Bs Huỳnh Tuấn An (Bs Gấu CTUMP)
Năm 1
Ăn mừng xong xuôi cùng ba má chúng ta bước vào trường y với những cái liếc xéo nhẹ từ các bà hàng xóm luôn nghĩ rằng ta vô tích sự.
Đầu tiên, có chút thất vọng khi phát hiện hoá ra vào đại học người ta cũng không có xếp hàng phát... người yêu cho mình, ta vẫn ế chỏng gọng. Kệ chúng ta đành chờ tới học kì quân sự vậy, mà dù gì cũng còn tới 6 năm lo gì, bác sĩ sao ế được !! (Ok lúc đó chúng ta tưởng vậy ngầu)
Sau đó, bước vào năm học, chúng ta nhanh chóng quên đi nỗi thất vọng đó khi nhận ra một điều thậm chí còn ngán ngẩm hơn: năm 1 phải học lại toán, hoá, sinh, lý, giáo dục công dân, thể dục và anh văn (một lần nữa, nhưng khó hiểu hơn, chắc chắn rồi).
Có lẽ chút phấn khởi nhen nhóm là chúng ta sẽ được học cái môn thần thánh mà đứa phổ thông nào nó đều gọi tên được, đó là “giải phẫu”. Ok ngầu quá mấy đứa ơi !!!
Rồi khi thấy cái đám mô hình hầm bà lằng, đọc mớ thuật ngữ nghe như khẩu quyết của bộ chân kinh nào đó, và khẽ quẹt đi đôi mắt cay xè vì thuốc Formol khi học trên xác, chúng ta mới hiểu ra
“Thì ra giải phẫu khác phẫu thuật, mình cứ tưởng là vào trường y được mổ mổ xẻ xẻ các kiểu, ai dè không phải...”
Và rồi cú sốc đầu đời mang tên “chạy trạm” ập tới. Thời gian 1 trạm qua nhanh tới nỗi chúng ta còn chưa kịp nhận ra cái mô hình hồi nãy thậm chí còn để ngược 180 độ, và chúng ta đã nhầm cái mạch quay thành mạch trụ, cơ ngực thành cơ lưng, và gai chậu thành .... ụ ngồi.
Dù khá hận ngày xưa bản thân học môn hình học không gian như hạch vì ông thầy quá cà khịa, nhưng đành chấp nhận một sự thật là chúng ta đã quá mất bình tĩnh khi tụi kia nó cứ chuyển trạm như chạy giựt đồ ngày black Friday.
“Mà thôi kệ, qua môn được rồi ! “ chúng ta tặc lưỡi vỗ về bản thân ( câu nói lần đầu thốt lên nhưng đâu ngờ sẽ là lời nguyền đeo bám dai dẳng suốt 6 năm đại học).
Rồi với 1 mớ kiến thức kềnh càng về đường đi, nguyên uỷ, bám tận, chi phối, chúng ta bước vào năm 2.
6 NĂM THANH XUÂN (PHẦN 2)
- Bác Sĩ Huỳnh Tuấn An (Bác sĩ Gấu CTUMP ) -
Rút kinh nghiệm lơ ngơ năm 1, năm nay chúng ta quyết định sẽ tham khảo ý kiến tiền bối, và còn ai hợp lý hơn anh hàng xóm học … năm 3 đang phơi khô cá sặc trước sân kia. Nhìn mặt anh hốc hác, cặp mắt kính dày cộm, tướng tá lực lưỡng hệt như con khô anh đang phơi, ta đã đoán được anh chắc hẳn là một “giáo sư”.
Thật tiếc bấy lâu nay mình đã không tận dụng ảnh, đang lắc đầu tiếc rẻ thì thấy cố vấn học tập nhắn chiều nay vào để giải đáp thắc mắc cách học năm 2. Xời, cố vấn già rồi không thể gần gũi và cập nhật bằng anh hàng xóm “giáo sư” được, ‘cố vấn xa không bằng láng giềng gần’, tối về qua xin ảnh con khô rồi hỏi kinh nghiệm luôn, quyết định vậy đi. (Sau này ta mới biết ảnh hốc hác vì luyện mãi bao đêm vẫn không qua nổi rank Đồng.)
Dợm bước vào trường ta thấy băng-rôn chào đón Tân Sinh Viên, trong trường 1 năm mà chúng ta cảm thấy mình đã là ma cũ, con ma ít cũ nhất trong cái đám ma cũ đã lảng vảng khu vực này 5-6 năm nay, nhìn đám Y1 ngơ ngáo mới vô đón tân sinh viên mà ta cười thầm, “lại tham gia hết mấy câu lạc bộ chứ đâu, non lắm các con giời ạ!”.
Rồi chúng ta được anh “giáo sư” hướng dẫn là năm 2 phải học kĩ 8 môn cơ sở, mỗi tội năm 2 chỉ có 10 môn. “Có phải anh đang trêu đùa em đấy không???”.
Cực chẳng đã ta đành nhớ lại lời cụ cố vấn già, 2 môn quan trọng là Sinh Lý và Tiền Lâm Sàng, ta sẽ nuốt gọn 2 đứa nó chứ không để xà bát như giải phẫu năm 1 nữa. ("Ok nuốt hộ cái" - Sinh Lý said)
Nói về Sinh Lý thì công nhận rất hay, môn này làm ta nhìn con người với 1 góc nhìn khác, dù ta đã sống trên đời và coi phim bác sĩ Hàn Quốc – Âu Mỹ suốt 19 năm nay.
Đầu tiên là thực ra có cả đống chuyên ngành sinh lý chứ không phải chỉ có sinh lý sinh dục như trong quảng cáo 3 đời chữa xuất tinh sớm kia.
Ngoài ra, học Sinh Lý xong chúng ta cảm thấy mình cần gửi lời xin lỗi đến các võ sư phóng điện mà trước giờ ta hay cười nhạo trên Youtube, vì cơ thể người có điện thật mà: điện tim, điện não, điện cơ .Đúng chưa? Thậm chí có cả “điện … thoại báo phụ huynh” vì ta nợ môn quá nhiều nữa.
Chúng ta biết rõ môn này quan trọng vì thầy cô cứ nhắc đi nhắc lại “khái niệm sinh lý này rất quan trọng, tụi em phải nắm vững những năm sau sẽ dùng”. Khổ nỗi bài nào thầy cô cũng nói câu này...
Điểm an ủi tâm hồn muggle của chúng ta là chút kiến thức tích lũy từ bộ Harry Potter hóa ra lại có thể vận dụng ở môn Vi Sinh và Kí Sinh Trùng.
Ví dụ như: “Enterobius vermicularis!!!”, “Staphylococcus-Aureus!!!”, nghe có giống “Avada-Kedavra” không chứ, chết chóc, quả thực rất chết chóc *ta vỗ đùi khoái chí vì phát hiện không hề xàm lao này*
Không lâu sau đó, Tiền Lâm Sàng đem lại cho chúng ta một trải nghiệm đầu tiên về sự khắc nghiệt của “lâm sàng”, đó là nón, mask, điểm danh và dĩ nhiên, đặc sản là ... “đi trễ cấm thi”. Bệnh nhân giả thì đa số đều làm nghề tay trái là “hoạ sĩ”, họ vừa trả lời vừa “vẽ” cho ta đi tới ngoài chương trình học y luôn cũng chưa hỏi ra bệnh.
Khám bệnh nhân giả xong chúng ta đè từng đứa nam trong nhóm ra khám, và từ đó những câu hỏi thảng thốt đâu đó vang lên “trời ơi kiếm Nhật không vậy”, “ủa con trai mà mày còn trắng hơn tao nữa”. Những tiếng la thất thanh nghe nói vẫn còn vang vọng đâu đó trong phòng Skill-lab đến ngày nay.
Cuối cùng để thực hành những điều đã học, chúng ta được đi bệnh viện lần đầu với vòng điều dưỡng cơ bản. Mỗi sáng khi thấy ta tung tăng, tay kim, tay gạc, đi đến bên giường thì bác bệnh nhân già lại nghiêm mặt hỏi:
“Nay đăng ký mấy nhát?”
“Dạ 2 nhát, hihi” (Vừa nói ta vừa cười thỏ thẻ)
Và kết quả chung thường là “chị/anh điều dưỡng ơi, cứu bồ em với, luồn chục nhát rồi chưa vô mạch :((( “
Bác bệnh nhân thì kiểu: ”Tao chán chả buồn nói”
Kết thúc năm 2, ta mừng rỡ lết qua được các trạm thi kết thúc tiền lâm sàng, dù trong lúc cực kì hồi hộp, cô kêu đặt sonde dạ dày đi thì ta lại đi bốc bộ sonde tiểu, may mà cô "thathu".
Chúng ta cũng thoát được cái danh “yếu sinh lý” vì dù gì ta cũng vừa đậu (vớt) sinh lý. Tạm biệt cô bệnh nhân giả, con sẽ không bao giờ quên (được) cô. Tạm biệt sinh lý, à mà không, dễ gì tạm biệt được
SÁU NĂM THANH XUÂN – PHẦN 3
Bác Sĩ Huỳnh Tuấn An
- BS Gấu CTUMP –
Ta bước vào năm thứ 3 với một sự hào hứng nhất định, viễn cảnh tươi đẹp hiện ra từng đêm làm ta thao thức chờ đến ngày lần đầu được đi lâm sàng, “con sắp thực sự mần bác sĩ rồi ba má và cô hàng xóm ơi” - chúng ta không thể ngủ được khi nghĩ tới viễn cảnh đó.
Viễn cảnh mà ta mặc áo blouse trắng tinh tươm, mặt mũi sáng ngời như bạch ngọc, với cái ống nghe đeo vắt ngang cổ mà lúc nào ta hứa cũng sẽ mang theo (dù đi khám trĩ hay khám niệu), rồi ta cất bước như một vị thần giữa bệnh phòng với ánh nhìn ngưỡng vọng của mọi người và rồi đâu đó sẽ vang lên tiếng “bác sĩ ơi”. Chòi oi, nó đã !!!
Và viễn cảnh trong mơ đó rồi cũng đến như cách mà chúng ta hay nói về người yêu của mình vậy, “không hề tồn tại”. ( Not-fun-fact: năm 3 còn FA thì thường là FA luôn 6 năm)
Ở góc độ nào đó thì chỗ “bác sĩ ơi” cũng đúng, cũng sướng, nhưng niềm vui chẳng tày gang mà niềm đau thì dài lê thê như cổ của những đứa chờ thi lần hai vậy.
“Khoảnh khắc người ấy (bệnh nhân) hiểu ra ý nghĩa của cái cầu vai xanh, mối quan hệ giữa chúng tôi vĩnh viễn thay đổi” - một cháu Y3 chia sẻ trong cay đắng.
Người ấy (bệnh nhân) dù sao đi nữa, họ đi ngang qua đời ta cũng có lý do cả.
Có người sẽ làm khôi phục niềm tin của ta vào thằng bạn thân khi hoá ra những lời hứa của nó về việc trả nợ cho ta còn đáng tin hơn những lời khai bệnh sử ta nghe từ người ấy. Trong một thống kê nho nhỏ, ta kết luận nghề nghiệp part-time phổ biến nhất ở chốn này là “bán bánh tráng”, với những pha thay đổi lời khai (bệnh) như phim hình sự.
Có người khác lại làm ta ngỡ ngàng khi phát hiện ra một đồng minh, một sky fan sếp’s ẩn thân nơi đây, vì ta hỏi điều gì họ cũng ... luôn giữ kín trong tim, không hé một lời.
Có người làm ta thấm thía câu “bệnh nhân là người thầy tốt nhất”, theo nghĩa đen hẳn hoi, khi ta chứng kiến những “thần đồng” chỉ học y trong 1 tuần (nằm viện) nhưng vẫn giảng ra rả cho bạn cùng phòng về cơ chế bệnh học nào đó (vì ngày nào cũng nghe thầy ta giảng nên ổng thuộc bài vl).
Mấy anh chị nhân viên y tế trong khoa thì nói chung là cũng rất hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để chúng ta được thực hành vòng điều dưỡng … lần 2. Lâu dần chúng ta cũng đã thành thục những skill mới mà không thể học được ở trường với độ thông thạo SSS như “tocbienkhicodiemdanh”,”thaynuocbienrutkimluon”,”daybenhguixetnghiem” nhờ sự đào tạo nhiệt huyết của họ.
Năm nay chúng ta được gặp gỡ những idol thực thụ của giới trẻ ( dù không múa quạt hay đi đường quyền), đó là các thầy cô lâm sàng đáng kính, những người với kiến thức sâu rộng sẵn sàng cho chúng ta thấy sự bánh bèo vô dụng của mình với những câu cửa miệng như: “Thời tôi Y3 như em tôi đã cho thuốc ầm ầm” hay “Câu căn bản vậy em cũng không biết hả?” (câu mà sau ta đem đi hỏi bác sĩ nội trú mấy anh chị cũng lắc đầu không biết) hay “Câu này tôi dạy em rồi mà” (dạ em mới gặp thầy lần đầu ạ).
Và khi lên bàn thi vấn đáp ta mới hiểu khái niệm “kinh hãi tột độ” là gì, chỉ cần idol khẽ nhíu mày, hay hỏi “gì”, “sao” thì chúng ta cũng giật mình thon thót. Và điều cay nhất “sao mấy câu em biết thầy cô toàn đi hỏi mấy đứa khác vậy?”. Hóa ra kiến thức thực tế lâm sàng và lý thuyết cũng giống như tình trạng mối quan hệ của ta và crush vậy, “hoàn toàn không liên quan”.
Quá bế tắc chúng ta đành cầu cứu các anh chị Y4 sau những giờ học, những người trong mắt ta như những cứu tinh khi sáng nào cũng ôm hồ sơ đi khám với bác sĩ, rồi ngồi ghi ghi chép chép với vẻ mặt không thể trí tuệ hơn ( sau này ta mới biết là sao thuốc- “nobrain” copy & paste).
Các anh chị vẫn chỉ, dù đôi khi hẹn ta 5 phút đi toilet xong sẽ giải đáp (thật ra là đi tra gg thấy mother), nhưng ta cảm kích và thần tượng mấy anh chị dã man. “Ôi ước gì sau này em giỏi như vậy”
Sau cùng thì ta cũng sống sót qua được cú sốc đầu đời trên bàn vấn đáp và lặng lẽ bước đi khỏi phòng thi vân đáp ra cổng mà không dám ngoái đầu lại dù phía sau vẫn nghe tiếng gọi vương vấn của chị lao công “Em ơi em ở lại, tụi em đi rồi ai sẽ lau hành lang phụ chị đây, thương các em lắm …”
SÁU NĂM THANH XUÂN – PHẦN 4
PAGE BÁC SĨ GẤU CTUMP
Năm 4
Nếu ai đó hỏi cái nào hụt hẫng hơn:
“Hết 21 nồi bánh ú vẫn FA hay chuyển từ Y3 lên Y4?”
Thì ta sẽ mạnh dạn chọn cái thứ hai.
Đầu tiên là câu chuyện Y4 phải đi lâm sàng chiều, chắc chúng ta không ngờ mình lại có ngày được ước gì buổi chiều được ngồi trong hội trường lớn nghe thầy giảng như thời Y3. Ngồi máy lạnh gục lên gục xuống chảy nước miếng dù gì cũng hơn chen trong cái phòng hàng trăm con người (đa số còn chưa kịp về tắm) mà nghe bình bệnh án trong hội trường bệnh viện buổi chiều.
Chuyện tiếp theo là trực đêm 24 tiếng. Mỗi đêm tới 22h ta lại cầm cuốn sổ trực mà rưng rưng nghĩ về giờ này năm trước mình đã có thể tí tởn xin bác sĩ trực kí sổ cho về đi trà sữa thì nay phải bốc thăm chia trực vơi lũ bạn. Và y như rằng ta sẽ bốc ngay tua giữa dù ta có phù phép, rửa tay, xức dầu thơm, tắm lá bưởi cỡ nào đi nữa. Rồi ta đành nằm lại ngủ chập chờn chờ tới tua mình rồi lay thằng bạn ra trực, nó cũng cục cựa nói “mày ra trước đi chút tao ra sau”, ngồi từ 2h tới 3h30 gần hết tua đi vô thấy nó vẫn còn ôm cái gối Doraemon ngủ ngon lành, chửi rủa năn nỉ kiểu gì nó cũng ngáy trơ trơ (mãi là anh em nhưng trừ khung giờ này ra, ok fine…).
Thỉnh thoảng ta được các chị nhờ đi gửi xét nghiệm ở tầng dưới, đứng trước cái thang máy trống không mà tự hỏi có nên mượn bà bệnh nhân cái bô đem theo không, tâm hồn ta vốn mong manh dễ rụng nụ mà thời khắc này bao chuyện ma trong bệnh viện nó lại ùa về rõ mồn một. Lúc đó có người nhà bệnh nhân nào vỗ vai hỏi đường cái thì khá chắc là ta cần ai đó xoa xoang cảnh để cắt cơn nhịp nhanh kịch phát vừa xuất hiện.
Và yếu tố làm nên sự đau thương bi tráng của năm thứ 4 đó là 4 trại lâm sàng Nội – Ngoại – Sản – Nhi.
Đi Ngoại có thể tóm gọn trong 2 tử: phụ mổ. Các anh bác sĩ ngoại bình thường soái ca hào sảng khi lên phòng mổ thì như thành một con người khác, anh gợi ta nhớ tới mẹ ta ngày ta còn thiếu thời, cái gì ta đụng vào anh cũng kêu lên “dơ, trời ơi dơ đồ hết rồi”. Phòng mổ thì thiếu đồ mặc, đôi khi ta đành chấp nhận style “áo crop-top, quần kéo lên tới …vếu”. Nếu thích ai đó mà không nói ra là nỗi khổ, thì hãy thử cảm giác đang phụ mổ nhưng ngứa đâu đó mà không gãi được sẽ hiểu: nỗi khổ đó chỉ là muỗi. Sau nhiều giờ cầm đèn đứng rã rời phụ mổ ở ngoại thì cũng được qua Sản để tiếp tục…phụ mổ.
Đi Sản nói chung là … dui. Có nhiều pha “cười ra nước mắt” xuất hiện ở cái trại mà mấy thằng con trai bạn ta ban đầu thì đòi đi nhưng đi xong thì chạy tám thước còn tụi con gái thì về đồng loạt post sì-ta-tút tâm trạng kiểu “hồng nhan bạc phận sóng gió”. Khái niệm “mắn đẻ” và “nghỉ đẻ” đã được hình thành khi chúng ta phát hiện trong nhóm trực của mình có những đứa hể tới tua nó trực thì như một cái “liveshow đêm (chuyển) dạ hội” vậy, phòng sanh và phòng mổ bỗng chốc nhộn nhịp người, vào sanh ra đẻ. Còn có những đứa hễ nó bước ra phòng nhận trực là y như rằng thời gian như … lùi lại, thai 38 tuần thành 36 tuần, bé vừa co chân định đạp thì vội rút lại, bốn bề im lặng như tờ làm người ta ngỡ như đây là khoa lão chứ không phải khoa sản. Và hôm sau, nếu chưa từng thấy vẻ mặt “kinh hãi tột độ” ngoài đời như thế nào, thì bạn có thể đến ngắm khuôn mặt của ba mẹ em bé sơ sinh khi phải đứng coi tụi bạn ta thực hành tắm bé để kí sổ chỉ tiêu, nhìn mặt đứa tắm và đứa được tắm, ta cũng không chắc đứa nào sắp khóc bự hơn.
Qua được ngoại sản xong ta cũng về hưởng 1 cái Tết êm đềm, nhưng có lẽ ta đã gặp sản phụ nhiều đến ám ảnh, gặp lại bà hàng xóm Tết này vòng 2 hơi đầy đặn thì tí nữa ta đã buột miệng hỏi “mấy tháng rồi cô?”.
Qua Tết ta đi Nội-Nhi. Khi qua tới Nội, ta tưởng như được thở phào vì không phải đứng phụ mổ tới mém sa búi trĩ nữa thì ta nhận ra mình phải tiếp tục đứng (đứng nhồi tim). Có những đứa bạn của ta như là mây trời vậy, mỗi khi nó không xuất hiện thì trời quang mây tạnh, mà chỉ cần nó lú mặt ra bệnh phòng là y như rằng chúng ta phải cấp cứu nhồi tim tới sáng. Ta cũng bắt đầu nhận ra tụi Y3 thật đáng sợ, hễ thấy tụi nó đâu đó là ta không dám ngước mặt lên, hối hận vì mình đã lỡ thêm 1 ngôi sao trên áo, giờ nó mà hỏi lâm sàng thì chỉ có nát (chúng ta chỉ hơn nhau vài tháng thôi các em nhé, hãy quên anh/chị đi).
Nhi cũng như sản vậy, là một khung trời mới. Người ta nói tình chỉ đẹp khi còn dang dở, con nít chỉ dễ thương khi tụi nó ở ngoài bệnh viện, vừa thấy mặt ta tụi nó đã khóc như được mùa thì khám cái khỉ gì đây? Ở chốn này ta gặp lại một người mà ta không nghĩ sẽ gặp, đó là “anh giáo sư hàng xóm phơi khô cá sặc” phòng đối diện. Anh kể thi lần 1 chiều anh ngủ quên bị cấm thi, anh thi lần 2 nhưng anh nói theo sách mà thầy cô không chịu, thầy cô kêu đọc sách nào lấy ra, anh cũng lấy sách ra xong thầy cô nói: “giáo trình bộ môn mà em mua sách photo hả?”, rồi cho anh rớt lần 2. Trước khi quay đi anh nhắn ta một câu: “sống tốt nha em”, mắt anh ngấn lệ.
Câu chuyện của anh làm chúng ta cả tháng chỉ dám đi nhẹ nói khẽ cười duyên, bao nhiêu câu chửi nghiệp rủa xả lũ bạn hằng ngày đều tan biến mà chỉ còn những câu ớn lạnh quan tâm chăm sóc nhau cho qua con trăng này. Rồi khi lên bàn thi, thầy cô hỏi ta vài câu, may sao câu nào ta cũng trả lời được, cuối buổi thi thầy cô cũng hiền hòa nở nụ cười tỏa nắng nói “học lại nhe em”. Hóa ra bao nhiêu nồi niêu xong chảo, thần Mèo, thần Xoài ta share trước đêm thi đều không hề ứng nghiệm, lần đầu ta hiểu cảm giác nỗ lực (tâm linh) nhưng vẫn không thành, trời đất như sụp đổ, vậy là “hè này con không về rồi mẹ ơi”.
Lũ bạn thân yêu đã đứng chờ ta ngoài cửa, “I feel you bro, tụi tao cũng tạch, ĐI NHẠUU!!”.
SÁU NĂM THANH XUÂN Phần 5
BS GẤU CTUMP
PHẦN 5:
Vừa từ năm 4 sang năm 5 rất kì lạ, cảm giác như người thiết kế chương trình học của dân y muốn nhắn nhủ một điều “tao sẽ cho chúng mày biết thế nào là … lễ hội”, có thể hình dung nó như một tua tham quan lễ hội theo nghĩa đen để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và xã hội với các phần mục rất rõ ràng.
Phần mở hội “qui luật của đất trời”: Ở môn Y học cổ truyền, chúng ta được học lại những quy luật của triết lý Phương Đông như âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc. Khi vào cổng bệnh viện, bỏ qua chuyện bà bán hủ tiếu trước cổng có tay nghề rất xuất sắc thì ta chợt nhận ra cây cỏ quanh mình thật kì diệu. Giống như thằng bạn trong xóm hồi nhỏ cứ kêu nó là thằng Tí thằng Tèo hỏi ra tên trong giấy của nó toàn là Long Lân Quy Phụng, thì tương tự với các loại thảo dược, ví dụ như loài cây có cái tên mỹ miều là Diệp Hạ Châu thực ra là cây chó đẻ mà ta hay bứt lá nhai có vị chua chua hồi nhỏ (dù sau đó mới nhớ lại cái bụi cây chó đẻ này con lu nhà ta hay lượn vòng mỗi khi nó có nỗi buồn vui nên ta cũng không bứt lá nhai nữa). Bệnh viện như một cái vườn thượng uyển với các cụ già bênh nhân tóc bạc phơ sáng ra ngồi uống trà đánh cờ tướng, ô … tiên cảnh cmnr. Cái món mà đứa nào cũng thèm khi đi khoa này đó là ... gà ác, ngày nào cũng ngồi lựa kỉ tử, hoài sơn, nhãn nhục hỏi sao không nghe mùi nồi canh tiềm văng vẳng đâu đây. Ta cũng bị tụi nó đè ra thực hành châm cứu vì lý do rất nhân văn là … mập châm cho ốm, nhưng tiếc thay cho cái âm mưu đó, kim châm vô thì có thể cong chứ huyệt của ta tụi bây đừng hòng tìm ra. Đi khỏi khoa rồi trong đầu ta vẫn nghe vang vọng câu giảng của cô “can là gan nhưng không phải là gan, tâm là tim nhưng không phải là tim”, thâm thúy.
Phần khai hội “tìm về bản thể”: chia tay Y học cổ truyền ta đến với bệnh viện Tâm Thần, nơi mà ta được rèn luyện lại cả về tâm hồn và thể chất. Ca đầu tiên ta khám là một anh giang hồ xăm trổ đầy người, anh nói chuyện rất khí phách làm ta cũng phút chốc ngưỡng mộ, định anh đã tỉnh táo sẽ báo bác sĩ cho anh ra viện sớm, thì khi hỏi tên gì, anh nói anh tên … Lâm Bình Chi. Định bụng sẽ hỏi thêm là anh có tự cung chưa, nhưng thấy mặt anh căng quá nên thôi ta đành lui ra cho anh tiếp tục luận đàm võ học. Chiều về nghe đâu phong thanh trong nhóm lâm sàng của ta cũng đã nảy sinh một vài mối duyên tiền định, ví dụ như bệnh nhân nhìn mặt thằng bạn ta xong nói đúng là mẫu người ẻm thương nhớ xong cứ đi tò tò theo, người nhà bệnh nhân sẵn hỏi nó có bồ chưa để gả luôn, dù nó ế chỏng gọng vẫn phải nói có rồi chứ không thì khó mà thoát phen này, đúng là oan nghiệt, duyên tiền định nhưng gây tiền đình. Tụi trong khu trấn tỉnh thì kể bệnh nhân rượt theo ôm tụi nó như fan rượt idol vậy, không nhanh chân thì xác định. Khu trấn tỉnh hóa ra chính là khu náo loạn nhất, thật khó lường. Những câu chửi nhau của lũ bạn từ sau ngày đi tâm thần cũng không còn mainstream như trước nữa, giờ thay vì nói "mày khùng hả" thì tụi nó sẽ chuyển mã về "cái đồ F.20" hay chửi một cách hàn lâm hơn là "cái con sờ-chi-zo-pré-nia" này. (schizophrenia : tâm thần phân liệt)
Phần kết “tái hòa nhập cộng đồng”: chia tay anh Lâm Bình Chi, chúng ta được đến bệnh viện Lao và rồi được đi thực tập cộng đồng. Trên bệnh viện lao có một cây dâu ra trái rất nhiều, sáng nào tụi bạn ta cũng ra đó hái dâu cho nhau ăn, nghe tụi nó ý ới gọi nhau, đút dâu cho nhau ăn mà thật thắm tình đồng môn. Không lâu sau đó thầy ta lúc bình bệnh án mới nói, cây dâu đó chiều nào bệnh nhân lao đa kháng cũng ra ngồi hóng gió thì nhìn qua thấy mặt tụi nó nhợt nhạt như người chết rồi vậy, thương lắm. Ở môn thực tập cộng đồng, chúng ta được giao nhiệm vụ là “tuyên truyền người dân về lăng quăng sinh sôi trong các vật chứa nước” nhưng tụi bạn ta nó chỉ chốt lại một nhiệm vụ ngắn gọn hơn “đổ hết mấy cái lu nước mưa”. Và khi nhóm chúng ta ra quân thì đâu đó có tiếng la của người dân khi vừa đi vô nhà một chút bước ra mấy cái lu, thau, xô trong sân nhà đều bị lật úp lại hết. Vì cái chấp niệm “úp lu” đó mà thằng bạn ta suýt bị bà chủ nhà rượt vì nó đòi đổ hết cái lu nước mưa của bả chỉ vì trong đó có "tới" 2 con lăng quăng, khổ.
Năm thứ 5 nói chung là yên bình, còn chúng ta như cái rạp xiếc trung ương với những pha tấu hài bất tận từ bẻ trộm trái cây ở YHCT, trị mụn trứng cá cho nhau ở Da Liễu tới những lần thoát nạn trong gang tấc trong Tâm Thần hay tập xà đơn ở Phục Hồi Chức Năng. Đó là một sự êm đềm đến lạ nhưng trong ta và lũ bạn vẫn nhận ra sự im lặng này chỉ là minh họa cho câu “Sóng yên, biển lặng là dấu hiệu của… bão sắp đổ độ”. Dù gì cũng đã học đại học lâu hơn người ta một năm rồi, bạn cấp 3 nó cũng gửi thiệp cưới tới tấp, nhìn mặt bạn chung nhóm lâm sàng thì đã thành các bà cô ông chú Y5, râu cũng chả buồn cạo, ghệ cũng chả buồn có nữa. Tựu trung lại cảm giác chung vẫn là một sự mông lung, một nỗi lo về năm 6 sắp tới, nỗi lo sắp “bị/được“ kêu là “bác sĩ”.
SÁU NĂM THANH XUÂN (P6 – CUỐI)
- BS GẤU CTUMP –
NĂM 6
Hai năm trước vào một ngày trời xấu hoắc, đang ngồi ngáp ruồi chờ thầy cô xuống hỏi thi bệnh án thì thấy mấy anh chị Y6 kéo nhau ra bãi cỏ chụp hình, tạo dáng. Rầu rĩ, ta tự hỏi: "Sao mấy ông bà này bữa nay ngựa đột xuất vậy cà?". Sau đó mới biết mấy anh chị chụp hình kỷ niệm buổi đi lâm sàng cuối cùng, rồi ai nấy về địa phương học tiếp. Chà chà, đối với một thằng Y4 dốt như me vừa mới hiểu được "sự chết chóc" của thi lâm sàng như mình lúc đó thì cái chuyện đi hết vòng điều trị mấy cái trại này quả là không tường. Ngày đó nếu đến, chắc sẽ rực rỡ tươi đẹp biết bao.
Và rồi đùng một cái mai là ngày ta kết thúc định hướng nội, mọi thứ nhanh như khi bà bệnh nhân "bán bán tráng” thay đổi bệnh sử trước mặt thầy vậy. "Ủa khoan, cái ** gì vừa diễn ra vậy?” Chả phải mình vẫn còn là 1 đứa Y nhỏ xúng xính áo blouse mới mặt hếch lên trời đi khắp bệnh viện hay sao. Giờ mặc áo blouse vào, đi giữa hành lang bệnh phòng thì chỉ dám cúi mặt xuống, hễ nghe đâu đó những tiếng gọi như “em ơi”, “anh ơi”, “cháu ơi” thì hoang mang tột độ, vì theo sao đó sẽ là “lọ phân này em cất giùm chị”, “rảnh không đi phụ mổ em ơi”,“anh ơi chỉ em đọc cái ECC/MRI/CTSCAN này”. Ok, ác mộng. Với một nghiên cứu của ta và tụi bạn, vật chất có khối lượng riêng cao nhất trên thế giới này là “áo blouse sinh viên”, mặc vô thì chỉ muốn nằm lết ở đó không đi nổi vì quá áp lực.
Và tiếng gọi thân thương mà ám ảnh nhất của năm nay chính là “Y6 đâu?”. Hễ nghe tới câu này thì ta khá chắc kèo là “ok, we’re f*cked up”. Những thầy cô đáng kính nào có để ý rằng ta vừa trải qua một năm lễ hội ở Y5 và kiến thức lâm sàng Nội Ngoại Sản Nhi của chúng ta giờ có thể tóm lại trong 3 từ “còn cái nịt”. Và cứ vậy mà thầy cô buông những câu nói nhẹ nhàng nhưng làm xé tâm can của những đứa Y6 bé bỏng (trừ cái mặt ra) :”Hồi học Y6 tui đã phụ mổ, cho thuốc, trực gác ầm ầm rồi. Còn em…” hay ngắn gọn như “Em Y6 thiệt hả?”.
Ta cũng chả hiểu hồi xưa sao nhìn mấy ông bà Y6 giỏi như thần như thánh mà giờ thấy mình cứ sao sao, kiểu đứa Y4 lấy lộn cái áo của Y6 mặc. “Đừng ai kêu em bác sĩ nhe, em còn sinh viên mà”. (Mâu thuẫn thiệt chớ). Tụi Y3-4, “những tấm chiếu mới chưa từng trải” thì không hiểu là thứ ta hơn tụi nó chỉ là mấy ngôi sao trên áo thôi, nên vẫn kiếm ta hỏi kinh nghiệm học và qua môn. Ta cũng nhiệt tình chỉ tụi nó bằng khẩu quyết mà ta đúc kết được sau bao năm: “hên xui, ăn ở em ei”. Và một thời gian sau nó hiểu ra trình độ của chúng ta thì nó bắt đầu chuyển qua :
- Anh ơi anh phụ mổ hay quá, anh phụ nữa đi.
- Anh ơi anh trực anh quá, anh trực giùm tua em luôn nha.
- Chị ơi chị sao thuốc hay quá, chị sao hết phòng nhe.
Đám bạn ta giờ chỉ thu gọn lại còn chục mạng, không phải là hội bạn vip pro học giỏi siêu cấp như ta từng mơ khi coi film mà là tụi vừa nham nhở vừa ham ăn, hễ rủ đi học bài thì nó bận đủ thứ chứ rủ đi ăn thì auto đủ mặt, đem theo sẵn mấy cái bọc mang về. Đang tác chiến mà làm rớt miếng thịt trên bàn thì 30s sau nó tan biến như chưa từng tồn tại. Ngồi trong lớp mà lỡ ngủ gục chảy ke thì y như rằng 5 phút sau tấm hình dìm đó đã lên tab “xu hướng”.
Được cái đã trải qua nhiều nghịch cảnh cùng nhau nên tình bằng hữu cũng không đơn giản. Ví dụ hễ có đứa nào chia tay ghệ là hôm đó đi karaoke sẽ bắt liveshow nhạc thất tình, cô đơn, chằm cảm cho nó sống không bằng chết mới thôi. Anh em tốt phải vậy, đồng cam cộng khổ, nó khổ mình phải cộng thêm cho nó mới vừa. Tuy tình bạn “diarrhea” là vậy nhưng đôi lúc tụi nó cũng đồng lòng đến lạ, ví dụ như khi chụm lại cùng xỉa xói 1 đứa “giáo sư” nào đó mà tụi nó cùng ghét.
Gần đây có lẽ cụm từ hot nhất trên cửa miệng lũ Y6 bạn ta là "cuối cùng". "Kỳ thì lý thuyết cuối cùng", "kỳ thi lâm sàng cuối cùng", "ngày cúp học chung đi trà sữa cuối cùng", "bữa ăn sáng lâm sàng cuối cùng", "ngày trực bệnh viện cuối cùng", "chầu cà fê bệnh viện cuối cùng"...
Và dĩ nhiên những từ cấm kị là “rớt, rơi, rụng nụ, làm lại, lần 2”. Đứa nào mà lỡ nói ra từ “bị cấm” thì sẽ bị đánh bờm đầu phải phun nước miếng nói lại. Người ta nói người có thực lực thì không sợ may rủi nhưng nó chỉ đúng với loài người thôi, còn loài “sinh viên Y” thì thi cử nó là cái gì huyền bí lắm, rất linh thiêng không thể xem thường được. Nhiều khi giờ nghiệm lại, ta không biết sao mình có thể qua được Nội Ngoại Sản Nhi 3 nữa, đầu óc chai sạn của ta và đám Y6 nói chung giờ nó như kiểu một cái chén nhỏ xíu, ta giơ lên để đó và thầy đi qua, cô đi lại, mỗi người rót vô một chút kiến thức, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Vì sự trôi tuột đó, năm thứ 6 này có thể chia làm 2 khoảng thời gian dài như nhau, 2 học kì trước đêm thi tốt nghiệp và ĐÊM ĐÓ. Một trong những đêm dài nhất ta từng trải qua chính là cái ĐÊM ĐÓ, đêm trước thi tốt nghiệp lâm sàng. Ta nằm thao thức nghĩ về ngày phán quyết cho 6 năm thanh xuân của mình, cũng có thể sẽ là chấm dứt cho 18 năm đi học ròng rã mà ta đã tự mình vác xác vào. Ta biết mình chưa từng may mắn trong thi cử, ta cố kéo bản thân lại thực tại khi đầu óc ta “dám” nghĩ tới những phút giây sau ngày đó, ta cũng không dám nghĩ tới tình huống xấu nhất nhưng ta biết mình chưa từng lo sợ như vậy. Thao thức!
Giờ bốc thăm bệnh án đã có nhưng ta đã đến sớm hơn hẳn 1 tiếng, cứ tưởng chỉ có mình lo xa nhưng không, tụi bạn ta nó đã vào gần hết, thậm chí có đứa còn ngủ lại trong bệnh viện vì sợ ngủ quên. Không đứa nào nói với nhau câu nào, tất cả nhìn nhau chờ đợi, hội trường giao ban lặng như tờ. Và rồi giờ bốc thăm cũng tới, cầm lá thăm tụi bạn ta tỏa ra khắp các bệnh phòng nhanh như chớp, không còn cái náo loạn như thời Y3, chúng ta đã quá quen với những kì thi, ai cũng phải chạy đua với thời gian để làm bệnh án tốt nhất có thể. CỰC KÌ CĂNG THẲNG!
Rồi 90 phút trôi qua như cái chớp mắt, chúng ta cũng đối mặt với ải sau cùng khi lên ngồi vấn đáp với thầy cô ta. Đâu đó những bàn thi khác ta nghe vọng lại tiếng khóc, chả biết là nó khóc vì hạnh phúc hay vì ngược lại, nhưng âm thanh đó gây áp lực kinh khủng. Thời điểm đó mà trong đầu ta nghĩ về ba mẹ, gia đình những người đang kì vọng vào ta thì xác định, ta sẽ sụp đổ lập tức. Ta tự nhủ mình đã trải qua điều này hàng trăm lần rồi, và ta biết mình chỉ có bản thân để dựa vào, kéo mình về thực tại ta hít một hơi sâu nhất và bước lên bàn vấn đáp. Thầy cô ta rất tâm lý nên hỏi những câu rất vừa khả năng nhưng đầu óc ta lúc đó như quay cuồng, ta còn không biết mình đã trả lời những gì, mọi thứ cứ nhạt nhòa đi cho tới khi ta nghe thầy nói “Chúc mừng em, Tân Bác Sĩ.”
Lúc đó mà không kìm lại là ta ôm hun thầy luôn rồi, nhưng may nén lại được nên lí rí cảm ơn thầy mà về ngồi nhìn ra cửa sổ, nhớ về cảnh những anh chị Y6 hai năm về trước, hạnh phúc ngập tràn, ta biết mai mình sẽ lại ra bãi cỏ nằm lăn lộn cho những đứa Y3-Y4 ói mửa, nhưng có sao đâu, tụi nó sao hiểu được sự nhẹ nhõm này. Ta hiện tại chỉ muốn thét lên “ba mẹ ơi, bà hàng xóm ơi, con làm được rồi” nhưng với sự chững chạc của một Y6 ta giữ lại chút tôn nghiêm ở những phút cuối ngồi giảng đường, ta chỉ ngồi nhìn xa xăm rồi cười ...ha hả một mình thôi.
Sau cuộc hỏi thi, ta tụ họp lại lũ bạn, đứa nào mặt mày cũng tái mét nhưng không ai “ở lại nơi này”, cả đám cùng thống nhất đi hết các khoa chụp hình kỉ niệm. Và rồi 6 năm thanh xuân chợt lướt qua trong khoảnh khắc đó: hành lang thân thương ta chà lết, cái bàn cứng ngắc đêm trực ta say giấc khuya, cái gối Doreamon phòng trực, anh giáo sư phơi cá khô đã đi làm 1 năm tay bắt mặt mừng, quán cháo lòng trước cổng bệnh viện, căn tin cùng chị phục vụ chưa bao giờ cho ta ăn thiếu, phòng mổ, phòng sinh viên, hội trường bệnh viện…. những nơi ta nghĩ có thể cả đời này ta cũng sẽ không quay lại. Nghĩ tới đó, ta thoáng có chút ưu tư, nhưng ta hiểu đã tới lúc ta bước qua một chương mới trong đời.
Sáu năm thanh xuân ta trải qua ở nơi chỉ có tiếng khóc và nỗi đau này đã kết thúc trong nụ cười và nước mắt.
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.
Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé