HỎI BỆNH SAO CHO HIỆU QUẢ ?
- Hỏi bệnh rất quan trọng, đừng ngắt lời bệnh nhân vì mọi chi tiết họ nói đều có thể là dữ kiện để chẩn đoán
- Y3 mới đi bệnh viện thường gặp khó trong giao tiếp người bệnh, vài bạn than với mình là hỏi bệnh nhân không trả lời, bạn khác lại nói không biết hỏi cái gì nữa.
- Dĩ nhiên có người dễ tính, người khó tính nhưng hỏi ai cũng không trả lời thì bạn có vấn đề.
- Có một vài kinh nghiệm có thể giúp các bạn hỏi bệnh tốt hơn:
1. Hãy tạo một ấn tượng đầu tiên tốt
Đừng nên bắt đầu tiếp xúc bệnh nhân bằng câu : "tại sao cô/ chú nhập viện ?". " Tên gì, ở đâu, mấy tuổi...". Nếu lịch sự người ta vẫn trả lời nhưng sẽ hay hơn khi bắt đầu bằng một vài câu hỏi xã giao như: "chú ơi hôm nay khoẻ hơn chưa?" hay là " cô bệnh vầy rồi ai nuôi cô?" " nhà có mấy đứa con?". Khi đã quen với bạn, một vài bệnh nhân sẽ tự động khai hết triệu chứng cho bạn nghe mà không cần hỏi.
2. Hãy tỏ ra quan tâm
Tuy khó có thể xem người bệnh như người thân của mình, nhưng vẫn nên đồng cảm với cảm xúc của bệnh nhân. Ví dụ như bạn đang tươi cười hớn hở làm quen, khi hỏi tới bệnh nhân nói "bệnh hoạn vậy không ăn Tết gì được hết bác sĩ ơi", thì nên đổi thái độ sang cảm thông và nói "dạ vậy cũng xui quá hén" hoặc ít nhất là dập tắt nụ cười đi.
3. Hãy cho người ta biết bạn đang lắng nghe
Y3 có một thói quen đó là vừa hỏi bệnh vừa ghi vào sổ, bệnh nhân khai bệnh, bạn ừ à cho có lệ rồi hý hoái ghi ghi chép chép, người ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Thay vì vậy bạn hãy cố nhớ chi tiết triệu chứng mà không cần ghi, và mỗi khi bệnh nhân khai bạn phải phản hồi lại bằng lời nói và cử chỉ, ví dụ như: àh vậy hả, dạ,....kèm cái gật đầu, nhìn thẳng.
4. Hãy tóm tắt lại
Bệnh nhân có thói quen khai rất nhiều, đôi khi đi hơi xa, bạn hãy kéo họ trở lại bằng cách tóm lại các vấn đề họ đã khai, một là để tiếp tục hỏi, hai là để kiểm chứng xem mình hiểu đúng không.
5. Hãy biết lựa thời điểm
Lúc bệnh nhân dễ khai thác bệnh sử nhất là lúc vừa vào viện, họ đang rất lo lắng và sẵn sàng khai hết mọi vấn đề khi được hỏi, điều này nên được làm trong đêm trực. Và ngược lại đừng lựa lúc bệnh nhân đang ăn cơm hay đang ngủ mà vào hỏi bệnh nhé các bạn.
6. Hãy sẵn sàng
Nhiều bạn hỏi bệnh vài câu xong chút lại chạy ra hỏi lại vì quên này kia, tốt nhất bạn nên soạn sẵn ra rồi học thuộc lòng. Vì đâu phải triệu chứng nào cũng có 7 thuộc tính, chả lẽ bệnh nhân ho ra máu bạn lại hỏi...lan hướng nào sao? Ví dụ gặp bệnh nhân khó thở thì phải hỏi những thuộc tính gì, bạn soạn ra AEROS gồm A: asociated, E: exacerbate, R: relieve, O: onset, S: severity, rồi áp vô ngay.
* Chú ý, những điều trên không áp dụng được trong ngày thi lâm sàng nhe mấy đứa, chỉ có 30 phút vừa hỏi vừa khám thôi, thời gian đâu mà tạo thiện cảm. Tốt nhất là cứ thú thiệt với bệnh nhân là "bữa nay con thi, cô chú giúp con giùm".
Tóm lại:
Hiện nay sinh viên Y3 rất đông, còn có cả Y4-6, nếu các bạn muốn hỏi bệnh được tốt thì nên tranh thủ lúc sáng sớm và trong các đêm trực, chịu khó một chút sẽ được thực hành nhiều hơn. Hỏi bệnh chính là giao tiếp nên các bạn hãy tìm hiểu thêm về kĩ năng giao tiếp, cả về ngôn ngữ và lời nói.
Chúc các bạn học tốt
4 câu hỏi dành cho sinh viên Y3 lần đầu đi bệnh viện
LỜI KHUYÊN KHI HỌC TRIỆU CHỨNG
( dành cho Y3)
Muốn học hiệu quả bạn phải chú ý 4 câu hỏi sau
1. HOW ? (như thế nào)
- Diễn giải: Ý nghĩa câu hỏi này là định nghĩa về một triệu chứng là gì, làm thế nào để tìm được nó
- Sai lầm thường gặp: đọc những nguồn không chuẩn dẫn đến từ đầu đã hiểu sai. Giả sử bạn cầm cây thước đi đo đồ đạc, nếu từ đầu cây thước của bạn đã bị lệch thì bạn đo cái gì cũng sai.
- Ví dụ:
+ Bạn mô tả bệnh nhân có mỏm tim lệch trái nhưng định nghĩa lệch trái thì phải dựa vào trung đòn trái, đến khi kêu xác định đường trung đòn trái thì bạn lại nói là nó đi qua.... điểm niệu quản trái !!! (đã gặp)
+ Bạn mô tả bệnh nhân có tĩnh mạch cổ nổi nhưng khi hỏi bạn khám ở tư thế nào thì lại nói là bệnh nhân nằm...đầu ngang.
- Giải quyết: đọc Nội cơ sở Y Hà Nội hoặc Y TPHCM, đọc thêm Bate's Guide Examination.
- Mức độ: THUỘC LÒNG
2. WHY ? ( tại sao)
- Diễn giải: bạn nên tìm cách giải thích được cơ chế của những triệu chứng. Đơn giản là hiểu lúc nào dễ làm hơn là không hiểu, cố đừng làm "thợ" ( không hiểu mà làm).
- Sai lầm thường gặp: nguy hiểm nhất là hiểu nhầm
- Ví dụ:
+ Bạn nói bệnh nhân có tràn khí màng phổi, mình hỏi sao biết thì bạn nói nghe được....rale nổ rải rác 2 bên vì từ đầu bạn đã không hiểu tại sao có rale nổ ( đã gặp)
+ Bạn nói bệnh nhân suy tim bị phù chân, mình hỏi phù thế nào thì bạn nói là phù ..... 1 bên chân vì bạn không hiểu cơ chế phù (đã gặp)
- Giải quyết: Sinh Lý Bệnh Y Hà Nội, đọc thêm quyển Mechanism of Clinical Signs.
- Mức độ: HIỂU
3. WHICH ? ( cái nào)
- Diễn giải: Trong một triệu chứng, bạn phải nắm điểm mấu chốt (key point) cần khai thác là gì.
- Sai lầm thường gặp: khai thác tràn lan nhưng bỏ sót "key"
- Ví dụ:
+ Bạn nói bệnh nhân đau ngực điển hình do mạch vành, mình hỏi thì bạn mô tả đầy đủ thuộc tính như trong sách nhưng khi hỏi khởi phát lúc nào thì bạn lại quên hỏi ( rủi đau ngực khi ăn thì sao?)
+ Bạn nói bệnh nhân khó thở, chỉ nghĩ do suy tim vì bệnh nhân phải ngồi dậy để thở, mình hỏi bạn đợt cấp COPD bệnh nhân thích ngồi hay nằm để thở? ( suy hô hấp nói chung bệnh nhân luôn có xu hướng ngồi dậy để thở )
- Giải quyết: chủ yếu là hỏi thầy cô, tìm hiểu Chỉ số khả dĩ Likehood Ratio để hiểu triệu chứng nào thật sự có giá trị, đọc thêm quyển Mechanism.
- Mức độ: BIẾT
4. WHAT ELSE ? ( còn gì nữa không)
- Diễn giải: mình khuyên các bạn Y3 khi gặp một triệu chứng trong đầu nên nảy ra ngay tất cả những nguyên nhân thường gặp. Có những thứ không đi tìm sẽ không bao giờ thấy, mà không nghĩ tới thì sẽ không bao giờ đi tìm. ( ví dụ: tiếng cọ màng phổi)
- Sai lầm thường gặp: chỉ biết mỗi 1 nguyên nhân, rất dễ bị neo lại ở 1 hướng suy nghĩ (anchoring bias)
- Ví dụ:
+ Bạn nói bệnh nhân đau ngực, và bạn chỉ biết mỗi đau ngực do mạch vành, khi khai thác bạn sẽ cố tìm cho ra những đặc điểm của đau thắt ngực mà hoàn toàn bỏ sót màng phổi và thành ngực.
+ Bạn gặp bn có tm cổ nổi, bạn chỉ biết suy tim phải, tìm hoài không thấy phù gan to gì cả, bệnh nhân lại khó thở dữ dội vì bạn hoàn toàn không nghĩ tới chèn ép tim cấp.
- Giải quyết: tìm hiểu khái niệm Mmemonic, ví dụ : gặp bệnh nhân ngất, trong đầu bay ra nguyên nhân ngất là "WOMAN 321" , ngay lập tức sẽ hiện ra được 4-5 chẩn đoán phân biệt và bắt đầu tìm, tránh bỏ sót.
- Mức độ: NÊN TÌM HIỂU
* Câu 1 và 2 cố giải quyết một mình
* Câu 3 và 4 cần hỗ trợ, đừng ngại hỏi thầy cô nhé
MỘT VÀI CHIA SẺ CÁ NHÂN CỦA MÌNH
CHÚC CÁC BẠN HỌC TỐT
BS GẤU #gauctump
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.
Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé