp bạn xác định được trẻ có mắt trũng không.
Chú ý: ở những trẻ suy dinh dưỡng nặng, cơ thể gầy mòn rõ rệt(những trẻ suy dih dưỡng thể teo đét), mắt thường trũng, ngay cả khi trẻ không mất nước. Mặc dù mắt trũng là dấu hiệu ít tin cậy ở trẻ gầy, dấu hiệu này vẫn được sử dụng để phân loại độ mất nước ở trẻ.
CHO trẻ uống nước. Trẻ có không uống được hoặc uống kém không? Có uống háo hức hoặc khát không?
Đề nghị bà mẹ cho trẻ uống một chút nước bằng cốc hoặc thìa. Hãy quan sát trẻ uống.
Trẻ không uống được nghĩa là trẻ không tự nuốt được khi đổ nước hoặc sữa vào miệng trẻ. Trẻ không uống được vì trẻ trong trạng thái ngủ li bì hoặc khó đánh thức.
Trẻ uống kém khi trẻ yếu và không thể uống nước nếu không có sự giúp đỡ. Trẻ chỉ có thể nuốt nếu đã đưa vào miệng.
Trẻ có dấu hiệu uống nước háo hức, khát nghĩa là trẻ muốn uống nước một cách rõ ràng. Hãy nhìn xem trẻ có lấy cốc nước hoặc thìa khi bạn đưa nước cho trẻ không. Khi đưa nước ra xa, hãy nhìn xem trẻ có khó chịu bởi vì trẻ muốn uống thêm không.
Nếu trẻ uống nước chỉ khi được khuyến khích và không muốn uống thêm thì không có dấu hiệu uống háo hức, khát.
Véo da bụng, Nếp véo da mất rất chậm (trên 2 giây)? hay mất chậm?
Đề nghị bà mẹ đặt trẻ em nằm ngửa trên bàn khám để lưng thẳng và hai tay ở hai bên (không để trên đầu), chân duỗi thẳng hoặc đề nghị bà mẹ bế trẻ nằm thẳng trong lòng bà mẹ. Vị trí để véo nếp da ở bụng trẻ là ở giữa đường nối từ rốn đến thành bụng. Để khám nếp véo da, hãy sử dụng ngón cái và ngón trỏ. Không được dùng đầu ngón tay vì sẽ gây đau. Đặt tay của bạn để khi véo da sao cho nếp gấp của da sẽ ở trên đường dọc theo thân trẻ và không nằm ngang. Nhấc tất cả lớp da và các lớp dưới da. Giữ trong một giây và sau đó thả ra. Khi bạn thả nếp da, hãy nhìn xem nếp véo da có:
- Mất rất chậm.
- Mất chậm.
- Mất nhanh.
Nếu bạn vẫn có thể nhìn thấy nếp da rõ ràng (trên 2 giây) sau khi thả tay ra, hãy xác định là trẻ có dấu hiệu nếp véo da mất rất chậm.
Nếu bạn vẫn có thể kịp nhìn thấy nếp da trong một thời gian rất ngắn sau khi bạn thả tay ra, hãy xác định là nếp véo da mất chậm.
Chú ý: ở trẻ suy dinh dưỡng thể teo đét marasmus (suy dinh dưỡng nặng) nếp véo da mất rất chậm ngay cả khi trẻ không bị mất nước. Nếp véo da cũng ít tin cậy ở những trẻ bụ bẫm hoặc trẻ bị phù nhưng chúng ta vẫn sử dụng để phân loại độ mất nước của trẻ.
Kĩ năng đếm nhịp thở
Kỹ năng đếm nhịp thở:
- Đếm nhịp thở ở trẻ em tương đối khó khăn vì trẻ thường sợ hãi, quấy khóc, kích thích nhất là khi trẻ bị bệnh. Để đảm bảo độ chính xác cần phải: Đếm nhịp thở khi trẻ thức, yên tĩnh, không quấy khóc, giẫy đạp, không bú hoặc ăn uống. Đếm nhịp thở trong thời gian đúng 1 phút.
- Chú ý:
+ Vì trẻ khó nằm yên nên có thể đếm nhịp thở trong lúc trẻ ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng khi trẻ ngủ nhịp thở có thể giảm đi 4 – 5 nhịp /1 phút so với lúc thức.
+ Nếu thấy trẻ đang ngủ hoặc nằm yên, sau khi hỏi bệnh thấy trẻ có ho hoặc khó thở thì nên đếm nhịp thở ngay trước khi khám các dấu hiệu khác có thể làm cho trẻ quấy khóc.
3.1. Tiến hành đếm nhịp thở:
– Chuẩn bị dụng cụ, người đếm, bệnh nhân:
+ Đồng hồ bấm giây chuyên dùng hoặc đồng hồ đeo tay có kim giây.
+ Có thể có 2 người phối hợp đếm nhịp thở, nhưng thường chỉ cần 1 người.
+ Giải thích cho gia đình trẻ, dỗ cho trẻ nằm yên tĩnh, không bú hay gắng sức.
– Tiến hành đếm:
+ Quan sát trẻ thở để tìm di động ngực bụng khi trẻ thở. Trẻ dưới 2 tuổi thường thở bụng là chủ yếu, do đó nên nhìn phần bụng. Trẻ lớn hơn thì thở hỗn hợp ngực bụng.
+ Nếu là 2 người đếm thì một người nhìn đồng hồ và báo hiệu giờ bắt đầu đếm và giờ kết thúc 1 phút đếm, còn người kia đếm nhịp thở, mỗi 1 lần ngực bụng di động lên rồi xuống được tính là 1 nhịp thở.
+ Nếu chỉ 1 người đếm:
- Để đồng hồ ở vị trí sao cho mắt người đếm có thể đồng thời nhìn được kim giây đồng hồ chạy và di đông của ngực bụng (mắt người đếm, đồng hồ, ngực bụng trẻ ở trên cùng 1 đường thẳng).
- Bấm đồng hồ cho bắt đầu chạy (đối với đồng hồ bấm giây) hoặc ghi nhận thời điểm bắt đầu đếm trên đồng hồ đeo tay. Đồng thời bắt đầu đếm nhịp thở. Mỗi 1 lần ngực bụng di động lên rồi xuống được tính là 1 nhịp thở.
- Khi kim đồng hồ chạy đủ 60 giây thì ngừng đếm.
– Ghi lại số nhịp thở vừa đếm được vào phiếu ghi.
Kĩ năng tìm dấu hiệu rút lõm lồng ngực
Kỹ năng tìm dấu hiệu rút lõm lồng ngực
4.1. Chuẩn bị bệnh nhân:
Giải thích cho gia đình giữ cho trẻ nằm yên tĩnh, không bú hay gắng sức.
4.2. Tiến hành:
- Bộc lộ toàn bộ lồng ngực phía trước và hai bên của trẻ.
- Quan sát di động lồng ngực theo nhịp thở.
- Nhìn phần dưới của lồng ngực:
- Nếu phần này lõm vào khi trẻ hít vào trong khi các phần khác của lồng ngực phình ra thì xác định là có dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu này phải rõ ràng và thường xuyên khi trẻ nằm yên.
- Cần nhìn cả hai bên lồng ngực. Nếu không nhìn rõ thì thay đổi hướng quan sát để nhìn rõ hơn.
- Nếu thấy dấu hiệu này không rõ ràng và không xuất hiện thường xuyên thì xác định là không có rút lõm lồng ngực
- Cần phân biệt dấu hiệu này với dấu hiệu co kéo cơ liên sườn. Trong dấu hiệu co kéo cơ liên sườn, chỉ có phần mềm giữa các xương sườn lõm vào.
Kỹ năng tìm tiếng thở rít:
5.1. Chuẩn bị bệnh nhân:
Giải thích cho gia đình giữ cho trẻ nằm yên tĩnh, không bú hay gắng sức.
5.2. Tiến hành:
– Quan sát trẻ thở.
– Nhẹ nhàng ghé tai vào gần mũi trẻ trong khi mắt vẫn nhìn được di động ngực bụng theo nhịp thở của trẻ.
– Nghe tiếng trẻ thở:
+ Nếu nghe thấy có tiếng thở thô ráp ở thì hít vào thì xác định là có tiếng thở rít.
+ Cần phân biệt với các tiếng khác như tiếng khụt khịt do tắc mũi hoặc tiếng khò khè ở thì thở ra. Nếu do tắc mũi nên làm sạch mũi hoặc hút sạch đờm cho trẻ rồi tiến hành nghe lại xem có tiếng thở rít hay không.
Kiểm tra xem trẻ không bú hoặc không uống được
- Hỏi bà mẹ trẻ có uống hoặc bú được không? Nếu bà mẹ nói rằng trẻ không uống và bú được, hãy đề nghị bà mẹ mô tả xem đã thấy trẻ thế nào khi cho trẻ uống hoặc bú mẹ, trẻ có thể không uống, không bú mút được hoặc uống, bú mút rất kém khi để cốc nước hoặc vú vào môi trẻ, trẻ không đáp ứng được, không ngụm được nước, hoặc ngụm được nước nhưng không nuốt được ngụm nước.
- Nếu bà mẹ không trả lời được chắc chắn, đề nghị bà mẹ cho trẻ uống nước sạch, sữa mẹ hoặc vắt sữa vào môi trẻ và đưa vú vào miệng trẻ và quan sát. Nếu trẻ không ngụm được nước và nuốt hoặc trẻ không bắt vú như vậy là trẻ sẽ không uống nước và bỏ bú.
- Chú ý: Trẻ có thể khó bú mút khi bị tắc mũi, làm sạch mũi bằng nước sinh lý hoặc nhỏ mũi (Sulfarin 1%) và làm sạch niêm mạc mũi rồi cho trẻ bú. Nếu trẻ có thể bú và uống được sau khi làm sạch mũi, là trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân; không uống được hoặc bỏ bú.
- Khi trẻ không uống hoặc bú được là trẻ mắc các bệnh nặng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, hôn mê… cần phải chuyển gấp đi bệnh viện.
Kĩ năng kiểm tra triệu chứng nôn tất cả mọi thứ
- Hỏi bà mẹ xem trẻ có nôn ra tất cả mọi thứ sau khi cho trẻ ăn, uống hoặc bú mẹ.
- Khi trẻ nôn ra tất cả mọi thứ là trẻ không thể giữ lại thức ăn, nước uống và ngay cả thuốc, nôn vọt dữ dội làm trẻ mệt mỏi, mất nước. Cần hỏi nôn bao nhiêu lần trong một ngày, một buổi hoặc một giờ. Trẻ có nôn các thức ăn và nước uống hoặc nôn muộn có nhầy, máu, nước vàng ra hay không? Khối lượng một lần nôn có nhiều hơn hoặc ít hơn lượng nước, sữa, thức ăn ăn vào. Nôn chỉ sẩy ra sau khi ăn, hay lúc nào cũng nôn.
- Chú ý: Khi trẻ bị ép ăn, khi ho trẻ cũng có thể nôn ra thức ăn, nhưng không phải là trẻ nôn ra mọi thứ.
- Nếu không chắc chắn về câu trả lời của bà mẹ, hãy đề nghị bà mẹ cho trẻ uống nước hoặc bú và quan sát xem trẻ có nôn ra mọi thứ không?
- Khi trẻ nôn ra mọi thứ là nôn liên tục dữ dội, thường kèm theo với tình trạng mất nước, mệt mỏi, sợ hãi.
- Nôn ra tất cả mọi thứ là dấu hiệu nặng biểu hiện của các bệnh viêm não, màng não, u não hoặc các bệnh cấp cứu ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc. Trẻ có dấu hiệu nôn ra mọi thứ cần được cấp cứu và chuyển viện ngay.
Kĩ năng kiểm tra triệu chứng co giật
- Hỏi bà mẹ xem lần này trẻ có co giật không? Nên dùng từ dễ hiểu và phổ thông như cơn động kinh hoặc co cứng.
- Trẻ bị co giật: Chân co cứng, cơ bị co rút lại làm tay co chặt vào thân, chân ruỗi cứng, mắt trợn ngược, mắt nhắm. Co giật có thể từng cơn, trẻ mất ý thức và không đáp ứng với tiếng động khi co giật, trẻ có thể đái dầm khi co giật.
- Trẻ có run giật nhẹ ở tay chân khi mới ngủ và hết khi ngủ say không phải là trẻ co giật.
- Trẻ co giật có thể đi kèm với sốt cao hoặc tình trạng nhiễm khuẩn nặng như viêm não, viêm màng não hoặc rối loạn chuyển hoá như mất nước ưu trương, đẳng trương, thiếu can xi hoặc có tiền sử động kinh trước đó.
- Co giật là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải chuyển trẻ đi bệnh viện để tiến hành chẩn đoán và điều trị cấp cứu.
Kĩ năng kiểm tra dấu hiệu ngủ li bì khó đánh thức
- Hỏi bà mẹ xem trẻ không tỉnh táo và ngủ li bì không quan tâm tới xung quanh từ bao giờ?
- Quan sát và hỏi chuyện, kích thích trẻ bằng vỗ tay, lắc trẻ để đánh giá trẻ thức tỉnh táo hay li bì – hôn mê.
- Trẻ ngủ gà là trẻ không quan tâm tới những gì xảy ra xung quanh, khi đánh thức trẻ choàng tỉnh sau đó lại ngủ tiếp.
- Trẻ li bì khi trẻ không nhìn mẹ hoặc không nhìn mặt bạn khi hỏi chuyện, hoặc nhìn thẫn thờ không quan tâm đến xung quanh.
- Trẻ khó đánh thức, là trẻ không đáp ứng khi chạm vào người, lay hoặc hỏi chuyện.
Cần chú ý hỏi xem trước đó trẻ có dùng các thuốc an thần hoặc thuốc ngủ không?
Kỹ năng khám dấu hiệu gầy mòn nặng rõ rệt
Trẻ có dấu hiệu này là trẻ rất gầy , chỉ còn da bọc xương và là thể suy dinh dưỡng năng cần được điều trị và chuyển đi bệnh viện. Khi khám:
- Trẻ cần được cởi quần áo .
- Hãy tìm dấu hiệu gầy mòn nặng rõ rệt ở cơ vai, cánh tay, mông và chân.
- Hãy xem các xương sườn của trẻ có nhìn thấy dễ dàng không .
- Nhìn hông của trẻ có nhỏ hơn khi so sánh với ngực và bụng không .
- Quan sát từ phía bên xem lớp mỡ dưới mông có bị mất không.
Khi gầy mòn nặng rõ rệt, mông và đùi trẻ sẽ có nhiều nếp da ( nhìn giống như mặc quần rộng ).
Nếu có dấu hiệu này hãy khoanh tròn dấu hiệu trên vào phiếu ghi .
Kĩ năng khám dấu hiệu lòng bàn tay nhợt
Lòng bàn tay nhợt nhạt là dấu hiệu không bình thường của da, đó là dấu hiệu của thiếu máu.
- Để khám lòng bàn tay nhợt hãy nhìn vào da lòng bàn tay trẻ , giữ cho lòng bàn tay trẻ
mở ra bằng cách nắm nhẹ nhàng phía bên cạnh , không nên duỗi ngửa các ngón tay
ra phía sau( động tác này có thể tạo ra dấu hiệu nhợt nhạt do cản trở sự cung cấp máu ).
- So sánh lòng bàn tay trẻ với lòng bàn tay của trẻ khác, với bạn hoặc bàn tay của bà mẹ.
+ Nếu lòng bàn tay trẻ nhợt màu hơn ——> trẻ có lòng bàn tay nhợt .
+ Nếu lòng bàn tay trẻ rất nhợt ( gần như trắng bệch ) —-à lòng bàn tay rất nhợt .
Tích dấu Ö vào dấu hiệu nhợt hoặc rất nhợt trong phiếu ghi.
Kĩ năng khám dấu hiệu phù
Trẻ bị phù cả hai chân có thể trẻ bị Kwashiorkor , một thể của suy dinh dưỡng nặng .
Cách khám phù chân : khám cả hai mu chân .
Dùng ngón tay cái của bạn ấn nhẹ nhàng vài giây lên mu bàn chân ——–>Nếu có vết lõm
còn lại trên mu chân trẻ ——-> Trẻ bị phù .
Khoanh tròn vào dấu hiệu này trong phiếu ghi.
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.
Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé