ĐIỂM CHÍNH
Kết quả của thử nghiệm lâm sàng so sánh hiệu quả của 4 thuốc điều trị đái tháo đường type 2 khi phối hợp với metformin cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng phối hợp liraglutide hoặc insuline glargine có thể kiểm soát nồng độ đường huyết tốt hơn so với bệnh nhân được điều trị bằng phối hợp glimepiride hoặc sitagliptinSự khác biệt về khả năng kiểm soát đường huyết trong thời gian dài của 4 thuốc điều trị là rất nhỏKết quả nghiên cứu cho thấy việc duy trì nồng độ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 gặp nhiều khó khăn về lâu dài và cần phải cá nhân hóa điều trị
MỞ ĐẦU
Đa số bệnh nhân đái tháo đường type 2 đều cần nhiều hơn 1 thuốc điều trị để kiểm soát nồng độ đường huyết. Thuốc điều trị đầu tay được lựa chọn thường là metformin phối hợp với kiểm soát chế độ ăn và tập thể dục. Nếu sau bước điều trị đầu tiên, bệnh nhân vẫn không đạt được nồng độ đường huyết mục tiêu thì việc bổ sung thuốc điều trị thứ 2 là cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn nào để lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường thứ 2 cho bệnh nhân.
Một thử nghiệm lâm sàng với quy mô lớn (nghiên cứu GRADE) đã được tiến hành để so sánh về hiệu quả kiểm soát đường huyết của 4 thuốc điều trị đái tháo đường type 2. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine.
NGHIÊN CỨU GRADE
Thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trên bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 dưới 10 năm, đang được điều trị bằng metformin và có nồng độ HbA1c từ 6.8 – 8.5%. Tổng cộng có 5047 bệnh nhân tham gia nghiên cứu và được theo dõi trong thời gian theo dõi trung vị 5.0 năm. Hơn 5000 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào các nhóm (i) điều trị bằng insulin glargine U-100; (ii) sulfonylurea glimepiride (nhóm sulfonylurea); (iii) liraglutide (nhóm chất chủ vận thụ thể glucagon-like peptide – 1) và (iv) sitagliptin (nhóm chất ức chế dipeptidyl peptidase 4). Tiêu chí đánh giá chính của nghiên cứu là nồng độ HbA1c (đo lường hàng quý) ≥ 7.0% và tiêu chí đánh giá phụ là nồng độ HbA1c ≥ 7.5%1.
Kết quả cho thấy tỷ lệ tích lũy bệnh nhân có nồng độ HbA1c ≥ 7.0% có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm điều trị. Cụ thể, có 26.5/100 bệnh nhân – năm ở nhóm insulin glargine có nồng độ HbA1c ≥ 7.0%, tỷ lệ này ở nhóm liraglutide là 26.1/100 bệnh nhân – năm, glimepiride là 30.4/100 bệnh nhân – năm và sitagliptin là 38.1/100 bệnh nhân – năm. Sự khác biệt giữa các nhóm về tiêu chí đánh giá phụ (HbA1C ≥ 7.5%) là tương tự với tiêu chí chính (HbA1C ≥ 7.0%)1.
Không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 4 nhóm nghiên cứu về giới tính, tuổi tác và chủng tộc. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có nồng độ HbA1C nền cao hơn, nhiều lợi ích điều trị được quan sát hơn ở nhóm insulin glargine, liraglutide và glimepiride hơn là sitagliptin1.
Biến cố hạ đường huyết nghiêm trọng hiếm khi xảy ra ở cả 4 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, khi so sánh, biến cố hạ đường huyết nghiêm trọng thường gặp nhất ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng glimepiride với 2.2% bệnh nhân, tiếp đến là insuslin glargine với 1.3%, liraglutide 1.0% và sitagliptin 0.7%1.
Kết quả về tác đông bất lợi hạ đường huyết của cả 4 nhóm thuốc điều trị không gây ngạc nhiên khi nhóm thuốc sulfonylurea và insulin là hai nhóm thuốc kinh điển được báo cáo về tác động bất lợi này. Bảng 1 tóm tắt một số đặc điểm và cân nhắc của các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường type 2, được lược dịch từ hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 20223.
Bảng 1. Đặc điểm về hiệu lực và tính an toàn của các nhóm thuốc điêu trị đái tháo đường type 2.
Biến cố đường tiêu hóa cũng được theo dõi. Trong số 4 nhóm thuốc điều trị, liraglutide là nhóm thuốc được báo cáo nhiều biến cố trên đường tiêu hóa nhất.
Những người tham gia nghiên cứu ở cả 4 nhóm nghiên cứu đều giảm cân. Trong suốt những năm theo dõi của nghiên cứu, bệnh nhân nhóm liraglutide và sitagliptin giảm được nhiều cân nặng hơn so với insuslin glargine và glimepiride (trung bình cân nặng giảm được ở 4 nhóm nghiên cứu là 3.2 kg, 1.8 kg và < 0.9 kg).
Tuy vậy, sự khác biệt giữa 4 nhóm thuốc điều trị (phối hợp với metformin) là không quá lớn. Mặc dù nồng độ đường huyết của bệnh nhân tham gia nghiên cứu giảm dần theo thời gian, nhưng gần ¾ bệnh nhân không thể duy trì nồng độ đường huyết đích trong suốt 4 năm theo dõi1, 2.
BÀN LUẬN
Một nhóm thuốc điều trị đái tháo đường khác là chất ức chế kênh đồng vận chuyển glucose – natri (Sodium-glucose Cotransporter-2 inhibitor) không được bao gồm trong nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu GRADE cũng đã phần nào đưa ra cơ sở cho các nhân viên y tế về việc lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường thứ 2 cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 sau metformin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- GRADE Study Research Group, Nathan DM, Lachin JM, Balasubramanyam A, Burch HB, Buse JB, Butera NM, Cohen RM, Crandall JP, Kahn SE, Krause-Steinrauf H, Larkin ME, Rasouli N, Tiktin M, Wexler DJ, Younes N. Glycemia Reduction in Type 2 Diabetes - Glycemic Outcomes. N Engl J Med. 2022 Sep 22;387(12):1063-1074. doi: 10.1056/NEJMoa2200433.
- News Release. Two popular diabetes drugs outperformed others in large clinical trial - NIH-funded researchers complete first study comparing commonly used type 2 diabetes medications. National Institutes of Health. Updated 21 Sep 2022. Accessed date 06 Dec 2022. URL: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/two-popular-diabetes-drugs-outperformed-others-large-clinical-trial
- American Diabetes Association Professional Practice Committee; 9. Pharmacologic Approaches to Glycemic Treatment: Standards of Medical Care in Diabetes—2022. Diabetes Care 1 January 2022; 45 (Supplement_1): S125–S143. https://doi.org/10.2337/dc22-S009
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.
Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé