Dấu hiệu Frank |
Mục lục bài viết
Lược sử:
Năm 1973, bác sỹ Sanders T. Frank có một công bố trên NEJM mô tả 20 bệnh nhân của ông ấy với một dấu hiệu có rãnh cắt ngang ở dái tai, đều dưới 60 tuổi, có triệu chứng đau ngực và được chứng minh có tắc mạch vành. Đây là nghiên cứu đầu tiên mô tả mối liên quan tiềm tàng giữa bệnh lý tim mạch và dấu hiệu rãnh ở dái tai [1]. Tuy nhiên việc không có đánh giá so sánh nhóm đối chứng khiến cho nghiên cứu không có giá trị kết luận. Một số nghiên cứu sau đó với nhóm chứng đầy đủ đã giúp khẳng định mối liên quan này. Nhưng giá trị của nó đến đâu? Hãy cùng trả lời một số câu hỏi để có một cái nhìn chính xác hơn về dấu hiệu Frank. Dấu hiệu Frank là gì?
Dấu hiệu Frank nhằm chỉ một đường rãnh cắt ngang qua dái tai với một góc 45 độ [6].
Bằng chứng ủng hộ?
Từ những năm 1970-1990, một loạt những nghiên cứu đi sau đã cho thấy sự xuất hiện của dấu Frank phổ biến trên những bệnh nhân có cơn đau thắt ngực hơn những người không có [7; 10; 11].
Một nghiên cứu tại Trung Quốc trên 449 bệnh nhân đã được chụp mạch vành cho thấy dấu Frank xuất hiện ở 46.9% bệnh nhân không có bệnh mạch vành và 75.2% bệnh nhân có bệnh mạch vành (p <0.001). Độ nhạy và độ đặc hiệu của dấu Frank lần lượt là 0.752 và 0.538. Độ nhạy giảm thấp nhất ở nhóm <45 tuổi và độ đặc hiệu thấp nhất ở nhóm >75 tuổi [12].
Một nghiên cứu ở Brazin trên 1946 bệnh nhân cho thấy dấu hiệu Frank xuất hiện ở 220/338 (65%) bệnh nhân có bệnh mạch vành (được tính nếu có hẹp >75% ở ít nhất 1 động mạch vành trên hình ảnh chụp mạch vành), cao hơn có ý nghĩa thống kê với nhóm không có bệnh mạch vành (chỉ 28%) (p<0,001) [8].
Một nghiên cứu thực hiện trên 430 bệnh nhân không có tiền sử bệnh mạch vành được chụp CTA. Kết quả cho thấy dấu Frank xuất hiện trên 70% bệnh nhân có bệnh mạch vành (được tính khi có ít nhất một mạch vành hẹp >50%). 77% bệnh nhân có bệnh mạch vành có dấu Frank trong khi chỉ 55% bệnh nhân có bệnh mạch vành không có dấu Frank (p<0.001) [8].
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 1022 bệnh nhân đái tháo đường cho thấy dấu hiệu Frank không có giá trị nhiều trong dự đoán nguy cơ bệnh mạch vành với độ nhạy và độ đặc hiệu khá khiêm tốn lần lượt là 60% và 48% mặc dù tỷ lệ xuất hiện dấu Frank trong mẫu nghiên cứu là 55% [4].
Liên quan thật sự hay chỉ là một sai số chọn mẫu?
Một số ý kiến nghi ngờ cho rằng thực chất dấu Frank được tìm thấy có mối liên quan với bệnh mạch vành chẳng qua nó cũng là hậu quả của các yếu tố nguy cơ tương tự bệnh mạch vành như hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì,... Và tất nhiên một số nghiên cứu đã được thực hiện để kiểm tra điều này.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối tương quan giữa dấu Frank và tăng huyết áp [7; 11], béo phì [10], đái tháo đường [4] và hội chứng chuyển hóa [5]. Từ những nghiên cứu trên cũng có thể thấy tuổi tác là một yếu tố làm tăng khả năng xuất hiện dấu Frank mà không nhất thiết liên quan tới bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn trên 10,885 đối tượng từ 20-93 tuổi không có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành được theo dõi trong 35 năm. Kết quả là có 3401 xuất hiện các yếu tố nguy cơ mạch vành và 1708 bệnh nhân có nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu cũng cho thấy dấu hiệu Frank có liên quan đến tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt là nghiên cứu cũng kết luận dấu Frank có giá trị tiên lượng bệnh lý tim mạch độc lập với các yếu tố nguy cơ khác [3].
Như vậy có thể coi dấu Frank là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống.
Dấu Frank có liêu quan tới các bệnh lý mạch máu khác không?
- Bệnh động mạch ngoại biên: Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trên 573 bệnh nhân không có tăng huyết áp, không đái tháo đường để đánh giá mối liên quan giữa dấu Frank và vận tốc sóng mạch cổ chân- cánh tay (baPWV). Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu Frank có chỉ số baPWV cao hơn có ý nghĩa thống kê và dấu Frank cũng có mối liên quan độc lập với baPWV [2].
- Mạch máu não: một nghiên cứu thực hiện trên 241 bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ não. Dấu Frank được quan sát thấy trên 190 bệnh nhân (73.2%). Những bệnh nhân này được chia làm 2 nhóm dựa vào kết quả CT gồm nhóm TIA và nhóm đột quỵ não thật sự. Thêm vào đó 72.3% bệnh nhân có chẩn đoán TIA có dấu Frank, 88.6% bệnh nhân đột quỵ não thật sự có dấu Frank (p<0.01). Họ kết luận rằng dấu Frank có thể có giá trị dự đoán nguy cơ đột quỵ não [9].
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nghiên cứu đã kể trên ở 1022 bệnh nhân đái tháo đường cho thấy dấu Frank không có mối liên quan với nguy cơ bệnh mạch vành, bệnh võng mạc đái tháo đường [4].
Tại sao dấu Frank lại liên quan tới bệnh lý tim mạch?
Các giả thuyết được đưa ra là bởi vùng dái tai được nuôi dưỡng bởi các mạch máu tận cùng tương tự mạch vành ở tim. Do đó những bất thường về chức năng nội mạc, mức độ tưới máu, thay đổi giải phẫu vi mạch ở vùng dái tai có tương quan nhất định với mạch vành. Tuy nhiên cho tới hiện tại chúng ta chưa có đủ bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này.
Làm gì khi bắt gặp dấu Frank?
Như chúng ta thấy, dấu Frank có thể được xem là một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch nhưng cũng có thể xuất hiện ở những người bình thường. Do đó, khi bắt gặp dấu hiệu này trên bệnh nhân, chúng ta có thể chú ý khai thác kỹ hơn về tiền sử, triệu chứng có liên quan và thực hiện các đánh giá từ thấp đến cao về bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên tùy thuộc mức độ đánh giá nguy cơ trên bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
1. Agouridis, A. P., Elisaf, M. S., Nair, D. R., & Mikhailidis, D. P. J. A. o. m. s. A. (2015). Ear lobe crease: a marker of coronary artery disease? , 11(6), 1145.
2. Choi, S. I., Kang, H. C., Kim, C. O., Lee, S. B., Hwang, W. J., Kang, D. R. J. E., & health. (2009). Relationship between earlobe crease and brachial-ankle pulse wave velocity in non-hypertensive, non-diabetic adults in Korea. 31.
3. Christoffersen, M., Frikke-Schmidt, R., Schnohr, P., Jensen, G. B., Nordestgaard, B. G., & Tybjærg-Hansen, A. (2014). Visible age-related signs and risk of ischemic heart disease in the general population: a prospective cohort study. Circulation, 129(9), 990-998. doi:10.1161/circulationaha.113.001696
4. Davis, T., Balme, M., Jackson, D., Stuccio, G., Bruce, D. J. A., & medicine, N. Z. j. o. (2000). The diagonal ear lobe crease (Frank's sign) is not associated with coronary artery disease or retinopathy in type 2 diabetes: the Fremantle Diabetes Study. 30(5), 573-577.
5. Kang, E. H., Kang, H. C. J. E., & Health. (2012). Association between earlobe crease and the metabolic syndrome in a cross-sectional study. 34.
6. Lo, C.-H., & Lin, W.-S. (2015). Frank’s sign. QJM: An International Journal of Medicine,
108(9), 745-746. doi:10.1093/qjmed/hcv045 %J QJM: An International Journal of Medicine
7. Moncada, B., Ruíz, J., Rodríguez, E., & Leiva, J. J. L. (1979). Ear-lobe crease. 1(8109), 220- 221.
8. Nazzal, S., & Blum, A. J. S. M. J. (2018). Association between the frank sign and cardiovascular events. 111(8), 504-509.
9. Nazzal, S., Hijazi, B., Khalila, L., & Blum, A. J. T. A. j. o. m. (2017). Diagonal earlobe crease (Frank's sign): A predictor of cerebral vascular events. 130(11), 1324. e1321-1324. e1325.
10. Rhoads, G., Klein, K., Yano, K., & Preston, H. J. H. m. j. (1977). The earlobe crease: sign of obesity in middle aged Japanese men. 36(3), 74-77.
11. Shoenfeld, Y., Mor, R., Weinberger, A., Avidor, I., & Pinkhas, J. J. J. o. t. A. G. S. (1980). Diagonal ear lobe crease and coronary risk factors. 28(4), 184-187.
12. Wu, X.-l., Yang, D.-y., Zhao, Y.-s., Chai, W.-h., & Jin, M.-l. J. B. c. d. (2014). Diagonal earlobe crease and coronary artery disease in a Chinese population. 14(1), 1-8.
Nguồn: Bài dịch của Bs Lê Bảo Trung:
https://www.facebook.com/jump.halo/posts/pfbid04dH7dE23C6oiKh7vRbCRy1LzQN4vgoZ5UB86ojcuTrgi5TUueLUkNLoScC11zuMGl
Bệnh nhân nam 59 tuổi đến khám vì đau ngực khi gắng sức điển hình, tiền căn tăng huyết áp đang điều trị. Các thăm dò điện tim gắng sức và siêu âm tim gắng sức đều cho kết quả âm tính. Bệnh được chỉ định chụp mạch vành xâm lấn phát hiện hẹp nặng 2 nhánh mạch vành và được can thiệp đặt stent thành công , không biến chứng. Theo dõi tái khám sau đó, bệnh nhân hồi phục tốt, hết đau ngực .
- Trong quá trình thăm khám thực thể, ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu Frank hai bên. Đó là một rãnh chạy chéo trong dái tai 45 độ bắt đầu từ chỗ bình tai( tragus) chạy chéo xuống ra sau đến bờ tự do của tai ngoài
- Nếp gấp này được gọi là dấu hiệu Frank, do bác sĩ Sanders T. Frank phát hiện, là một lằn gãy chạy theo đường chéo ngược 45 độ ở các dái tai. Năm 1987, người ta đã nghiên cứu độ nhạy, độ đặc hiệu về giá trị cảnh báo của dấu hiệu Frank trên một nhóm 172 bệnh nhân nghi ngờ có bệnh mạch vành. Dấu hiệu này không liên quan đến yếu tố cân nặng, có thể xuất hiện ở cả những người mập cũng như người gầy. Tất cả được kiểm tra lâm sàng, đo điện tâm đồ nghỉ ngơi, điện tâm đồ gắng sức và chụp động mạch vành chọn lọc .Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành là sự hiện diện của hẹp từ 75 % trở lên ở một trong ba thân mạch vành chính. Kết quả nghiên cứu thống kê cho thấy có sự liên hệ rất quan trọng giữa dấu hiệu Frank và bệnh mạch vành (p<0.001). Độ nhạy của dấu hiệu của Frank đạt 75%, độ đặc hiệu đạt 57,5% và giá trị tiên đoán dương tính của nó đạt 80,3%.
- Giá trị dự báo thay đổi theo giới tính, 50% ở phụ nữ so với 84,7% ở nam giới. Tần số xuất hiện của dấu hiệu Frank tăng dần theo độ tuổi: 42% ở nhóm tuổi 30-39 và 75,8% ở nhóm tuổi 60-69. Đối với những gười ngoài 60 tuổi, giá trị dự báo của dấu hiệu Frank chỉ đạt khoảng 77% so với nhóm tuổi trẻ hơn.
- Dấu hiệu Frank được cho là một biểu hiện của sự lão hóa sớm, mất các sợi đàn hồi của da, mạch máu và được coi như là dấu hiệu cảnh báo của bệnh mạch vành, độc lập với các yếu tố nguy cơ nói trên nhưng thường có mối liên kết với chúng..
Sự hiện diện của dấu Frank tương ứng với 75% các trường hợp bệnh lý mạch vành không triệu chứng và điều quan trọng là những trường hợp này có thể đột tử nhưng không hề biết mình có bệnh lý tim mạch.
- Dấu hiệu Frank không có tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh mạch vành, với thời gian của cơn đau thắt ngực và cũng không phải với bất kỳ các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như thuốc lá, tăng cholesterol máu, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì...
- Sự xuất hiện của dấu hiệu Frank, dù độ nhạy chưa đạt 100%, nhưng là dấu hiệu cảnh báo sớm và là một yếu tố nguy cơ có ý nghĩa, rất hữu ích trong việc tầm soát, chẩn đoán bệnh lý mạch vành, đặc biệt ở người trẻ dưới 60 tuổi. Nếu thấy mình vừa mới xuất hiện dấu Frank ở dái tai, chúng ta nên chủ động đi khám tầm soát bệnh lý tim mạch.
Nguồn tham khảo:
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMicm1213868