ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ NHIỄM TRÙNG HUYẾT VÀ SỐC NHIỄM TRÙNG HUYẾT

ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ NHIỄM TRÙNG HUYẾT VÀ SỐC NHIỄM TRÙNG HUYẾT

(Theo Hội nghị Đồng thuận Quốc tế lần thứ 3, Sepsis-3)


TS. BS. Lê Minh Khôi.


BM Hồi sức-Cấp cứu-Chống độc. Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh


I. DẪN NHẬP

Nhiễm trùng huyết (sepsis), một hội chứng bao gồm các bất thường sinh lý, bệnh lý và

sinh hóa, gây nên bởi nhiễm trùng là một vấn đề y tế công cộng quan trọng. NTH làm

tiêu tốn hơn 20 tỉ USD, chiếm 5,2% tổng chi phí nội viện ở Mỹ vào năm 2011. Tần suất

chẩn đoán NTH ngày càng tăng cao. Mặc dù tỉ lệ chính xác chưa thể xác định nhưng

ngay cả những ước tính dè dặt nhất cũng cho rằng NTH là nguyên nhân gây tử vong hàng

đầu trên toàn thế giới. Hơn nữa, những BN sống sót sau NTH cũng có những bất thường

dài hạn về thể chất, tâm lý và nhận thức tạo nên gánh nặng cho gia đình, ngành y tế và xã

hội.

Năm 1991, Hội nghị đồng thuận lần thứ nhất đưa ra những định nghĩa về NTH, sốc NTH,

hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan. Những định nghĩa này tập trung vào tình trạng

viêm vì lúc này người ta cho rằng NTH là hậu quả của Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống

do nhiễm trùng. NTH có ảnh hưởng đến chức năng cơ quan được gọi là NTH nặng

(severe sepsis). NTH nặng có thể đưa đến sốc NTH (septic shock). Sốc NTH được định

nghĩa là “hạ huyết áp gây nên do NTH vẫn tiếp diễn mặc dù được bù dịch đầy đủ”. Năm

2001, Hội nghị đồng thuận lần 2 nhận thấy những hạn chế của các định nghĩa này nên đã

mở rộng các tiêu chí chẩn đoán tuy nhiên không đưa ra những định nghĩa thay thế vì chưa

đủ chứng cứ. Như vậy, các định nghĩa về NTH, sốc NTH và rối loạn chức năng cơ quan

về cơ bản hầu như không thay đổi đáng kể sau 20 năm.

Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó đã có rất nhiều tiến bộ trong hiểu biết về sinh lý

bệnh (thay đổi chức năng cơ quan, hình thái học, sinh học tế bào, sinh hóa, miễn dịch học

và tuần hoàn), xử trí và dịch tễ học NTH nên cần phải đánh giá lại các định nghĩa trước

đây. Từ tháng Giêng năm 2014 đến tháng Giêng 2015, 19 chuyên gia c ủa European

Society of Intensive Care Medicine và Society of Critical Care Medicine đã nhiều lần

nhóm họp và đưa ra những định nghĩa mới về NTH dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Bài lược dịch này có nguồn chủ yếu từ: Singer M, Deutschman CS et al. The Third

International Consensus Definitions for Sepsis and Septic Shock (Sepsis-3). JAMA

2016;315:801-810.


II. TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Nhiễm trùng huyết cần được định nghĩa lại là một rối loạn chức năng cơ quan đe dọa tính

mạng do đáp ứng không được điều phối của cơ thể đối với nhiễm trùng. Để thuận tiện

cho thực hành lâm sàng thì rối loạn chức năng cơ quan có thể được xác định bằng sự gia

tăng ít nhất 2 điểm trong thang điểm SOFA liên quan đến NTH (Sequential [Sepsis-

related] Organ Failure Assessment). Sự gia tăng điểm SOFA này đẩy tỉ lệ tử vong nội

viện lên 10%. Sốc NTH được định nghĩa là một phân nhóm của NTH trong đó có sự hiện

diện của những bất thường đặc biệt nặng nề về tuần hoàn, chuyển hóa tế bào. Những bất

thường này làm tăng cao nguy cơ tử vong hơn so với NTH đơn thuần. Trên lâm sàng có

thể chẩn đoán BN sốc NTH khi cần phải sử dụng các thuốc vận mạch để duy trì một

huyết áp động mạch trung bình ≥ 65 mmHg và một nồng độ lactate huyết thanh > 2

mmol/l (>18mg/dl) khi bệnh nhân không bị thiếu dịch. Sốc NTH có tỉ lệ tử vong nội viện

lên đến hơn 40%. Trong trường hợp ngoại viện, tại phòng cấp cứu, tại trại bệnh ở các

bệnh viện đa khoa thì một bệnh nhân người lớn có nghi ngờ nhiễm trùng sẽ được nhanh

chóng xác định là có dự hậu xấu điển hình của NTH nếu có biểu hiện của ít nhất hai trong

số các tiêu chí lâm sàng sau: tần số thở ≥ 22 lần/phút, thay đổi trạng thái tinh thần, huyết

áp động mạch tâm thu ≤ 100mmHg. Các tiêu chí này tạo nên thang điểm SOFA nhanh tại

giường bệnh và được gọi là quick SOFA (qSOFA).


III. NHỮNG KHUYẾN CÁO

3.1. Định nghĩa Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết được định nghĩa là một rối loạn chức năng cơ quan đe dọa tính

mạng do đáp ứng không được điều phối của cơ thể đối với nhiễm trùng. Định nghĩa

mới này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của (i)một đáp ứng mất cân bằng của vật chủ đối

với nhiễm trùng, (ii)nguy cơ tử vong cao hơn một cách rõ rệt so với các nhiễm trùng

thông thường khác và (iii)tính cấp thiết của việc nhận biết sớm NTH. Như sẽ được đề cập

trong phần sau, chỉ cần một rối loạn chức năng cơ quan mức độ nhẹ ở một bệnh nhân

nghi ngờ nhiễm trùng thì tỉ lệ tử vong nội viện cũng đã vượt quá 10%. Chính vì vậy mà

hội chứng này cần phải được nhận biết nhanh chóng và phản ứng thích hợp.

Các tiêu chí của Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS) không đặc hiệu như sốt, tăng

bạch cầu trung tính vẫn tiếp tục là công cụ giúp chẩn đoán nhiễm trùng. Những dấu hiệu

này hỗ trợ chẩn đoán cho các biểu hiện của nhiễm trùng đặc hiệu (ví dụ ban da, đông đặc

phổi, tiểu khó, viêm phúc mạc). Những biểu hiện đặc hiệu này giúp hướng sự chú ý của

thầy thuốc đến các tiêu điểm giải phẫu của nhiễm trùng cũng như giúp định hướng tác

nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên SIRS có thể chỉ đơn giản phản ánh một đáp ứng thích

hợp của cơ thể và đây thường là một cơ chế thích nghi. NTH liên quan đến rối loạn chức

năng cơ quan chứng tỏ quá trình sinh bệnh học phức tạp hơn nhiều so với nhiễm trùng

cộng với một đáp ứng viêm đơn thuần. Việc nhấn mạnh đến rối loạn chức năng cơ quan

đe dọa tính mạng trong khuyến cáo này phù hợp với thực tế là những khiếm khuyết ở

mức độ tế bào đóng vai trò chủ đạo trong các bất thường sinh lý và sinh hóa bên trong

các hệ thống cơ quan đặc hiệu. Theo hướng đó thì thuật ngữ nhiễm trùng huyết nặng

(severe sepsis) trở nên dư thừa. Bản thân NTH tự nó đã cảnh báo chúng ta cần phải có

một thái độ theo dõi và can thiệp mạnh mẽ bao gồm việc chuyển bệnh nhân vào các đơn

vị hồi sức hoặc chăm sóc tích cực hơn.

3.2. Các tiêu chí lâm sàng để xác định bệnh nhân NTH

Ủy ban cũng nhận thấy rằng không có tiêu chí lâm sàng nào hiện nay có thể phản ánh

được khái niệm “đáp ứng không được điều phối của cơ thể”. Tuy nhiên, như đã được

nhận biết từ Hội nghị đồng thuận từ năm 2001, có rất nhiều dấu hiệu lâm sàng cũng như

kết quả xét nghiệm phản ánh quá trình viêm và rối loạn chức năng cơ quan. Chính vì vậy,

ủy ban này đã khảo sát và đánh giá những tiêu chí lâm sàng nào tốt nhất có thể sử dụng

để xác định một BN bị nhiễm trùng có khả năng cao nhất bị NTH. Và thang điểm SOFA

được khuyến cáo sử dụng. Nếu điểm SOFA tăng ít nhất 2 điểm so với điểm nền thì coi

như BN có rối loạn chức năng cơ quan. Điểm SOFA nền thường là 0 điểm nếu BN không

có những rối loạn chức năng cơ quan (cấp hoặc mạn) đã biết trước khởi điểm của nhiễm

trùng. BN có điểm SOFA ≥ 2 có nguy cơ tử vong khoảng 10% trong quần thể BN nằm

viện có nhiễm trùng. Nguy cơ này cao hơn so với tỉ lệ tử vong 8,1% của BN nhồi máu cơ

tim cấp có ST chênh lên (STEMI). Trong khi đó, STEMI được công nhận rộng rãi trong

cộng đồng và y giới là một tình trạng đe dọa tính mạng. Tùy theo nguy cơ nền của bệnh

nhân mà một điểm SOFA ≥ 2 sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên từ 2 đến 25 lần so với

những BN có điểm SOFA < 2.

Điểm SOFA không phải là một công cụ được sử dụng trong xử trí NTH mà chỉ là phương

tiện lâm sàng giúp phát hiện bệnh nhân NTH. Các cấu phần của thang điểm SOFA (như

nồng độ creatinine hay bilirubin) đòi hỏi thời gian xét nghiệm do vậy nó không thể cung

cấp cho thầy thuốc lâm sàng thông tin về rối loạn chức năng cơ quan một cách nhanh

chóng. Các thành tố khác như điểm tim mạch, có thể bị ảnh hưởng bởi các can thiệp điều

trị. Tuy vậy, điểm SOFA đã trở nên rất quen thuộc trong cộng đồng hồi sức tích cực và

có mối tương quan đã được biết rõ với tỉ lệ tử vong. Có một số chỉ dấu sinh học khác có

thể giúp phát hiện rối loạn chức năng gan, thận hoặc rối loạn đông máu nhanh chóng

nhưng cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn trước khi có thể được tích hợp vào trong

các công cụ lâm sàng.

3.3. Tầm soát bệnh nhân có khả năng NTH

Một mô hình hồi quy đa biến cho thấy bất kỳ 2 trong số 3 biến số lâm sàng -Điểm Hôn

mê Glassgow ≤ 13, huyết áp tâm thu ≤ 100mmHg và tần số thở ≥ 22 lần/phút- có giá trị

chẩn đoán (diện tích dưới đường cong ROC- AUROC = 0,81, KTC 95%: 0,80-0,82)

ngang với điểm SOFA ở quần thể BN ngoài đơn vị hồi sức tích cực. Mô hình này được

gọi là quick SOFA (qSOFA) cung c ấp cho thầy thuốc lâm sàng những tiêu chí lâm sàng

đơn giản để phát hiện BN ngoài đơn vị hồi sức tích cực có nguy cơ có dự hậu xấu.

Với BN nằm tại đơn vị hồi sức tích cực thì điểm SOFA có giá trị tiên đoán (AUROC =

0,74, KTC 95%: 0,73-0,76) cao hơn so với mô hình qSOFA trên (AUROC = 0,66, KTC

95%: 0,64-0,68) có thể là do tác động của can thiệp điều trị (ví dụ thuốc vận mạch, thuốc

an thần, thông khí nhân tạo). Sử dụng thêm chỉ điểm lactate huyết thanh không làm thay

đổi đáng kể giá trị tiên đoán nhưng có thể giúp phát hiện BN có nguy cơ trung bình. Cho

dù qSOFA không mạnh bằng SOFA ở bệnh nhân nằm hồi sức nhưng nó lại không đòi hỏi

thời gian chờ xét nghiệm và có thể thực hiện nhanh chóng cũng như lặp lại nhiều lần.

Ủy ban cũng gợi ý rằng tiêu chí qSOFA có thể được sử dụng để thúc đẩy thầy thuốc lâm

sàng thực hiện những khảo sát sâu hơn về rối loạn chức năng cơ quan, để khởi đầu tăng

cường điều trị một cách thích hợp, để chuyển BN vào đơn vị hồi sức (nếu chưa chuyển)

và tăng cường theo dõi. Ngoài ra, một qSOFA dương tính cũng nên được xem là bằng

chứng để thầy thuốc lâm sàng tiến hành khảo sát tình trạng nhiễm trùng của BN nếu

trước đó chưa phát hiện được nhiễm trùng.

3.4. Định nghĩa sốc nhiễm trùng huyết

Sốc NTH được xem là một phân nhóm của NTH trong đó những bất thường về tuần

hoàn và chuyển hóa tế bào đủ nặng để có thể làm tăng một cách đáng kể tỉ lệ tử vong.

Định nghĩa sốc NTH vào năm 2001 là “một tình trạng suy tuần hoàn cấp tính”. Trong

khuyến cáo hiện tại, định nghĩa sốc NTH có mở rộng hơn nhằm phân biệt giữa sốc NTH

với rối loạn chức năng tuần hoàn đơn thuần và để nhấn mạnh vai trò quan trọng của các

bất thường trong chuyển hóa tế bào.

3.5. Các tiêu chí lâm sàng để xác định sốc nhiễm trùng huyết

Đa số các thành viên của Ủy ban thống nhất rằng hạ huyết áp (hypotension) là khi huyết

áp động mạch trung bình < 65mmHg. Huyết áp tâm thu được sử dụng trong qSOFA.

Phần lớn các thành viên của Ủy ban cũng đồng ý rằng tăng nồng độ lactate huyết thanh

phản ánh rối loạn chức năng tế bào mặc dù vẫn biết rằng có nhiều yếu tố có ảnh hưởng

đến nồng độ của lactate huyết thanh như cung cấp ôxy cho tổ chức không đủ, suy giảm

hô hấp tế bào theo đường ái khí, gia tăng phân hủy glucose và giảm khả năng thanh thải

của gan. Tuy nhiên dù sao đi nữa thì tăng lactate huyết thanh vẫn phản ánh mức độ nặng

của bệnh. Tăng lactate đi kèm với tăng tỉ lệ tử vong.

Tiêu chí của “hồi sức bù dịch thỏa đáng” (adequate fluid resuscitation) hoặc “cần phải sử

dụng liệu pháp vận mạch” (need for vasopressor therapy) không thể xác định một cách rõ

ràng do đánh giá này phụ thuộc vào từng thầy thuốc dựa trên những phương tiện theo dõi

huyết động khác nhau cũng như đích hồi sức cũng khác nhau.

Đo nồng độ lactate huyết thanh thường được sử dụng nhưng không phải nơi nào cũng có

thể thực hiện, nhất là ở các nước đang phát triển. Nhưng dù sao thì tiêu chí lâm sàng để

chẩn đoán sốc NTH đã được phát triển dựa trên hạ huyết áp (HA động mạch trung bình <

65 mmHg) kèm với tăng nồng độ lactate huyết thanh > 2 mmol/l (18mg/dl) chứ không

phải đơn độc một trong hai biến số này vì sự kết hợp này phản ánh được hai cấu phần

trong sốc NTH là (i)rối loạn chức năng tế bào và (ii)suy giảm chức năng tim mạch. Sự

kết hợp của cả hai yếu tố này đi kèm với tỉ lệ tử vong tăng cao.


IV. KẾT LUẬN

Các định nghĩa và các tiêu chí lâm sàng được cập nhật mới này làm sáng tỏ hơn những

tiêu chí đã được sử dụng lâu dài và tạo điều kiện thuận lợi cho nhận biết sớm và xử trí kịp

thời hơn những bệnh nhân NTH hoặc có nguy cơ bị NTH. Tuy nhiên việc xây dựng các định nghĩa cũng như tiêu chí vẫn là một quá trình cần được tiếp tục hoàn thiện trong tương lai.


Box 1. Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS)

Có ít nhất hai trong số các tiêu chuẩn sau:

Thân nhiệt > 38oC hoặc < 36oC

Tần số tim > 90 lần/phút

Tần số thở > 20 lần/phút hoặc PaCO2 < 32 mmHg (4,3 kPa)

Số lượng bạch cầu > 12 000/mm3 hoặc < 4 000/mm3 hoặc BC non > 10%.


Box 2. Các khái niệm chính trong nhiễm trùng huyết

 NTH là nguyên nhân chính gây tử vong do nhiễm trùng, đặc biệt nếu tình trạng

này không được nhận biết sớm và điều trị kịp thời. Khi phát hiện NTH thì cần có

can thiệp khẩn cấp.

 NTH là một hội chứng gây nên bởi các yếu tố của tác nhân gây bệnh và các yếu tố

của vật chủ (ví dụ giới tính, chủng tộc và các yếu tố di truyền, tuổi, bệnh đi kèm

và môi trường) có các đặc trưng bệnh tiến triển theo thời gian. Điểm phân biệt

giữa NTH và nhiễm trùng là đáp ứng của vật chủ bị sai lệch hoặc mất điều phối và

sự hiện diện của rối loạn chức năng cơ quan.

 Rối loạn chức năng cơ quan gây nên do NTH có thể ẩn tang do vậy cần phải tích

cực phát hiện chúng ở những BN có nhiễm trùng. Ngược lại, một bệnh nhân mới

xuất hiện rối loạn chức năng cơ quan cần phải được khảo sát nguyên nhân nhiễm

trùng. Như vậy, một rối loạn chức năng cơ quan không giải thích được có thể là do

nguyên nhân nhiễm trùng.

 Kiểu biểu hiện lâm sàng và sinh học của NTH có thể thay đổi nếu BN có sẵn các

bệnh lý trước đó, do những bệnh kéo dài, do thuốc và do can thiệp điều trị.

 Các nhiễm trùng đặc hiệu có thể gây nên rối loạn chức năng cơ quan khu trú mà

không gây nên một đáp ứng toàn thể mất điều phối ở vật chủ.


Box 3. Các thuật ngữ và định nghĩa mới

 NTH được định nghĩa là một rối loạn chức năng cơ quan đe dọa tính mạng do đáp

ứng không được điều phối của cơ thể đối với nhiễm trùng.

 Rối loạn chức năng cơ quan có thể được xác định là một thay đổi cấp tính của

tổng điểm SOFA ≥ 2 điểm do hậu quả của nhiễm trùng.

o Điểm SOFA nền thường được tính là 0 điểm ở các BN không có rối loạn chức năng sẵn

có trước đó.

o Một điểm SOFA ≥ 2 phản ánh nguy cơ tử vong tổng thể tăng cao lên khoảng 10% trong

quần thể BN nội viện có nghi ngờ nhiễm trùng. Ngay cả khi những BN có rối loạn chức

năng cơ quan mức độ rất nhẹ cũng có thể diễn tiến xấu hơn. Điều này nhấn mạnh tính

nguy hiểm của rối loạn chức năng cơ quan và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và

can thiệp kịp thời nếu BN chưa được can thiệp.


 Nói theo ngôn ngữ thông thường thì NTH là một tình trạng đe dọa tính mạng xuất

hiện khi những đáp ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng làm tổn thương chính các

mô và cơ quan của vật chủ.

 Có thể nhanh chóng tiên đoán được những dự hậu xấu như nằm ICU dài ngày

hoặc tử vong nội viện ở những BN có nhiễm trùng thông qua công cụ quick

SOFA.

 Sốc NTH được xem là một phân nhóm của NTH trong đó những bất thường về

tuần hoàn và chuyển hóa tế bào đủ nặng để có thể làm tăng một cách đáng kể tỉ lệ

tử vong.

 BN sốc NTH có thể được chẩn đoán dựa vào những tiêu chí chẩn đoán NTH kèm

với hạ huyết áp tồn tại cần phải sử dụng thuốc vận mạch để giữ HAĐM trung bình

≥ 65mmHg và có lactate huyết thanh > 2mmol/l (18mg/dl) cho dù đã được hồi sức

bù dịch thoả đáng. Với tiêu chí chấn đoán này thì tỉ lệ tử vong nội viện > 40%.


















Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man; cơn bệnh phập phù; kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó. Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài hòa.

Tham gia Group Telegram và Zalo cùng chúng tôi để nhận thông báo mới nhất cũng như giao lưu - chia sẻ nhé

Icons with Group Links
Telegram
Zalo

About the author

TBFTTH
Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì miên man;cơn bệnh phập phù;kinh nghiệm hiểm nguy, còn quyết định thì thật khó.Người thầy thuốc không phải chỉ chuẩn bị để tự mình làm đúng, mà còn khiến cho bệnh nhân, người đi theo và các yếu tố xung quanh hợp tác hài…

Đăng nhận xét