Mình đã tự học tiếng Anh như thế nào? (Hướng dẫn chi tiết)

 Phần 1: Động lực và mục tiêu


Sơ qua một chút, em nghĩ các bác ai cũng muốn 1 ngày nào đó mình có thể dùng tiếng Anh cả 4 kỹ năng chứ ko còn phải học nữa, nhưng mà để đến được cái mốc đó thì cũng khá là trầy trật và cần quyết tâm đủ lớn. Ngày đó em tình cờ lang thang trên chính VOZ này và nghe bác nào đó nói rằng: Chỉ khi nào xem việc giỏi tiếng Anh trở thành yếu tố quyết định cho thành công của mình thì lúc đó mình mới nghiêm túc học được. Câu nói đó cộng thêm 1 vài biến cố cá nhân khiến em quyết tâm phải học thành công tiếng Anh.

Nên em nghĩ các bác cũng cần có cho mình 1 lý do đủ lớn để bắt các bác phải đều đặn học hằng ngày, vì học tiếng Anh tiến bộ nhanh nhất thì cần phải có mtr để liên tục tắm mình vào đó, các bác sẽ khó mà học tiếng Anh thành công nếu chỉ học nửa vời bữa đực bữa cái. Do đó, đầu tiên các bác cần có cho mình 1 kế hoạch và mỗi ngày nên dành ít nhất từ 1-2h để tập trung học và duy trì liên tục như vậy, nếu dành nhiều time hơn thì sẽ tốt hơn.

Tại sao lại học liên tục hằng ngày? Vì thật sự học ngôn ngữ nó giống như trầm tích, hôm nay học ngày mai sẽ chưa thấy khác ngay, nhưng quá trình liên tục bồi đắp như vậy sẽ dần dần thấm tiếng Anh vào mình, do vậy, việc duy trì đều đặn là điều cần thiết, còn kiểu nay học mai nghỉ tháng sau học thì rồi thì thời gian trôi qua và các bác vẫn sẽ dậm chân tại chỗ, và tiếp tục loay hoày tìm pp này, pp kia,...

Về mục tiêu thì các bác cần có cho mình 1 mục tiêu cụ thể đo lường được, vd như IELTS hay TOEFL target bn (em khuyên 2 loại này vì đủ cả 4 kỹ năng) chứ mông lung kiểu để giao tiếp, phục vụ cv … đồng ý học cũng là để sử dụng thực tế nhưng giai đoạn đầu thì nên có mục tiêu cụ thể thì dễ bám theo hơn.

Xong phần 1, giờ chúng ta bắt đầu đi vào chi tiết, đầu tiên cần tư duy lại về cách học tiếng Anh hiệu quả.

Phần 2: Nền tảng và cơ sở

Như các bác đã biết thì 4 kỹ năng (Nghe, nói, đọc viết) sẽ bổ trợ cho nhau nhưng chúng ta cần nắm được cốt lõi của việc giỏi từng cái sẽ cần gì, có như vậy thì việc học mới có hiệu quả được và khi tự học thì cũng biết cách học ntn cho đúng.

Đầu tiên, các bác cần nắm được nền tảng chung để giỏi tiếng Anh sẽ là: luyện tập nhiều (cái này thì ko phải bàn rồi), vốn từ vựng rộng + sâu. Em để phần này đầu tiên vì xuyên suốt 4 kỹ năng sẽ luôn là luyện tập và luyện tập, và vốn từ vựng càng rộng và sâu thì càng bổ trợ toàn diện cho cả 4 kỹ năng.

Trên nền tảng này thì:

- Muốn giỏi Nghe: cần nắm vững phát âm.

Các bác ko thể nghe tốt nếu các bác phát âm ko chuẩn, khi đó dù có biết từ đó trên giấy nhưng cũng sẽ ko thể nghe ra được.

- Muốn giỏi Nói: cần Nghe tốt và Viết tốt.

Khi chúng ta dần nghe được người bản xứ nói thì đó là lúc chúng ta bắt đầu nói được những từ đầu tiên, và khi nghe càng giỏi, nghe quen đủ loại giọng, đa dạng nhiều tình huống thì việc nói theo đó sẽ tốt dần lên.

Thế thì đầu tiên, các bác hãy nghe thật nhiều và đa dạng vào, và hãy nghe những gì mà dân bản xứ họ nghe ấy, chứ ko phải nghe những cái được soạn lại cho người học tiếng Anh. Và cũng đừng đặt nặng chuyện nghe những lần đầu phải hiểu cho rõ, cho tường tận vì nhắc lại: học tiếng Anh là 1 quá trình trầm tích, cứ nghe thật nhiều và đủ kiên nhẫn thì rồi bất chợt đến 1 lúc, tự nhiên các bác sẽ nghe được những gì người bản xứ nói.

Còn tại sao phải Viết tốt? Vì có thể hình dung Viết chính là việc chúng ta đang “nói”, chỉ là phải chậm lại và có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn. Khi viết thì chúng ta bắt buộc phải lựa chọn câu từ, phân tích ý, diễn đạt,… chính việc này sẽ giúp các bác dần hiểu sâu từ vựng, ngữ pháp cũng như thật sự dùng được nó chứ ko đơn thuần chỉ là nhớ ở mức bề mặt. Và khi làm tốt việc này, rõ ràng lúc nói các bác sẽ bắt đầu có ý thức nói sao cho hay, câu cú rõ ràng, đúng ngữ pháp, biết tình huống nào nên dùng từ này, lúc nào nên dùng từ kia.

Khi đó thì việc nói của các bác đã bắt đầu được nâng dần lên, tránh kiểu rơi vào TH nói tiếng Anh bồi.

Như vậy nếu theo công thức này, muốn giỏi Nói thì chỉ cần phát triển mạnh Nghe và Viết trên nền tảng là luyện tập nhiều + phát triển vốn từ. Thử nghĩ lại xem, lâu nay các bác cứ lao vào luyện nói nhưng các bác đã nghe tốt chưa? và đã viết được chưa? Nếu chưa thì làm sao có thể nói tốt được? Có chăng chỉ là các bác sẽ tăng được phản xạ khi luyện nhiều mà thôi, còn lại sẽ luôn bị tắc ý khi nói, hoặc ráp từ câu thiếu trật tự, ko chuẩn ngữ pháp,…

- Muốn giỏi Đọc: đơn giản là cần đọc nhiều và có vốn từ vựng rộng.

Đọc nhiều và phải đa dạng, từ các thể loại tin tức, đến văn học, MXH,… trên nhiều chủ đề để mở rộng được vốn từ và thấm được từng loại văn phong, từ đó làm nền tảng cho việc phát triển kỹ năng Viết.

Đọc nhiều cũng sẽ giúp hoàn thiện và củng cố ngữ pháp cho các bác. (Em sẽ đi chi tiết cách học ngữ pháp sau)

Còn về việc học từ vựng ntn cho hiệu quả em sẽ trình bày chi tiết ở phần dưới.

- Muốn giỏi Viết: phải đọc tốt + phát triển được khả năng cảm thụ.

Khả năng cảm thụ chính là việc chúng ta sẽ dần thẩm thấu được từng phong cách viết, phân biệt được viết ntn là phù hợp, biết được ông nào viết dài dòng lê thê, ông nào viết gọn gàng, đơn giản, rồi cách dùng từ độc đáo,….

Em ko đề cập ngữ pháp vì cách học của em sẽ phát triển ngữ pháp tự nhiên thông qua việc luyện tập 4 kỹ năng ở trên. Như vậy thì xong phần nền tảng, các bác nắm được phần này thì sẽ biết cách học mà ko bị lạc lối nhưng vẫn sẽ đạt hiệu quả theo thời gian. Tức là học tài liệu nào đi nữa thì cũng phải bám vào 4 phần cơ sở ở trên.
Phần 3: Luyện tập từng kỹ năng + tài liệu tham khảo

Lưu ý rằng đầy là tài liệu em đã dùng, có thể có các tài liệu khác tương tự nhưng tốt hơn, đầy đủ hơn.

1. Về phát âm:
- Phải nắm vững hệ IPA, nó sẽ giúp các bác biết chính xác cách phát âm của từng từ khi tra từ điển chứ ko còn chỉ nghe rồi bắt chước đoán theo, cách này chỉ phù hợp cho con nít sống trong mtr nc ngoài từ nhỏ, nghe 24/24 và có thời gian đủ dài để thẩm thấu. Còn chúng ta ở mtr khác và cũng đã quá lớn để học theo kiểu con nít rồi.

- Về IPA thì ngày trước em học qua 3 nguồn chính: bộ Mastering the American Accent có bảng phiên âm toàn bộ các âm IPA, cũng có dạy một nguyên tắc nói lên xuống giọng,… + bộ Pronunciation Workshop + Youtube. Sau này thì em có biết thêm quyển Well Said xem qua thì khá chi tiết và đầy đủ hơn, các bác có thể xem thêm, tức là mục tiêu sẽ là nắm rõ được toàn bộ âm trong tiếng Anh dựa trên IPA.

- Cách học thì đơn giản là đi từng âm 1 và xem video cách người nc ngoài phát âm và bắt chước theo như vậy. Với từng âm trong giáo trình thì em xem hướng dẫn trong video của bộ Pronunciation Workshop, song song đó em đều search “How to pronounce + âm” trên youtube để xem cách phát âm ra sao, hơn nữa thì có thể xem được nhiều người nói, từ đó sẽ dễ hình dung được cách đọc đúng. Nhưng lưu ý là tránh mấy video người Việt dạy nhé, học cứ nghe tụi Tây giảng là chuẩn nhất.

- Cứ thế các bác sẽ đi từng âm một cho đến khi hoàn toàn nắm vững cách đọc, xa hơn thì sẽ bắt đầu biết các quy tắc nối âm, phát âm s/es/ed,… nói chung các bác có thể dùng bộ giáo trình trên hoặc có bộ nào mới hơn mà đầy đủ hơn thì cứ học theo đó, chỉ cần 1 quyển là đủ, ko cần nhiều hơn đâu.

Nhưng cần lưu ý là khi học phát âm, các bác nên luyện phát âm thành tiếng to ra, mục đích là để luyện cơ miệng cho quen với từng âm.

- Sau khi đã phát âm tốt từng từ thì sẽ đi xa hơn, phát âm từng đoạn ngắn, dài. Cái này thì trong mấy giáo trình nó cũng có kèm mấy đoạn văn ngắn để người học luyện tập, các bác cứ học theo nó, ngoài ra sẽ luyện thêm ở phần đọc.

* Riêng về accent: Cá nhân em nghĩ accent khá là khó luyện vì nó cần một chút năng khiếu trong đó, và phải trải qua một quá trình nghe đủ lâu để từ từ thấm được cái accent cần luyện nên em nghĩ cứ ưu tiên phát âm chuẩn trước, accent thì ai đam mê có thể luyện thêm.

2. Nghe

Phần này sẽ luyện xuyên suốt toàn bộ quá trình học và luyện tập thông qua 2 dạng sau:

- Nghe chủ động: em thì có thử nghe kiểu chép – chính tả rồi nhưng chắc ko hợp với em do thấy nó khá mệt mỏi. Cách nghe của em như sau:

+ Chọn 1 bài nghe có transcript thuộc chủ đề mình quan tâm, tức là các bác chỉ nghe những thứ các bác muốn nghe thôi chứ nghe mấy cái khô khan, ko hợp thì cũng ít hiệu quả. Bài nghe từ ngắn đến trung bình là tốt nhất, ko nên quá dài vì dễ nản, em thường lựa các bài tầm 15-20p.

Một số nguồn tham khảo: TEDTalks, https://www.betteratenglish.com/be-episode-archives (trang này có nhiều podcast ngắn chủ đề giao tiếp thường ngày, bigthink.com (mục video của nó nhiều bài interview ngắn nhưng khá hay), mấy thể loại podcast… miễn sao phải có transcript kèm theo.

+ Trước khi nghe, các bác lấy transcript xem qua, chỗ nào từ mới chưa hiểu thì note thẳng vào đó, mục đích là các bác phải hiểu được nó nói cái gì trước rồi mới nghe, và cũng để học dần từ vựng luôn.

+ Vừa nghe vừa nhìn transcript để biết nó nói ra sao.

+ Nghe lặp lại nhiều lần như trên, nghe tầm vài chục lần nhìn transcript mà quen rồi thì chuyển sang bài mới, bài cũ bắt đầu nghe ko nhìn transcript nhưng lúc này ko bó buộc nữa, cứ nào thích thì nghe, giờ nào rảnh bật lên cho nó tự nói rồi mình làm việc khác cũng được (kiểu như nghe thụ động ấy), mục đích là để mình dần thấm được một cách tự nhiên.

Ngày trước thì có nhiều bài e nghe muốn nát, nghe nhìn transcript vài chục lần rồi sau đó lưu vào đt để khi chạy bộ thì cắm vào nghe, hoặc khi rảnh chả làm gì cũng bật cho nó nói.

Lưu ý ở đây chính là sự lặp lại ngắt quãng, các bác cần lặp lại đủ nhiều và có sự ngắt quãng trong đó chứ ko phải nghe được vài lần rồi ham bỏ bài cũ chuyển sang bài mới rồi quên luôn bài cũ thì ko hiệu quả đâu nhé, nên các bác cần có 1 danh sách các bài nghe để theo dõi và lặp lại xoay vòng trong đó, nào đủ nhiều thì lại nghe thêm cái mới và lặp lại các bước trên, nào quá quen rồi thì bỏ khỏi nghe nữa lại lặp lại quy trình trên.

- Xem phim: Phần này bổ trợ thêm thôi, các bác cứ lựa mấy series sitcom ấy (vì mấy cái này nó mới nói nhiều và dùng nhiều ngôn ngữ hằng ngày), vừa xem vừa bật sub Eng nhìn theo, tuyệt đối ko dùng sub Việt gì cả. Và xem ko dừng hay dịch hay tra từ gì hết nhé, xem theo kiểu y như xem phim giải trí bình thường, hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Nào xem hết rồi thì chuyển bộ khác, rồi xong lại quay về xem lại bộ cũ, xem 1-2 lần là được.

3. Đọc – học ngữ pháp

- 2 mục này em để chung cho phần đọc vì em học thì mấy giáo trình ngữ pháp như English Grammar In Use em dùng tham khảo vài cái thôi chứ chẳng học mấy trong đó. Cách học ngữ pháp và từ vựng của em là học trực tiếp thông qua việc đọc sâu. Cụ thể:

- Các bác cần chọn những bài đọc thuộc chủ đề mà mình quan tâm nhưng nên dễ hiểu một chút và ban đầu chọn mấy bài độ dài vừa thôi, nào vốn từ + ngữ pháp tăng lên dần thì bắt đầu đọc mấy cái dài hơn, phức tạp hơn.

Nguồn tham khảo: có thể đọc tin tức của The Economist, Bloomberg, mấy dạng sách văn học đơn giản,… Ngoài ra thì chính các bài nghe ở phần Nghe phía trên cũng là tài liệu cho việc đọc luôn.

- Cách đọc sâu như sau:

+ Với mỗi đoạn các bác đọc, nếu bắt gặp từ vựng mới thì các bác có thể viết thẳng nghĩa lên bài đó hoặc lọc ra để học dần. Có thể dùng anki để tạo deck, em thì recommend các bác dùng công cụ mà ở phần học từ vựng em sẽ hướng dẫn chi tiết.

+ Học ngữ pháp bằng cách phân tích bài đọc. Chúng ta sẽ ko học theo lối truyền thống (làm bài tập, công thức, ghi nhớ,…) mà học trực tiếp cách dùng thực tế. VD đoạn văn sau:

Mấy chỗ e highlight là 1 vài điểm ngữ pháp mà em giả sử 1 người mới học có thể thắc mắc, bình thường nếu đọc các bác chỉ tra và hiểu nghĩa của bài thì giờ, mình sẽ hiểu sâu luôn các điểm ngữ pháp này, phải đảm bảo rằng qua mỗi bài đọc thì ko những từ vựng mà cả ngữ pháp của bài đó cũng phải nắm.

Tức là mỗi bài đọc, các bác phải liên tục thắc mắc, đặt câu hỏi: Chỗ này dùng cấu trúc như vậy nghĩa là gì? Tại sao lại dùng như thế,… Và bằng việc đào sâu bài đọc như vậy các bác sẽ dần xác định được các điểm ngữ pháp mà mình còn thiếu.

Sau khi xác định xong thì bắt đầu tìm câu trả lời trên GG, một vài cách search:
Hoặc nếu bắt gặp các cụm từ khó hiểu thì cũng có thể search theo kiểu “từ/cụm từ + meaning”. Nói chung là thực hành nhiều sẽ biết cách search sao cho ra cái mình cần tìm.

Và trong quá trình đào sâu như vậy, nó lại mở ra nhiều điểm ngữ pháp khác liên quan, cứ thế càng đào sâu thì các bác càng nắm ngữ pháp dần dần, từ các dạng ngữ pháp cơ bản đến nâng cao sẽ dần được tiếp cận và chính trong quá trình tự đào sâu như vậy, các bác sẽ nắm ngữ pháp từng bước 1 cách chắc chắn và in sâu.

Hiện em thấy ChatGPT dùng học theo lối này rất tốt, thắc mắc chỗ nào cứ hỏi nó sẽ nhanh hơn việc tìm kiếm trên GG.

Ngoài ra, trong quá trình đọc sâu thì sẽ có những từ/cụm từ/ ngữ pháp mà các bác đọc cũng ko hiểu, còn mơ hồ,... lúc này thì nên hỏi trực tiếp tụi Tây, ngày trước em thường lên đây hỏi:

https://forum.wordreference.com/
VD:


Search như vậy rồi vào xem người bản xứ họ giảng cụ thể, các bác có thể thấy có rất nhiều câu hỏi liên quan cùng 1 thắc mắc, cứ đọc và các bác sẽ nắm được các điểm ngữ pháp đó 1 cách tự nhiên. Và khi các bác gặp chỗ nào ko hiểu dù đã search rồi thì vào thẳng forum đó hỏi thì họ sẽ giải thích cho, nhưng cần lưu ý phải search trước để tránh lặp topic vì rule của forum rất chặt, nên khi sinh hoạt cũng cần chỉn chu 1 chút.

Thường thì hầu như toàn bộ các loại ngữ pháp các bác cần học thì người học trên khắp thế giới họ đã hỏi nát trong forum qua nhiều topic rồi, em thì hay đọc gặp mấy cụm từ/cách dùng từ đặc biệt hoặc khó hiểu thì hay vào đây hỏi, còn lại thì mấy cái e thắc mắc thường search là có người hỏi hết rồi.

Cùng một số trang em note ở phần Viết bên dưới.

Sau khi search thì cứ đọc các giải thích/bài giảng về vấn đề đó nhưng lưu ý là ko cần note lại làm gì hết, cứ đọc qua để hiểu sau đó quay lại tiếp tục bài đọc và lặp lại như trên vì qua mỗi bài đọc khác nhau, có thể chúng ta lại gặp lại các điểm ngữ pháp đó và khi đó, nếu vẫn còn nhớ thì tốt, ko thì search và đọc lại, lúc này đảm bảo các bác sẽ nhớ sâu hơn và dần biết cách vận dụng được.

Tức là cách em học ko chủ trương phải cố gắng nhớ gì cả, mà cứ học rồi quên rồi lại gặp lại ở một bài khác, bối cảnh khác thì lúc này lại nhớ sâu hơn 1 cách tự nhiên. Sau khi hoàn thành 1 bài thì các bác lại chuyển sang đọc tiếp bài khác và nâng dần độ dài + khó lên, có thể là báo hay sách gì đó,… các bác ko cần phải học bất kỳ cuốn sách ngữ pháp nào hết, ko cần làm bài tập gì, cũng như ko cần phải ghi nhớ gì cả, bộ não sẽ dần quen và sẽ đến lúc các bác viết và dùng ngữ pháp tự nhiên mà nhiều khi bảo giải thích sao lại dùng ngữ pháp như vậy thì cũng khó giải thích được.

Đó là cách em học nhưng nếu muốn thì các bác vẫn có thể làm thêm các bài tập ngữ pháp nhưng chỉ nên xem đó như là bổ trợ thêm cho việc đọc của các bác mà thôi.

Như vậy, mỗi bài đọc ban đầu sẽ rất tốn time để hoàn thành, nhưng đảm bảo xong bài nào là chắc bài đó và qua các bài sau thì tốc độ sẽ nhanh hơn. Riêng việc vận dụng ngữ pháp để thật sự nhớ và thành phản xạ sẽ tiếp tục thông qua luyện tập ở Viết và Nói ở các phần tiếp theo.

4. Cách học từ vựng

- Nếu gần như chưa biết gì về tiếng Anh thì nên nên bắt đầu bằng từ điển Anh Việt trước, sau vài tháng quen rồi và có được lượng từ cơ bản thì các bác nên chuyển dần sang dùng Anh – Anh vì giải nghĩa bằng chính tiếng Anh sẽ chính xác hơn nhiều.

- Học từ vựng thành công thì chỉ thực hiện được bằng cách: ghi nhớ + vận dụng. Việc vận dụng sẽ thuộc phần nói và viết.

- Để ghi nhớ thì các bác có thể lưu từ vào anki hoặc mấy app flashcards cũng được, em thì ko dùng anki vì: từ vựng được lưu vào riêng lẻ, thiếu cách sử dụng thực tế để giúp nhớ lâu, ngoài ra thì tạo deck cũng khá tốn time nhưng nói chung em thấy anki cũng rất tốt để học từ. Em thì dùng cái này và em cũng khuyên các bác xem qua và dùng thử, cực kỳ hay, đó là trang https://www.vocabulary.com/, trang này là 1 từ điển nhưng có cách giải thích nghĩa rất đặc biệt nhằm giúp người học nhớ sâu hơn, ví dụ:



Các bác có thể thấy bên cạnh giải nghĩa truyền thống thì nó còn giải thích thêm kiểu khác rất hay, từ đó mình sẽ hiểu rõ từ đó hơn. Ngoài ra, nó còn đưa ra cách dùng từ này được trích từ những câu trên các báo chí đủ mọi chủ đề, từ đó chúng ta sẽ được xem cách mà người bản xứ họ dùng từ này trong thực tế ra sao.

Thêm nữa nó còn còn có mục trắc nghiệm như hình, thực tế đây chính là tính năng tạo deck của nó mà em thấy mạnh hơn anki:


Như các bác thấy, nó có sẵn rất nhiều list đủ mọi chủ đề do những người học khắp nơi trên thế giới tạo sẵn, các bác có thể add vào rồi học, hoặc tự tạo list cho riêng mình.

Sau khi có list cần học, các bác sẽ bắt đầu học và với Vocabulary.com thì sẽ học thông qua trắc nghiệm như bên dưới:

Nó sẽ trích 1 câu nào đó trên báo có dùng từ các bác cần học và hỏi dạng đồng nghĩa, khi các bác học lại từ đó nó sẽ hỏi câu khác chứ ko dùng câu cũ nữa.

Và trong quá trình học sẽ tính điểm rồi đua top với các mem khác trên thế giới,...

- Tất nhiên để dùng được toàn bộ tính năng học từ vựng của nó thì phải trả phí, trang này nó có cả app, đợt em học thì mua trên GG Store mấy chục ngàn và xài đến giờ (chắc là lifetime luôn do cũng ko thấy nó nhắc gì), ko rõ giá app giờ bn nhưng em có check thì giá trên web đang để tầm 60$/năm, với em thì chừng này cũng là quá rẻ, các bác có thể tham khảo thêm.

- Từ điển Anh – Anh thì ngoài trang trên, các bác có thể tham khảo dùng thêm của Cambridge hoặc Longman – 2 trang này giải thích dùng từ vựng phổ biến, đơn giản nên dễ hiểu hơn so với Oxford.

- Ở trên thì em nói ko cần ghi chép gì nhưng thực tế, nên có sổ tay hay file để note lại một số cụm từ đặc biệt hoặc những cách dùng, câu văn hay,… để lưu lại và dùng nó để phát triển việc nói và viết của mình. Ko cần note quá nhiều, chỉ note lại những thứ thật sự hay thôi.

5. Viết:

Vì muốn nói tốt thì phải viết tốt và nghe tốt, nên em sẽ đi qua phần viết trước.

Viết thì bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất là câu ngắn đơn giản, rồi xa hơn là đoạn văn rồi bài văn…. Với ielts thì có 2 dạng task 1+2, các bác có thể tham khảo dùng 2 dạng này để thực hành viết.

Để viết tốt thì điều cần nhất là các bác phải đọc nhiều. Vì vậy, hãy cố gắng đọc thật nhiều, cho đến khi đọc một cách tự nhiên, ít phải tra từ, đọc y như tiếng Việt thì lúc đó xem như thành công.

Kế tiếp các bác cần có người bản xứ sửa lỗi cho mình để biết được mình sai ở đâu, có vậy mới tiến bộ được. Quy trình sẽ là:

Viết => Sửa lỗi => Rút kinh nghiệm => lặp lại quy trình

Như vậy, đây là phần mà các bác cứ tự nhiên và cứ sai thật nhiều, vì sau mỗi lần sai và sửa lỗi thì mình lại tiến bộ hơn 1 chút, đừng cố gắng đòi hỏi mọi thứ các bác viết ra ban đầu phải thật hoàn hảo, vì như thế sẽ biến việc viết của các bác trở nên khô cứng, áp lực và làm giảm hiệu quả.

Em giới thiệu 1 số nguồn giúp sửa lỗi viết, lưu ý là các bác nên nhờ dân bản xứ sửa nhé, né hết mấy thể loại sửa là người Việt đi, trừ khi trình độ đã được kiểm chứng như kiểu ielts trên 8.0 chẳng hạn. Ngày trước em có xài 1 số dịch vụ sửa lỗi của người Việt cũng quảng cáo tè le trên FB, mà nó sửa xong thì em hỏi lại tụi Tây xem sửa đúng ko tụi nó còn chửi cho :LOL:) Đã vậy sửa phí cũng mắc chứ ko rẻ, tốn phí thì nhờ hẳn tụi Tây nó sửa cho.

Đây là một số nguồn em hay dùng để sửa lỗi (free), các bác cũng có thể dùng các dịch vụ tính phí thì sẽ nhanh hơn và đầy đủ hơn:

https://www.italki.com/
Trang này là cộng đồng để hỏi đáp và sửa lỗi tiếng Anh, hoặc các bác có thể thuê GV Tây trên đây dạy online cho mình luôn cũng được, chi phí tuỳ mỗi người. Em thì hay dùng nó để chữa bài, vd:

Viết xong post lên hỏi thì họ sẽ sửa giúp. Sau khi sửa xong thì những đoạn nào chưa hiểu thì các bác phải hỏi lại nó lý do vì sao viết vậy để tự rút kinh nghiệm cho mình.

- UsingEnglish.com
Trang này là 1 forum, các bác có thể hỏi những thắc mắc khi học tiếng Anh và nhờ họ sửa những bài viết ngắn. Lưu ý là mấy đoạn văn ngắn thì họ sẽ sửa nhanh, còn dạng ielts hay bài luận dài thì họ ít sửa lắm, nhưng các bác có thể tách ra từng đoạn ngắn rồi nhờ họ sửa. VD:
Xưa học ielts em cũng hay mang bài lên đây hỏi, admin bên đó là bác teechar hay sửa giúp bài cho em, mấy bài task 2 đưa lên bác đều sửa giúp hết.

https://www.englishforums.com/English/EssayReportCompositionWriting/Forum9.htm

Trang này thì rule thoáng hơn trang trên, em hay mang mấy task ielts lên đây nhờ sửa, dân Việt mình lên đây nhờ sửa cũng nhiều.
VD họ sửa này:
Cứ viết xong nhờ họ sửa và sau đó lại rà soát lỗi để rút kinh nghiệm.

https://essayforum.com/writing/
Trang này thì chuyên về essay luôn, đủ thể loại essay nhưng nó bài sửa của nó thiên về bố cục, cách hành văn chứ ko sửa chi tiết như trên.

Và nên dùng thêm ChatGPT nhé, nó dùng để luyện viết rất tốt.

Như vậy, ở phần này thì các bác sau khi viết, bắt buộc phải có người bản xứ sửa cho, và sau khi sửa xong thì bắt buộc phải hiểu vì sao mình sai, chỗ nào sai, có thể cải thiện ở điểm nào… Đây phần duy nhất mà các bác cần note nhiều và sau đó phải ôn lại. Chính vì nhiều công đoạn như vậy nên sẽ tốn nhiều time để viết xong và phân tích xong 1 bài viết, và vì vậy các bác cứ từ từ đi, đừng cố gắng viết thật nhiều bài làm gì, cứ đi bài nào chắc bài đó thì từ từ các bài viết sau của các bác sẽ dần ít lỗi hơn và hay hơn.

6. Nói

Như đã phân tích, muốn nói tốt phải nghe tốt và viết tốt, 2 phần trên các bác đã làm tốt thì còn lại chỉ cần tìm môi trường thực hành để tạo phản xạ là được. Ngày trước thì lúc ôn ielts em có tìm được bạn cùng học ngoài Bắc rồi cứ thế call skype để luyện, các bác cũng có thể tham gia các club Eng.

Ngoài ra thì có 2 công cụ sau em thấy khá hay để luyện nói:

- Cambly – Này thì quá phổ biến rồi, thuê gv về luyện nói

- Group Enghub trên discord – lên đó tìm partner.

Tóm lại bước luyện nói này sẽ được luyện song song với các kỹ năng trên nhưng như phân tích ở trên, muốn kỹ năng nói thật sự lên trình thì bắt buộc phải nghe tốt và viết tốt, còn ko thì mọi thứ mình nói nó sẽ chỉ là dạng tiếng Anh chắp vá, ko đầu đuôi mà thôi.

Vậy là xong toàn bộ, đó là cách em đã học và vẫn dùng để ôn luyện thêm hiện tại. Chúc các bác sớm học tiếng Anh thành công :)

#Update 1: Bổ sung trả lời một số thắc mắc của các bác
- Thắc mắc 1





Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.

Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé

Icons with Group Links
Telegram
Zalo

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét