Nên chuyển đổi PPI như thế nào để có hiệu quả về mặt lâm sàng và kinh tế?

Thời gian duy trì pH ≥ 4 trong dạ dày của PPI tăng lên không quá nhanh khi tăng liều PPI, thời gian pH ≥ 4 đạt đỉnh ở liều PPI tương đương omeprazole

Điểm chính

  • Thời gian duy trì pH ≥ 4 trong dạ dày của PPI tăng lên không quá nhanh khi tăng liều PPI, thời gian pH ≥ 4 đạt đỉnh ở liều PPI tương đương omeprazole 70 mg.
  • Chế độ liều PPI x 2 lần/ngày có hiệu quả hơn trong việc làm tăng thời gian pH ≥ 4 so với chế độ liều x 1 lần/ngày.
  • Tăng tần suất sử dụng PPI, với chế độ liều x 3 lần/ngày không làm tăng thời gian ức chế tiết acid hiệu quả của PPI.

Mở đầu

Ba thập kỷ trươc, thuốc ức chế bơm proton (proton pumps inhibitor – PPI) đã trở thành một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Gần đây, một báo cáo cho thấy tỷ lệ sử dụng PPI ở bệnh nhân ngoại trú là 7 – 9%. Trong số những bệnh nhân ngoại trú sử dụng PPI, có tới hơn 20% bệnh nhân ≥ 80 tuổi 1 – 3. Việc tăng sử dụng PPI làm tiêu tốn nhiều chi phí y khoa, ở Hoa Kỳ, việc sử dụng PPI biệt dược không cần thiết làm tăng chi phí y tế hơn 47 tỷ USD.

PPI đã được sử dụng để thay thế thuốc đối kháng thụ thể histamine 2 (H2RA) vì PPI có hiệu quả hơn trong việc làm lành vết loét và giảm nhẹ triệu chứng cũng như trợt loét do trào ngược dạ dày – thực quản. Một phân tích về mối liên hệ giữa hiệu quả của PPI và nồng độ pH trong dạ dày cho thấy rằng nồng độ pH ≥ 4 được duy trì trong 24 giờ là dấu chỉ cho thấy hiệu quả của điều trị trong việc giảm nhẹ triệu chứng do trào ngược dạ dày – thực quản cũng như phòng ngừa viêm thực quản do trào ngược. Thời gian duy trì pH ≥ 4 cũng là dấu chỉ để so sánh hiệu quả ức chế tiết acid của các thuốc PPI.

Đồng thuận quốc tế cho rằng các PPI có hiệu quả tương tự chứ không hơn kém, chẳng hạn đồng thuận của Canada năm 2005 cho rằng omeprazole 20 mg, esomeprazole 40 mg, lansoprazole 30 mg, pantoprazole 40 mg và rabeprazole 20 mg là tương đương. Trong khi đó đồng thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng omeprazole 20 mg, esomeprazole 30 mg, lansoprazole 30 mg, pantoprazole 40 mg, rabeprazole 20 mg và dexlansoprazole 30 mg là tương đương4, 5. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho rằng có sự hơn kém về hiệu lực giữa các PPI. Bài viết tóm tắt kết quả phân tích các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng so sánh hiệu quả của omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole và rabeprazole trong 5 tối thiểu 5 ngày điều trị.

Liều PPI tương đương với omeprazole

Nghiên cứu của Kirchheiner và cộng sự cho rằng khi lấy omeprazole làm tiêu chuẩn, thì hiệu lực tương đương giữa các PPI so với omeprazole lần lượt là 0.23, 0.90, 1.00, 1,60 và 1.82 đối với pantoprazole, lansoprazole, omeprazole, esomeprazole và rabeprazole (ví dụ pantoprazole 40 mg có hiệu quả tương đương với omeprazole 9 mg được đánh giá tại thời điểm pH = 4). Bảng 1 thể hiệu liều thấp nhất trong điều trị của các PPI và liều omeprazole tương đương tương ứng6.

Bảng 1. Hiệu lực của PPI so với omeprazole

Bảng 2. Giá cả của các thuốc PPI có trên thị trường


Chế độ liều 1 lần/ngày

 

Dữ liệu từ 116 nghiên cứu với tổng cộng 3713 người tham gia nghiên cứu cho thấy ngay cả với liều thấp nhất (tương đương omeprazole 2.5 mg) cũng có hiệu quả rõ rệt đối với thời gian duy trì pH ≥ 4, gợi ý rằng hầu hết các bơm proton đều bị bất hoạt với liều PPI này, chẳng hạn pantoprazole 10 mg x 1 lần/ngày có thời gian pH ≥ 4 chiếm 34,9% (8.3 giờ). Thời gian pH ≥ 4 có xu hướng giảm xuống kể từ khi sử dụng PPI với liều tương đương omeprazole 70 mg. Điều này cho thấy rằng thời gian PPI có trong máu làm hạn chế liều PPI có hiệu quả. Liều tương đương omeprazole và thời gian pH ≥4 có mối tương quan tuyến tính trong khoảng giữa liều tương đương omeprazole 9 mg và 64 mg. Ở liều 9 mg, thời gian pH ≥4 kéo dài trong 9.6 giờ và ở liều 64 mg, thời gian pH ≥4 kéo dài trong 15.6 giờ3.

Chế độ liều 2 lần/ngày

Nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu từ 25 nghiên cứu với tổng cộng 592 người tham gia. Liều thấp nhất tương đương omeprazole 9 mg x 2 lần/ngày (pantoprazole 40 mg x 2 lần/ngày) có thời gian pH ≥4 tương tự với PPI ở liều cao nhất của chế độ 1 lần/ngày (thời gian pH ≥4 kéo dài trong 15.6 giờ). Tăng liều PPI làm tăng thời gian pH ≥4. Thời gian pH ≥4 đạt đỉnh 20.4 giờ với liều tương đương omeprazole 64 mg x 2 lần/ngày.

Phân tích cũng cho thấy việc tăng liều (x 3 lần/ngày) không có cải thiện về thời gian pH ≥43.

Thời gian pH ≥6

Nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá thời gian pH ≥ 6, vì thời gian pH ≥ 6 là dấu chỉ quan trong cho việc tiệt trừ Helicobacter pylori có hiệu quả và kiểm soát xuất huyết đường tiêu hóa trên. Từ kết quả phân tích 28 nghiên cứu với tổng cộng 687 người tham gia nghiên cứu (chế độ liều x 1 lần/ngày, 2 lần/ngày và 3 lần/ngày). Liều tương đương omeprazole cao nhất được thử nghiệm là 54 mg x 3 lần/ngày (cụ thể là lansoprazole 60 mg x 3 lần/ngày). Chế độ liều này đat thời gian pH ≥ 6 kéo dài trong 7.8 giờ 3.

Lời kết

Như vậy, PPI có hiệu lực khác biệt trong việc ức chế tiết acid khi đánh giá thời gian pH ≥ 4. Thời gian pH ≥ 4 tăng lên không quá nhanh khi tăng liều PPI, thời gian pH ≥ 4 đạt đỉnh ở liều PPI tương đương omeprazole 70 mg. Chế độ liều PPI x 2 lần/ngày có hiệu quả hơn trong việc làm tăng thời gian pH ≥ 4 so với chế độ liều x 1 lần/ngày. Tăng tần suất sử dụng PPI, với chế độ liều x 3 lần/ngày không làm tăng thời gian ức chế tiết acid hiệu quả của PPI. Nếu xét về giả cả, dexlansoprazole (chế độ liều 2 lần/ngày) có hiệu quả ức chế acid tương tự với chế độ PPI liều thấp nhất x 2 lần/ngày. Vonoprazan liều 20 mg x 1 lần/ngày có hiệu lực tương tự PPI liều cao x 2 lần/ngày.



Tài liệu tham khảo

  1. Rotman SR, Bishop TF. Proton pump inhibitor use in the U.S. ambulatory setting, 2002-2009. PLoS One 2013;8:e56060.
  2. Pottegard A, Broe A, Hallas J, et al. Use of proton-pumpinhibitors among adults: a Danish nationwide drug utilization study. Therap Adv Gastroenterol 2016;9:671–678.
  3. Graham DY, Tansel A. Interchangeable Use of Proton Pump Inhibitors Based on Relative Potency. Clin Gastroenterol Hepatol. 2018 Jun;16(6):800-808.e7. doi: 10.1016/j.cgh.2017.09.033.
  4. Armstrong D, Marshall JK, Chiba N, et al. Canadian Consensus Conference on the management of gastroesophageal reflux disease in adults - update 2004. Can J Gastroenterol 2005;19:15–35
  5. http://www.whocc.no/atc_ddd_index/code-A02BC&showdescription-yes; accessed August 27, 2016
  6. Kirchheiner J, Glatt S, Fuhr U, et al. Relative potency of protonpump inhibitors-comparison of effects on intragastric pH. Eur J Clin Pharmacol 2009;65:19–31



About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét