Bài viết chia sẻ của bác sĩ Nguyen Vien
Phải chăng nó giống như phong trào văn nghệ quần chúng, “ tự biên tự diễn” rầm rộ sau 1975, chuyên cho ra đời những đứa con tinh thần chất lượng lộn xộn. Có khác chăng, các “phác đồ “ được đưa vào qui định, được nâng lên như tiêu chí chuyên môn chính thức ở một cơ sở...
Do phải “ học thi” (Chuyên khoa 1, YHGĐ) tôi cần đọc một số bài theo nội dung ôn thi. Tôi có cuốn Harrison’s manual of medicine khá cũ (Ed 2013) chưa mua mới nên ra nhà sách thấy cuốn “ Phác đồ 2018- Nội khoa” 2 cuốn dày cộm của Bệnh viện Chợ Rẩy- bệnh viện tuyến Trung ương đầu ngành của Việt nam nên mua về, hi vọng “ cập nhật”.
Nhưng quá thất vọng !
Cũng có vài bài được, nhưng đa số chấp vá, chép chỗ này một chút, chỗ kia một chút, và quan trọng nhất là KHÔNG CHUẨN !
Ví dụ bài “ Hen phế quản”, tôi đọc ở GINA 2017 được một nhóm sinh viên y khoa Huế biên dịch rất nhiều thông tin có chứng cớ (EBM), từng câu từng chữ rất lý thú, và chặt, không thừa, không lặp lại. Còn bài hen trong phác đồ giống như viết theo “ kinh nghiệm” tác giả, phần “điều trị” đúng là một “ phác đồ” cho MỌI BỆNH NHÂN (Bn nào cũng chích một mủi methylprednisolone ?). Xem lại phần tài liệu tham khảo thấy cũng có GINA 2017, lại cuốn Harrison từ lần xuất bản 2010- Cách nay 9 năm ! Sao không “cốp” luôn Gina 2017 cho hay và chính xác ?
SYT, BYT yêu cầu mỗi nơi phải làm một cuốn phác đồ cho bệnh viện mình- xem là “ tài liệu pháp lý” hướng dẫn điều trị. Những cơ sở nhỏ thì download phác đồ của BVCR, bệnh viện Bạch Mai về để làm “Phác đồ” cho chính mình.
Việc viết phác đồ là cần thiết, và cũng tốt cho việc “ ôn văn luyện võ” của các bác sĩ. Nhưng có một bất cập RẤT KHÓ VƯỢT QUA: Chất lượng không đồng đều của các phác đồ của từng khoa. Tôi đã từng biên soạn phác đồ điều trị ở BVNĐ2, tôi hiểu thực tế không có “ Hội đồng” hay “ Ban biên tập” nào có đủ thời gian và sức lực xem xét (review) các bài viết, theo kiểu “ peer review”. Bài gởi bao nhiêu, chỉnh sửa ... lỗi chính tả, rồi cho đăng ! Các bài giảng của các bộ môn, do các cán bộ giảng viết còn có chỗ này chỗ nọ chưa chuẩn, làm sao các bác sĩ dù là trưởng phó khoa có thể có “ phác đồ” làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi bác sĩ điều trị !
Ý kiến tôi là: Đối với các mặt bệnh lớn như Hen, COPD, Cao huyết áp, Tiểu đường, Suy tim... hầu hết đều có các Guidelines quốc tế, thường xuyên cập nhật, thì mình nên sử dụng hẳn các tài liệu đó làm tài liệu chính thức. Nếu không có guidelines thì dựa hẳn vào một vài quyển textbook sừng sỏ của thế giới làm tài liệu tham khảo chính thức cho chẩn đoán và điều trị. Đừng “ tự hào dân tộc” không đúng chỗ (Cũng là “ tham khảo” của thế giới chứ có tự làm ra nghiên cứu nào đâu mà “ tự ái”?). Việc lấy sách này một ít, sách hay báo kia một ít khiến bài giảng, hoặc bài “ phác đồ” trở nên lủng củng, liệt kê, thiếu chặt chẽ, đôi khi mâu thuẫn nhau ở các thông số, tiêu chí ...
Hãy noi gương Hàn quốc từng mua bản quyền sách giáo khoa Nhật, khi “ nội lực” chưa có...
Ngoài ra, khi xảy ra tranh cãi pháp lý về chuyên môn, các tài liệu quốc tế có uy tín mới là “ tiêu chuẩn vàng” đáng tin cậy, không phải các PHáC ĐỒ tự biên tự diễn của dân a- ma- tơ !